HỒNG NHU
(Bài nói trong buổi tổng kết, trao giải cuộc thi thơ 1996 do Hội VHNT TT. Huế tổ chức. Nhà thơ Hồng Nhu, trưởng BCK trình bày)
Cuộc thi thơ năm 1996 của Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức đã mở ra và đã kết thúc - dĩ nhiên, cuộc nào cũng phải và cần như vậy.
Thời gian mà cuộc thơ kéo dài lại ngẫu nhiên trùng hợp với thời gian của người mẹ mang thai đứa con mình: 9 tháng 10 ngày. Khi có người phát hiện nói ra điều này, chúng tôi bỗng thấy một niềm vui nho nhỏ. Một điều gì đó đang tới và sẽ tới, khiến mọi người hồi hộp hẳn lên, háo hức hẳn lên. Trong cuộc đời, thiếu đi những niềm vui nho nhỏ đó, chúng tôi nghĩ rằng nhiều khi không vượt qua nổi những xô bồ, thử thách, gay go... đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trước mắt chúng ta.
Cái điều gì đó đã xảy ra: Trong vòng 9 tháng, chúng ta đã tập hợp được hơn 800 cây bút với hơn 4000 tác phẩm được gửi về từ 46 tỉnh, thành trong cả nước. Con số này còn khiêm tốn lắm; song nếu thử lấy con số cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ (Hội nhà văn VN) gần nhất - 1995 mà so, với 2400 tác giả và 17000 tác phẩm tham gia, thì chúng ta cũng đã thu hoạch bằng 1/3 cả nước rồi. Nói là nói vậy nhưng con số chẳng có ý nghĩa gì nếu chất lượng không có gì đáng nói, cha ông ta đã dạy rồi “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Trên Tạp chí Sông Hương từ số 5 /96 đến số 3/97 chúng tôi đã giới thiệu liên tục 177 tác phẩm của 106 tác giả với bạn đọc. Hơn 100 tác phẩm lọt qua sơ khảo, quá một nửa số này lọt vào chung khảo và 13 giải với 17 tác phẩm được công bố chắc chắn chứng minh được sự khởi sắc mới thơ trong giai đoạn mới của vùng đất TT. Huế chúng ta, đóng góp tiếng nói không thể gọi là yếu, thiếu trong nền thơ chung Việt Nam.
Thưa các anh các chị.
Tổng kết thơ thật là khó, quá khó, nếu không muốn nói là như bất lực. Chúng tôi nghĩ muốn tổng kết, tốt nhất và chính xác nhất là từng người trong chúng ta hãy tự làm cho chính mình. Đối với thơ - lĩnh vực mà định nghĩa thế nào cũng chưa hoàn toàn đúng và đủ, đến nỗi có người phải lấy nó để giải thích nó “Thơ là Thơ”, kiểu giống như “tình yêu là tình yêu” thì lại càng như thế!
Điểm nổi bật trong các tác phẩm dự thi lần này là nhận thức trách nhiệm cao của từng người cầm bút. Hầu hết các tác giả đều hướng cảm hứng của mình vào những vấn đề nóng hổi đang đặt ra trong cuộc sống hiện tại. Khái niệm “Thơ gắn liền với đời sống xã hội” giờ đây không phải được hiểu thô thiển như một số ít người là miêu tả người công nhân đang làm việc trong nhà máy, người nông dân đang gặt lúa trên đồng v.v... mà là tâm tình của họ, nghĩ suy ước mơ của họ; những điều này trong thơ, nhiều khi phải qua khúc xạ, qua lăng kính, qua khoảng cách liên tưởng gần hoặc xa - có lúc rất xa tưởng như chẳng ăn nhập gì - mới soi rọi được.
Bây giờ khi không phải còn không ít cây bút thơ quan niệm rằng cần một sự bi quan, nghi ngờ, trước hết là nghi ngờ chính mình hoặc những gì tương tự, thì mới có thơ hay, thơ đích thực; cũng không hiếm người làm thơ tiêu phí rất nhiều thời gian tâm trí vào việc tạo ra những cú xì-căng-đan bởi cách sống, cách ứng xử, thậm chí cả trong cách ăn mặc, quần áo râu tóc dị kỳ nữa, như cốt để hù dọa mọi người; thì cái trách nhiệm mà chúng ta nói đến đây là thái độ trung thực của nghề nghiệp mà các tác giả trong cuộc thi đã lựa chọn, một sự lựa chọn đã qua bao trải nghiệm, mặc dù đa số tác giả là những cây bút trẻ, trong đó có khá nhiều tác giả mới viết lần đầu.
Sự nghiệp đổi mới đất nước đang đi vào con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, cùng những biến đổi lớn lao kèm theo những thử thách ác liệt của nó đã tác động nhiều chiều vào VHNT vào thi ca. Ngòi bút các nhà thơ cũng chuyển động không ngừng, bộc lộ sự quan tâm của họ đối với những vấn đề rộng lớn, những thời cơ có một không hai của đất nước, của vùng đất, của riêng TT. Huế.
Thay vì những tiếng thở dài buồn sầu u uất hoặc ngược lại là tiếng sa sả xoi móc vì các tiêu cực xã hội, những rên xiết ủ rũ vì những mối tình cuộc tình ngang trái... của một thời không lâu - những năm đầu đổi mới - là tiếng nói khẳng định vẻ đẹp của sự hướng thiện, lòng nhân từ, tính cao thượng, dẫn dắt đến cuộc sống tươi xanh, tràn đầy hi vọng. Thơ - dễ là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển xu hướng tuyệt đối hóa cá nhân, cái “tôi”, vốn là nhỏ bé thành một cái gì “vĩ đại”, “thượng đẳng”; rồi cái mốt sùng bái tâm linh, coi tâm linh là tất cả, là “tối thượng”, để rồi sản xuất ra những bài thơ những loại thơ không ai hiểu nổi - cả chính người làm ra cũng không hiểu nốt; hoặc sính chữ nghĩa, leng keng, hào nhoáng mà thực chất không gì khác ngoài sự trống rỗng, nhạt nhẽo, vô hồn.
Có nhìn lại như vậy, có khảo sát qua đôi nét non nớt, ấu trĩ như vậy và chúng tôi xin mở ngoặc giờ đây, trong cuộc này không phải đã hết; để thấy rằng cuộc thi của chúng ta, hòa nhập với trào lưu thơ cả nước, tình hình đã khác hẳn, hoặc chí ít là đang khác, đang chuyển vận. Tình hình đó dựa trên cơ sở nhận thức của các tác giả với ý thức công dân là phải đóng góp vào sự hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội và phải chăng cũng chính là sự hoàn thiện của nền văn học của chúng ta.
“Xóm Rú” một tác phẩm được nhận giải cao lần này, Hồ Trường An viết: “Mùa đã sây ánh điện hồng hào/ Trẻ lớn lên ngợp bao điều mới lạ/ Bếp lửa nồi khoai âm thầm mẹ nhớ/ Thuở máu xương bám đất giữ làng”. Không có chữ nghĩa nào cả. Chỉ có cái tình trào ra đầu ngọn bút, mộc mạc, đượm đà mà chẳng kém vẻ say sưa. Xin đừng coi thường và bỏ qua cái “ánh điện hồng hào” này ở một cái xóm núi. Chúng ta ở thành phố nên quá chai lì với điện, cái gì cũng điện, ăn, ngủ cho đến trò chơi tiêu khiển, thậm chí xoa bóp cũng điện, đâm ra hư thân mất nết, dửng dưng với cái mà người ta mơ tưởng có khi cả một đời mới có.
Chúng ta cũng như tác giả thừa biết ở những xóm núi xa xôi hẻo lánh - giờ quen gọi là vùng sâu vùng xa - đó, còn biết bao khó khăn gian khổ, lạc hậu, biết bao thiệt thòi, thua kém. Nhưng mà: “Tôi mòn lòng phố hội bon chen / Đáy hồn cạn vẫn lung linh bóng núi/ Vẳng tiếng suối gọi về nguồn cội...” Tiếng gọi của con suối đó, tôi dám chắc không ai không nghe thấy, không rung lên dìu dặt với nó.
Hồ Trường An là cây bút vài năm gần đây chuyên viết về quê hương. “Huế thu”, “Tự ngẫm”, “Về quê” v.v... cùng chùm được giải là những bài như vậy. Anh dường như ngụp lặn, đắm mình vào làng xóm quê nhà và phát hiện ra những vẻ đẹp thâm trầm mà người đời trong cuộc bon chen thị trường hiện nay bỏ quên, đánh rơi hoặc thất lạc. Một “Hột nảy Thừa Lưu” mà làm ra thơ được và thơ hay thì tôi cho là giỏi, cái hạt quê mùa bà ngoại thường lên núi truốt về bán chợ xa cho trẻ con đó, bỗng nhiên: “Nảy chín đầu mùa đây mời em / Nhai chơi vài nạm ngậm hương làng / Nhả hột rồi đứng cười phong vị/ Mùi quê chỉ thấm phía sau tình”. Đọc đến đây tôi cảm thấy nghẹn giọng, tưởng như những kẹo cà phê cao cấp, “sô-cô-pai” mình thường ăn ở phố bỗng nhạt thếch.
Người ta có thể phê bình Hồ Trường An cấu tứ thường quá, câu chữ cũng vậy, ít chất trí tuệ: Chúng tôi cho rằng có cả đấy thôi!
Anh Nguyễn Quốc Việt “thủ khoa” cuộc này có hai bài thơ kéo giữ được sự chú ý của bạn đọc là “Miền Trung” và “Đi ngược nắng”.
Bằng một kết cấu chặt chẽ, kiệm lời, sử dụng một ngôn ngữ thấp thoáng chất khoa học, tác giả thổi vào chúng ta cái không khí, nhịp điệu của cuộc sống công nghiệp. “Đi ngược nắng” là tìm tòi của tác giả, một sự tìm tòi mạnh bạo, đúng hướng. Cái khó là ở chỗ “đi ngược” như thế thì thấy cái gì cảm cái gì. Thì đây: “Đi ngược nắng/ Những gương mặt đối diện ta sấp bóng/ Nên mặt người bình thản/ Chỉ còn đường viền lóng lánh giọt mồ hôi/ Đi ngược nắng/ Ta nhận ra thấp thoáng bóng hình hài/ Áo trắng bỗng hóa thành mây mỏng/ Để em thành tiên nữ giữa chơi vơi”. Và kết, từ cái áp lực mặt trời chiếu ngược đó: “Đè lên ngực ta những nhắn nhủ không lời”. Tác giả chấm hết không nói gì thêm nữa. Bài thơ thành công ở sự vang động đằng sau nó. Người đọc sẽ tự mình làm rung động mình tiếp theo.
Bài “Miền Trung” là một bài khó viết. Bởi vì đề tài này người ta đã khai thác chê chán ra rồi. Khúc ruột dằng dặc này của đất nước ta hầu như không lúc nào vắng bóng trong văn học cũng như trong kinh tế xã hội thời chiến đánh giặc cũng như thời bình xây dựng. Nguyễn Quốc Việt viết về Miền Trung là tự mình cưỡi lên lưng hổ. May thay, nhờ cái chỗ đứng rụng tim này, với sự nhãn tiền là chỉ còn có thắng mà không có bại, anh đã sờ được “Cái lưng ong đẹp như ca dao mà phải cứ gồng lên để sống/ Cái gì xanh thì xanh đến nhói lòng”. Thật thế, Miền Trung chúng ta, “cái đốt sống thân mình đất nước, chịu áp lực dường như của bầu trời và mặt đất”, và nếu không ngoa thì cả biển cả và lòng người nữa đấy! Vì thế “Các nhà thơ Miền Trung vắt linh hồn mình thành câu chữ/ Nên có khi máu lệ thấm vào thơ/ Và thơ ấy ngấm ngay sâu vào đất”. Ở Miền Trung điều làm tác giả nhớ nhất - nói cách khác là anh sáng tạo được - là “Mắt em đen tròn như lỗ đen/ Trong vũ trụ”. Mọi chúng ta đều đã biết trong khoa học tự nhiên, lỗ đen trong vũ trụ có sức hút ghê gớm như thế nào, một sức hút bất khả kháng.
Bài thơ kết bằng hình tượng làm ta giật mình: “Hàng triệu người lính đi qua không ai quên/ Cả những liệt sĩ Trường Sơn cũng chọn nơi này làm đất sống”. Không chỉ giật mình, tác giả đã làm chúng ta rơi nước mắt! Chúng tôi nghĩ rằng bài thơ 24 câu, 23 câu trên có thể người làm thơ nào cũng viết được. Duy chỉ có câu kết chưa thấy ai nói như vậy, viết như vậy. Phải chăng chỉ một mình Nguyễn Quốc Việt mới viết nổi?.
Người đọc có cảm nhận là tác giả hơi khô khan duy lý. Biết làm sao được! Thôi thì ta hãy đọc thêm bài “Dùng dằng” của anh để bổ sung, để cân bằng. Dù sao tác giả cũng có cái để mà rút kinh nghiệm.
Khác với hai giọng thơ trên, chị Nguyễn Thị Thái lại đem đến cho cuộc thi thơ một gương mặt lạ. Còn nhớ cách đây khoảng 7, 8 năm, lần đầu chị xuất hiện trên TCSH với trang viết đầu tay bằng một chùm thơ mê đắm, đớn đau, quằn quại. Một trong những bài đó là “Không thể đếm” có những câu như thế này: “Trên ngực anh khô gầy tôi đếm được/ Những chiếc xương lộ liễu phơi bày/ Tôi lần tay đếm và... đếm/ Cô đơn xin nắm lại giữa đêm này”. Trong thơ tình xưa nay, hiếm có tác giả nữ nào lại cuồng nhiệt một cách hiện đại như vậy. Cuồng nhiệt nhưng vẫn thầm lặng, dịu dàng. Đó là cái chất thơ của chị cuốn hút người ta. Năm tháng qua đi, cũng qua đi sự rực lửa ban đầu. Thơ của chị sau đó nền nã hơn, thuần hậu hơn. Và có lẽ vì thế nên chị ít thuyết phục hơn, lẫn lộn đâu đó trong xô bồ của thơ đại trà tứ xứ. Trong cuộc thi này, người ta bỗng bắt gặp lại gương mặt lạ mà quen đó của Nguyễn Thị Thái. Bài thơ “Bạn trai” như một tiếng chuông khác biệt gióng lên.
“Đàn ông nhiều như chim cánh cụt/ Đẹp lắm nhưng sợ lầm giống nhau/ Nên tôi chẳng dám mơ màng/ Chỉ thiết tha với bạn bè/ Bạn tóc xanh gọi bằng anh/ Tóc trắng cũng bằng anh tuốt”. Cái đám đàn ông đó làm đủ nghề, đủ các tính cách, trăm nỗi khác nhau nhưng lại giống nhau như hệt về tình bạn đẹp đẽ, chân tình “…Tôi lớn thêm nhờ bạn bè chân thật/ Sống yêu đời làm việc say sưa”.
Ở đời, làm bạn với nhau giữa những người khác giới thật không dễ. Càng nhiêu khê rắc rối hơn khi một người con gái làm bạn với đám đàn ông đã có vợ con. Rất có thể họ bị theo dõi, rình rập, bị miệng lưỡi thế gian đàm tiếu. Đằng sau đôi mắt thoáng vui mừng của người đàn ông khi cô bạn gái đến thăm nhà là đôi mắt khác long lên, kể cả những tiếng rủa thầm cay độc làm cho lòng người bạn gái nhói đau. Cái “Tôi” trong bài thơ này của chị Thái thật mạnh mẽ và chân thật “Tôi khóc bằng chân/ Đôi chân run bần bật/ Không nước mắt mà nghẹn chìm lồng ngực/ Âm ỉ quay về/ Tôi lại làm thơ/ Những bài thơ tình đối mặt”. Những chị vợ hay ghen bóng ghen gió của đám đàn ông đáng mến kia hãy coi chừng, không sẽ bị thất sách đấy!
“Bạn trai” nghiêng về tự sự, mang chút hơi thở bản năng, hơi “bụi bụi”, kéo một vệt từ đầu chí cuối như một đường hằn của bánh xe chạy qua, in dấu để lại. Theo chúng tôi, đây vừa là chỗ mạnh vừa là chỗ còn hạn chế của nữ tác giả này.
Các tác phẩm được giải trong cuộc thi thật muôn hình nghìn vẻ, đủ đại diện cho cả cái nền thơ chung trong vùng trong nước về nhiều mặt.
Nguyễn Ngọc Phú dân dã một cách mới mẻ. “Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ/ ...Con đường cỏ may, áo cưới thêu thùa, cúc gầy hao khuyết”.
Phụng Lan đằm địa mà như kêu cứu khi nói về sự lưu vong của bầy chim sẻ. “Không còn mổ hạt thóc đồng rơi/ Mổ lời nhạc rốc/ Không uống nước sông trôi/ Uống âm thanh cuồng loạn”.
Lương Ngọc An khắc khoải day dứt: “Giá mà ta biết dè dặt trước tháng 5/ Chắc mùa thu sẽ chẳng hiện hình như vậy/ Gió chỉ nguyên là gió, mây chỉ nguyên là mây/ Và hoàng hôn cũng chẳng tất tưởi/ Còn má những thiếu nữ kia sẽ thành thật hồng hơn trong heo may”.
Văn Cầm Hải suy tư và táo bạo: “Tôi nằm dưới bóng râm thời trang/ Kinh nghiệm xanh rì rào thành phố/ ...Và chiếc nôi đầy đặn ngữ pháp/ Văn hiến/ Đi tìm chồng cho mẹ Âu Cơ”.
Đỗ Văn Khoái khoáng đạt mà trăn trở khi nói về “những người đàn bà đi tới”: “Trong tấm lưới được giăng/ Họ đi xuyên qua cuộc đời của những người đàn ông/ Chờ đợi/ Rồi tan biến vào sương mù”.
Lê Tấn Quỳnh tài hoa và huyền ảo: “Với con đường mang nấc thang của lá/ Đi đi thôi cơn địa chấn xanh rờn/ Thì trả góp chiêm bao vài viên linh ngọc/ Đã sinh ra từ độ mùa xuân”.
Xuân Chuẩn chân phương và cảm động đến nao lòng: “Chị về làng như con chim từ quy/ Đi suốt rừng khắc khoải kêu tìm bạn/ Chưa gặp được thì trời đã sáng/ Tóc trên đầu sợi bạc cứ nhiều thêm”.
Vi Thùy Linh, cây bút trẻ nhất trong cuộc thi (em đang là nữ sinh lớp 12) tươi rói nhưng chẳng kém phần già dặn sâu sắc: “Người ơi. Về ươm hạt cỏ với em/ Đêm sương thay áo/ Và nghe/ Mùa đông nghiêng nghiêng lời ước/ Vầng trăng chứng sinh mãi tròn”. Hai câu sau khá độc đáo và hay.
Chúng tôi muốn dành chút thời giờ để nói riêng “Thơ viết về Huế” - đề tài mà BTC cuộc thi đã quan tâm, mong muốn được giành cho nó sự ưu ái.
Có đến 1/5 số lượng bài viết về Huế. Thật ra đối với thơ, trừ những bài có địa danh cụ thể như “Nhớ miền Đông” - Nguyễn Nhã Tiên, “Hương khói đền Cuông” - Phạm Quốc Ca v.v..., thì bài nào cũng có thể là bài viết về Huế, ít nhất là trong cuộc thi này. Vì Huế là Việt Nam mà!
Dù vậy, chúng tôi cứ xin khuôn lại để bàn. Nói chung, những bài trực tiếp viết về Huế, vô tình hay hữu ý thường mắc phải sự sáo mòn và đơn điệu. Chiếc nón bài thơ và tà áo dài Huế thì đẹp thật, mơ màng thật, quyến rũ thật, nhưng cứ nói mãi đâm nhàm; lấy các hình ảnh ấy để làm cái cốt lõi của thơ Huế thì lại càng nhàm hơn. Không ít bài trong khối lượng bài dự thi viết về Huế dễ dãi và tầm thường, đâm ra sống sượng kiểu quảng cáo bột giặt trên ti vi: “Với Tide giặt trắng tuyệt vời. Áo quần dơ bẩn tức thời sạch ngay”.
Đó là phần khiếm khuyết. Còn lại đa phần bài viết về Huế là tốt, chuyên chở được cái chân tình của tác giả. Có điều chứng cứ thường thường bậc trung, thiếu hẳn sự tỏa sáng của nghệ thuật thi ca; đọc thì được, in cũng được nhưng không đọc không in cũng chẳng sao, vô thưởng vô phạt.
Ở đây, chúng tôi xin nêu ví dụ hai tác phẩm được giải của hai tác giả trẻ ở Hà Nội viết về đề tài này. Chị Phan Huyền Thư với nhan đề “Huế”. Bài thơ chỉ có 12 câu nhưng cái cảm và sự nghĩ đã làm bật nổi sắc thái Huế. Đó là cái chất sâu thăm thẳm của tâm hồn con người và của cả cảnh vật Huế. “Đêm trườn dần vào sông Hương/ Một tiếng hò vỡ dưới gầm Tràng Tiền”. Chỉ 2 câu làm thành một khổ thơ mở đầu, người đọc đã thấy ngay “màu Huế” hiện lên rõ rệt, nhưng lại ảo huyền, lung linh. Cái tài của nhà thơ là chỗ đó. Nói một hai nhưng gợi được chín mười. “Đêm trườn dần...”, chữ dùng hay, khó có thể thay được. Rồi “Tự phá vỡ đối xứng/ Bằng nón nghiêng quanh gánh lệch mắt nhìn ngang/ Huế như nàng tiên câm / Khóc âm thầm không nói”. Chúng ta liên tưởng ngay Huế đang lặng lẽ - và cả khóc nữa - trên con đường đi lên, tự mình phá bỏ những gì xưa nay làm hạn chế mình trong công cuộc xây dựng kinh tế và văn hóa. Chúng tôi đang tư duy tư biện chăng? Không! Đúng như thế. Tác giả không hề dùng một chữ gì nói đến kinh tế, văn hóa cả nhưng lại rất gắn bó với đời sống xã hội, rất kinh tế và văn hóa. Bài thơ kết lại cũng chỉ bằng 2 câu 1 khổ: “Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ/ Lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm của cơ thể Việt Nam”.
Đến đây, thì bài thơ hoàn tất công việc khó khăn và hữu ích của mình. Đừng an ủi Huế, vô ích; Đừng thương cảm Huế; vô ích. Hãy cùng Huế vun chân tay vun tim óc vào. Vì Huế là Việt Nam, một Việt Nam “nhậy cảm”.
Nếu có gì tiếc thì chúng tôi xin nói điều này chưa chắc đã trúng. Khổ thơ thứ hai có 4 câu, 2 câu trên cấu trúc khéo và giàu hình tượng khi miêu tả Huế xưa: “Khúc Nam ai những cung phi góa bụa/ Chèo thuyền vớt xác mình trên sông”. Đã quá đủ. Nhưng 2 câu tiếp. “Nhất dạ quân vương đất thần kinh/ Người lại đi làm thơ cho Huế tím” thì thường và dường như thừa. Giả như để dành chỗ cho 2 câu khác. Và tôi nghĩ chị Phan Huyền Thư thừa sức viết 2 câu khác xuất sắc hơn nhiều.
Bài “Tưởng tượng Huế” của Đoàn Mạnh Phương là một bài thơ dạt dào cảm xúc. Tác giả có nghề khi dự định trước mình sẽ viết gì. Người ta thường nói Huế với núi Ngự sông Hương, với áo dài nữ sinh... còn anh, anh nói: “Tôi đã mơ bạn mời cơm hến Huế/ Mong một lần cay ứa mắt nhìn nhau/ Chân đặt bước lên kinh thành xưa cũ/ Mà ngợp chìm trong hồn Huế thẳm sâu”. Và nữa: “Cả những giọt mưa dầm/ Đã chạm khắc tận cùng day dứt Huế”. Viết như vậy là viết bằng tâm hồn, đi vào lòng bạn đọc cũng bằng con đường tâm linh, không phải bằng câu chữ.
Sau cùng, cho phép tôi làm công việc “biên tập” khổ thơ đầu của Đoàn Mạnh Phương. “Chưa một lần đặt chân tới Huế” câu thơ quá tầm thường mà nhiều người đã nói đã viết tương tự. Điều này hết sức cần nên tránh trong thơ. Thử đưa câu thứ 2 xuống thứ 3, câu đầu xuống thành câu 4, tước bớt 2 chữ Huế và những. Vẫn giữ nguyên ý và lời tác giả: “Những bè bạn sơn vào tôi kỷ niệm/ Câu thơ mang lửa của trời/ Huế từng rót rượu vào tôi/ Mà tôi chưa một lần đặt chân tới”. Tráo đổi vị trí các câu thơ như vậy, tôi nghĩ đoạn thơ sẽ gây sức lay động hơn và điều quan trọng sức lay động đó đánh ngay vào trực giác ban đầu của người đọc.
Thưa các anh các chị.
Chúng tôi xin lỗi vì thì giờ có hạn nên không thể nào điểm đủ, nhắc tới nhiều tác phẩm chung khảo hoặc được chọn in rải rác trên tạp chí của hội năm qua và trong tập thơ vừa ráo mực đang có trên tay các bạn.
Tổng kết một cuộc thi thơ - như chúng tôi đã thưa với các bạn trên đây - chỉ có thể là từng người tự tổng kết cho chính mình; nhưng dù sao thì cũng phải làm, phải tổng kết chung. Cuộc thi thơ của chúng ta cũng nằm trong cái tổng thể, không thoát ra được ngoài quy luật chung. Đó là có ưu có khuyết, có điều đáng mừng có cái đáng lo, có mặt đã chắc có phía còn non. Ví như thơ lục bát và tứ tuyệt chẳng hạn. Lục bát, như chúng ta từng biết, bản sắc dân tộc, thế mạnh riêng của nó trong bộ môn cũng như trong văn học như thế nào rồi, song trong lần này, còn thu lượm được ít. Càng hiếm hơn là những tác phẩm đọc được hoặc giữ được người đọc, chưa nói đến những bài hay.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng đặc biệt trân trọng đến các tác giả cao tuổi và các tác giả đã là hội viên Hội nhà văn VN đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia cuộc thi, góp thêm phần phong phú và sáng giá cho nền thi ca chung và của riêng TT. Huế.
Chúng tôi cũng mong được sự đồng cảm của các tác giả và bạn đồng nghiệp khắp nơi về khó khăn mà BCK chúng tôi - cũng như bất cứ BCK nào - gặp phải. Đó là chất lượng khá đồng đều của các tác phẩm đạt giải này giải kia và cả những tác phẩm không đoạt giải. Tác phẩm được giải không đồng nghĩa với tác phẩm nằm trong lòng độc giả, cũng không đồng sàng với tác phẩm có cuộc sống lâu bền trong các tuyển tập chọn, trong văn học sử. Khoảng cách khá mơ hồ - không nếu muốn nói là bất khả phân định giữa các tác phẩm, đặc biệt là thơ - lúc nào cũng có ở đâu cũng có. Còn có những gì thiếu sót chưa làm vừa lòng các bạn, xin các bạn thể tình lượng thứ.
Thưa các tân khoa.
Xin được chúc mừng thành quả của các bạn hôm nay. Mong rằng những thành quả khác đẹp tươi bội phần của các bạn, là sau cuộc thi này; mong hơn nữa là đừng để cho như ai đó đã có lần kêu lên trên bảo rằng: “Các vị tân khoa, ở đâu cả rồi hỡi các vị?”
Thưa các bạn đồng nghiệp.
Mác đã nói đại ý: “Không có thi ca thì đến cả lời ăn giọng nói cũng cứ ú a ứ ớ.” Còn Szymborska, Nobel 96 thì xếp Thơ ngang với Thế giới. Nghe ra “vĩ đại” thật, “bất bình thường” thật, nhưng cốt để nói cái bình thường cái nhỏ bé hiệu quả trong đời sống xã hội, trong cuộc sống con người. Chúng ta đã biết Mác kinh điển và thực tiễn như thế nào, và Szymborska thì thơ giản dị, mặn mòi ra làm sao.
Vâng, đúng như vậy. Cuộc gặp gỡ thân mật đầm ấm của chúng ta trong Giải thơ, Hội thơ này tại Huế - một vùng quê hương văn hóa vào đúng ngày giải phóng TT Huế 26-3 và trước thềm Đại hội Văn nghệ TT Huế lần 8, tuy ngắn ngủi khiêm nhường thôi nhưng thật đầy ý nghĩa, đáng ghi nhớ. Vì Thơ luôn luôn song hành với sự lớn mạnh của Đất nước.
Xin cám ơn.
26-3-97
(TCSH98/04-1997)