Tạp chí Sông Hương -
Một số vấn đề về văn hóa và nếp sống đô thị ở nước ta hiện nay
16:00 | 07/06/2023

NGUYỄN KHOA ĐIỀM - TRƯƠNG THÌN

Tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam được đẩy mạnh từ công cuộc đổi mới đang đặt ra hàng loạt vấn đề, mà một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là văn hóa và nếp sống đô thị trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Một số vấn đề về văn hóa và nếp sống đô thị ở nước ta hiện nay
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ảnh: tư liệu

Nói đến nếp sống là nói đến văn hóa. Văn hóa là biểu hiện giá trị của nếp sống, nếp sống là biểu hiện kết quả của văn hóa. Mọi hoạt động văn hóa liên quan chặt chẽ và có tác động đến việc xây dựng nếp sống, và ngược lại, xây dựng nếp sống cũng nằm trong nội dung văn hóa, có thể nói trình độ của lối sống tương ứng với trình độ của văn hóa.

Nếp sống có sự kết hợp biện chứng yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, gắn liền với phương thức sản xuất của xã hội, với chế độ chính trị xã hội, với hình thái kinh tế, và với nền văn hóa xã hội. Nói một cách khác, nếp sống bao gồm những cách thức sống, những hành động và suy nghĩ được biểu hiện trong lao động, sinh hoạt, ứng xử... được lặp đi lặp lại nhiều lần, được chọn lọc và lắng đọng trong nhân dân.

Trước khi đi sâu vào nếp sống đô thị ở nước ta hiện nay chúng ta cần tiếp cận khái niệm chung của văn hóa.

Có nhiều định nghĩa về văn hóa. Song, để cho nhận thức về văn hóa có thể được vận dụng vào cuộc sống với vai trò là nhân tố quan trọng trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhiều người cho rằng yếu tố hàng đầu của văn hóa là sự hiểu biết, bao gồm tri thức khoa học, kinh nghiệm và sự khôn ngoan, tích lũy được trong quá trình học tập, lao động sản xuất và đấu tranh để duy trì và phát triển cuộc sống của mỗi cộng đồng dân tộc và các thành viên trong cộng đồng ấy. Nhưng chỉ sự hiểu biết không thôi không làm nên văn hóa. Sự hiểu biết chỉ trở thành văn hóa khi nó làm nền và định hướng cho thế ứng xử (thể hiện ở tâm hồn, đạo lý, lối sống, thị hiếu, hành vi...) của cá nhân và cả cộng đồng hướng tới cái đúng, cái tốt đẹp trong quan hệ với mình, với người, với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên.

Như vậy, văn hóa là mục tiêu của phát triển và cũng là động lực của phát triển. Xét đến cùng, mục tiêu đó phải là nâng cao chất lượng sống của con người trong sự kết hợp hài hòa giữa điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần, giữa mức sống cao và nếp sống đẹp, vừa an toàn, vừa bền vững cho mọi người, không chỉ cho thế hệ hiện nay mà còn cho các thế hệ mai sau.

Văn hóa là một dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai một dân tộc, không có sự thay thế, chỉ có sự kế thừa, chuyển đổi, thích nghi và phát triển.

Khi ta nói đến dân giàu, nước mạnh mà không chú ý đến nếp sống, phẩm chất cuộc sống thì nguy cơ của một sự nghèo nàn về tinh thần, băng hoại về đạo đức nhân phẩm là điều rất có thể xảy ra.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa đó là quy luật tất yếu của sự phát triển.

Nhận diện đô thị hóa ở nước ta:

Đô thị và lối sống đô thị trên thế giới xuất hiện cùng với sự hình thành các trung tâm đô thị đầu tiên cách đây 5000-6000 năm.

Ở Việt Nam, theo Việt sử lược, “Đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước công nguyên) ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc tự xưng là Hùng Vương... đóng đô ở Văn Lang, quốc hiệu là Văn Lang”. Đó là những ghi chép về sự ra đời của Nhà nước đầu tiên và đô thị đầu tiên ở nước ta.

Quá trình hình thành các đô thị cổ ở Việt Nam là kết quả của sự vận động lịch sử - xã hội khá đặc thù. Các trung tâm đô thị được hình thành chủ yếu là từ các trung tâm hành chính văn hóa, khác với các đô thị Châu Âu thường xuất hiện từ những trung tâm kinh tế ở ven sông và trên các trục đường giao thông chính. Quá trình đô thị hóa không song hành với quá trình công nghiệp hóa như các nước Châu Âu và diễn ra chậm chạp, không hoàn chỉnh, thiếu quy hoạch đồng bộ. Trong tiến trình lịch sử của mình, do nền kinh tế chung của đất nước, không đạt đến độ phát triển cao kéo theo sự phát triển chậm của các đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và thương nghiệp. Nhìn chung các đô thị ở nước ta chưa phải là những đô thị điển hình. Chúng ta chưa có một chính sách phát triển đô thị hoàn chỉnh nhằm và quản lý các đô thị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của đất nước.

Quá trình đô thị hóa gắn liền với sự hình thành lối sống đô thị với những đặc trưng:

1- Chủ yếu là lối sống phi nông nghiệp - lối sống công nghiệp, đời sống phụ thuộc phần lớn vào đồng lương, vào thương nghiệp và dịch vụ công cộng.

2- Có nhiều khả năng lựa chọn về nghề nghiệp - việc làm, sinh hoạt văn hóa, giao tiếp. Tỷ lệ lao động trí óc cao.

3- Các công trình công cộng được chăm lo xây dựng (điện, nước, đường sá, nhà ở, hệ thống thông tin đại chúng, công trình văn hóa và phúc lợi xã hội...). Việc sử dụng phương tiện đi lại ngày càng tăng.

4- Dung lượng thông tin lớn tác động theo hai chiều: Thuận - Nghịch.

5- Tính năng động và tự do cá nhân tạo nên tính sống động, đa dạng, phong phú của đô thị, đồng thời làm tăng hành vi lệch chuẩn của một bộ phận dân cư đô thị.

6- Quá trình hỗn hợp về mặt xã hội và dân tộc ngày càng tăng.

Hiện nay nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa (đô thị hóa) trên nền của một xã hội mà cư dân nông thôn, nông nghiệp chiếm đến 80%. Vì vậy, đặc trưng đô thị Việt Nam là ở chỗ chưa cắt đứt hoàn toàn với mô hình văn hóa nông thôn, nông nghiệp. Thậm chí đã có lúc, có nơi người ta than phiền về vấn đề “nông thôn hóa” đô thị. Có người đã phân tích về dáng dấp “phố huyện” trong nhiều đường nét của kiến trúc, tập quán, lối sống, thậm chí phong cách quản lý trong nhiều thành phố lớn, kể cả thủ đô.

Nền kinh tế thị trường làm nảy sinh các quan hệ kiểu thị trường. Sự phân tầng về mặt lối sống diễn ra. Chúng ta hiện đang trong giai đoạn quá độ từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường nên nếp sống đô thị cũng đang trong giai đoạn quá độ. Cái cũ vẫn tồn tại, còn cái mới chưa định hình đầy đủ.

Trong quá trình đô thị hóa sức ép tăng dân cư ở các đô thị ngày càng tăng. Theo Viện Quy hoạch nông thôn và đô thị: Di dân và di chuyển lao động từ nông thôn tới các đô thị lớn và trung tâm công nghiệp - dịch vụ với quy mô ngày càng lớn và đa dạng (mức tăng dân số tự nhiên ở đô thị hiện nay là 1,7% - 1,8% thì mức tăng dân số do di dân từ 2% đến 2,5%). Theo điều tra của Trung tâm dân số là nguồn lao động, 70% lao động từ nông thôn chuyển ra đô thị được phỏng vấn, thì 70% làm nghề thuần nông, 6% làm ruộng kiêm nghề phụ.

Theo PTS Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm đề tài KX-08-04 “Chính sách xã hội nông thôn”, trong số 16.340 người từ nông thôn vào Hà Nội kiếm sống năm 1993 thì có 2.517 người đạp xích lô, 1.872 người làm thợ mộc, 932 người làm cơ khí sửa chữa và 4.032 người làm các công việc khác... Trong số gái mại dâm vào thành phố hành nghề, 70% xuất cư từ nông thôn.

Vậy là cùng với quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh số lượng người nông thôn vào thành phố ngày càng đông, ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn.

Đối với thị xã, thị trấn - ta lấy thị xã Hà Tĩnh làm dẫn chứng: Cư dân của thị xã Hà Tĩnh từ 1,6 vạn năm 1991, đã tăng lên 5 vạn năm 1996. Số đông các gia đình có mặt ở các đường phố chính hiện nay đều là bà con mới chuyển về thị xã, có người là cán bộ cấp tỉnh được chia về từ 1991, còn hầu hết là nông dân ở làng xã mới chuyển về phố làm ăn. Do vậy mà điều đáng chú ý là dân phố ở đây vẫn còn mang theo khá đầy đủ tập tục của văn hóa làng xã. Đặc điểm này cũng có cái hay mà cũng có cái hạn chế. Ví như các khối phố vẫn mang tính cộng đồng làng xã, các gia đình đều quan tâm lẫn nhau, thăm hỏi chuyện trò như ở làng quê, một nhà có đại sự cả khối phố cùng lo toan. Ấy là cái hay, cái được. Nhưng cũng có cái không hay đó là cung cách tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động sống ở đô thị. Ngay như việc đăng ký hộ khẩu tạm trú cũng chưa mấy gia đình ở phố biến thành thói quen của mình.

Đô thị theo mong muốn của chúng ta là sản phẩm của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, một trong những đường nét đặc trưng của đô thị Việt Nam đương nhiên cần được thể hiện một cách sâu sắc trong các thành tố tạo nên nếp sống đô thị. Tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái, quý trọng đạo lý trong ứng xử giữa người và người là những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được khai thác và phát huy trong tự quản đô thị. Cùng với điều ấy, phải thấy một thực tế những nhược điểm của nếp sống tiểu nông cùng với những tập quán và thói quen lạc hậu mà nét có tác động xấu đến nếp sống đô thị là tinh thần luật pháp rất thấp. Đưa cái tập quán chỉ ứng xử theo lệ chứ không theo luật, theo tinh thần “Phép vua thua lệ làng” vào đời sống đô thị hôm nay sẽ là một tai họa đối với trật tự kỷ cương đô thị. Xã hội đô thị đòi hỏi tổ chức xã hội cao, bởi hệ thống luật pháp, các quy định về quản lý hành chính đô thị, các thủ tục pháp lý, trên mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế cho đến xã hội - văn hóa, bảo đảm cho mỗi người dân được tự do hoạt động trong khuôn khổ của các chế định xã hội. Do vậy, cộng đồng đô thị mà chúng ta nói đến phải là cộng đồng được hình thành vì lợi ích chung trên căn bản luật pháp. Đó là ý thức của mỗi con người đang tự khẳng định mình như một cá nhân công dân tồn tại trong xã hội dân sự. Xã hội dân sự ấy gắn bó với Nhà nước pháp quyền như bóng với hình.

Xây dựng nếp sống đô thị thực chất là phát huy tinh thần dân chủ trên căn bản luật pháp để huy động sức mạnh cộng đồng trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nếp sống đô thị mà chúng ta mong muốn chính là sự tự nguyện “được cam kết có tính thiết chế” từ nghĩa vụ và quyền hạn của mỗi công dân. Luật pháp là điểm tựa trong hoạt động tự quản đô thị. Lòng tốt, sự biết ơn không thể thay thế cho luật pháp. Tinh thần tự nguyện và trật tự kỷ cương trong nhịp sống đô thị chỉ có thể được hình thành vững chắc gắn liền với sự quản lý có hiệu lực của bộ máy Nhà nước.

Nói tới đô thị là nói tới trung tâm kinh tế, hành chính và văn hóa. Kinh tế tác động mạnh đến nếp sống đô thị, còn văn hóa đóng vai trò điều tiết, định hướng cho nếp sống đô thị. Đô thị là nơi rất nhạy cảm với việc giao lưu văn hóa, khi cánh cửa kinh tế được mở ra thế giới trong cơ chế thị trường, mọi hoạt động văn hóa tinh thần đều có liên quan chặt chẽ với nếp sống đô thị.

Chúng ta cũng nhận thấy một vấn đề có tính quy luật là tốc độ đô thị hóa - công nghiệp hóa càng cao thì văn hóa truyền thống càng bị suy giảm và tan loãng nhanh hơn. Về nguyên tắc thì đô thị hóa - công nghiệp hóa là quá trình mang tính quốc tế hóa, kết quả của nó là tạo ra trên phạm vi quốc tế nền văn minh đô thị và lối sống công nghiệp thị dân. Chính nó đã lần lượt đẩy lùi văn hóa bản địa cổ truyền. Ở các đô thị lớn dân ca quan họ, Lý con sáo, Hò Huế trở nên khiêm tốn hơn so với Pop-Rock. Tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” bị thay vào đó là quan hệ dứt đoạn, thờ ơ và thực dụng. Tiêu dùng văn hóa là biểu hiện của lối sống. Chúng ta cần quan tâm tìm hiểu về xu hướng tiêu dùng văn hóa hiện nay để có cách giải quyết phù hợp. Đó là xu hướng tăng nhanh việc sử dụng các sản phẩm văn hóa có giá trị thông tin cao, đặc biệt là trên truyền hình; xu hướng tiêu dùng các sản phẩm văn hóa có tính giải trí hơn là sản phẩm văn hóa có tính trí tuệ; xu hướng nghiêng về các loại hình văn hóa hiện đại hơn là các loại hình văn hóa truyền thống. Chính vì thế chúng ta cần hết sức thận trọng khi tính đến tốc độ và cách thức đô thị hóa sao cho không làm cản trở quá trình bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đổi mới về tư duy kinh tế, chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận chế độ đa sở hữu là chấp nhận sự đa dạng trong các kiểu dáng kiến trúc đô thị, sự khác biệt trong các nhu cầu sinh hoạt và lối sống đô thị. Sự “bung ra” của cái cá nhân được giải tỏa không thể kéo theo sự xô bồ, kệch cỡm, bao hàm trong nó cả những thái quá lẫn bất cập, những xáo trộn, những bục vỡ, những tệ nạn... tác động nặng nề trong đời sống cư dân. Để phát huy tối đa những yếu tố tích cực và giảm thiểu đến mức thấp nhất những nhân tố tiêu cực của lối sống đô thị, điều ấy tùy thuộc vào vai trò của quản lý đô thị. Ấy vậy mà, đây lại là vấn đề nan giải, vì quản lý đô thị đang là một yếu kém của chúng ta. Chúng ta vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu kiến thức trong quản lý đô thị.

Các quá trình công nghệ hóa gia tăng làm cho các gia đình đô thị phải phân công lại sức lao động. Những gia đình thừa lao động phải phân nhỏ ra và phải đáp ứng các nhu cầu sống và nhu cầu của thị trường. Công nghiệp hóa tạo nên tốc độ lao động căng thẳng giờ giấc, liên hoàn... nên nhu cầu văn hóa, nhu cầu du lịch và nhu cầu nghỉ ngơi giải trí lại phải tăng lên. Nhìn chung cơ sở vật chất hạ tầng để đáp ứng nhu cầu này ở các đô thị quá thiếu thốn, nghèo nàn, thậm chí nhiều nơi không có.

Đời sống vật chất của nhân dân đô thị, qua số liệu điều tra của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng cho thấy: Thiếu ăn 6,3% ở Hà Nội, 19,5% ở Hải Phòng và 11,5% ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhà ở chật hẹp 68,5% ở Hà Nội, 41,1% ở Hải Phòng và 22% ở thành phố Hồ Chí Minh. (Đó là chỉ mới điều tra 1165 hộ gia đình ở 3 thành phố).

Theo dự báo của các cơ quan chức năng thì khoảng 10-15 năm nữa, quá trình thực hiện kế hoạch hóa gia đình mới phát huy tác dụng, và như vậy 30 - 40 năm nữa dân số nước ta vẫn tăng, số gia đình đông con vẫn chiếm tỷ lệ cao, số người thất nghiệp nhiều, đặc biệt là thanh niên. Sự thay đổi trong hệ thống giá trị, thậm chí sự rối loạn hệ chuẩn giá trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội.

Hiện trạng kiến trúc đô thị ở nước ta còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch vĩ mô, chắp vá, pha tạp, sao chép (Tây không ra Tây, ta không ra ta - truyền thống không ra truyền thống, hiện đại chẳng ra hiện đại...) không tôn trọng luật lệ xây dựng đô thị dẫn đến hiện tượng rối loạn kiến trúc đô thị.

Về nếp sống đô thị và sức khỏe cư dân: Bất kỳ cộng đồng đô thị nào cũng phải chịu tác động của 2 nhóm thành tố chủ yếu: Một là các thành tố không gian vật chất do con người tạo ra bao gồm nhà ở, xí nghiệp, công xưởng, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị. Hai là các thành tố tổ chức xã hội bao gồm các tổ chức, các thể chế hiện hành có ở đô thị.

Môi trường sống môi trường đô thị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cư dân. Có lẽ càng đi vào văn minh công nghiệp người thành thị hình như lắm bệnh tật hơn. Sức khỏe là một trong những chỉ số nói lên chất lượng cuộc sống gia đình đô thị. Vì vậy người ta coi sức khỏe là một tài sản quý giá của mỗi gia đình. Tài sản này càng lớn thì tiềm năng trí tuệ của gia đình càng phong phú. Ở một ý nghĩa nào đó, muốn có sức khỏe, mỗi người dân trước tiên cần phải có nếp sống đẹp, nếp sống khoa học, nếp sống có văn hóa.

Xây dựng chuẩn mực của nếp sống đô thị hiện đại, vừa tiếp thu tinh hoa truyền thống trong ứng xử, giao tiếp của văn hóa dân tộc, hạn chế sự “xâm nhập” tự phát những mặt tiêu cực của lối sống tiểu nông (như tính bảo thủ, tầm nhìn hẹp, chuộng kinh nghiệm hơn tri thức, ngại cái mới, ngại đầu tư, làm việc tùy thích, tự do tản mạn...). Đồng thời từ đó góp sức ngăn chặn dòng đục, những rác rưởi của văn hóa ngoại lai, đồi trụy, phản động, kể cả thứ văn hóa xa lạ với truyền thống nhân văn và tâm lý hòa hiếu của dân tộc ta.

Nhìn vào thực tại đất nước, sau khi đã nhận diện đô thị hóa ở nước ta, một vấn đề cực kỳ quan trọng được đặt ra là chúng ta phải tìm cho được một chiến lược phát triển đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội riêng có của mình cũng như phù hợp với truyền thống dân tộc, tâm lý, phong tục tập quán của cộng đồng nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu các căn bệnh đô thị trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đất nước.

Những vấn đề đặt ra về nếp sống đô thị trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1- Quy hoạch đô thị: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa là quá trình biến đổi cơ cấu nghề nghiệp không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở Khu vực. Đô thị hóa bao giờ cũng kéo theo một số lượng lao động từ thuần nông (chăn nuôi, trồng trọt) sang các lĩnh vực phi nông nghiệp (công nghiệp, thương mại, dịch vụ) làm thay đổi hẳn tỷ trọng cơ cấu ngành nghề. Việc chuyển đổi cơ cấu đó cần phải được cân nhắc và tính toán chu đáo về bước đi, tốc độ cách làm thích hợp. Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, chúng ta cần tăng cường mạnh mẽ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, theo kiểu mới với những đặc trưng:

- Quy mô nhỏ.

- Tiến hành tại chỗ như người Trung Quốc nói là “Ly nông bất ly hương”.

- Kết hợp dân tộc và hiện đại mà những nét đẹp, hài hòa của Tràng An, Hội An, Huế đã cho ta những kinh nghiệm.

Trong phạm vi quy hoạch một đô thị, các vùng được phân chia theo quy hoạch với các chức năng khác nhau: Vai trò của nội thành và ngoại vi, của từng trung tâm hành chính, buôn bán, dịch vụ, vui chơi giải trí... quy hoạch đô thị lớn và các thành phố vệ tinh. Và dĩ nhiên kéo theo cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa vui chơi giải trí cần chú ý xu hướng mới trong quy hoạch đô thị hiện nay: Chẳng hạn như Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng làng kiểu mới, ngay ở trung tâm thành phố lớn với đặc trưng cơ bản nhất là kinh tế hộ gia đình với công nghệ sinh học.

Quy hoạch đô thị phải nghĩ ngay đến việc làm cho người lao động - vì đất của họ đã trở thành nhà máy, xí nghiệp, tay nghề thì không có, học vấn thấp; thế là họ trở thành người đứng ngoài quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa. Mặt khác đô thị hóa dễ xảy ra tình trạng quá tải về dân số - sức ép dân số sẽ đè nặng sự phát triển đúng hướng của đô thị. Do đó, về mặt xã hội, đây là những vấn đề nếu không giải quyết tốt sẽ phá vỡ cấu trúc đô thị.

2- Quản lý đô thị và tự quản đô thị: Chúng ta công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa trên nền của một xã hội mà cư dân nông nghiệp chiếm đa số nên dễ bị nông thôn hóa thành thị - chúng ta đang đi đến hiện đại từ truyền thống nên phải có mô hình thích hợp.

Dù chúng ta có quy hoạch đô thị đúng, nhưng quản lý đô thị lại kém thì cũng khó thành công.

Tự quản đô thị không phải là một ý tưởng mới mẻ. Nó đã được đặt ra cùng với quá trình đô thị hóa từ các nước phát triển. Song đối với Việt Nam, một nước đang ở trình độ sản xuất nông nghiệp là phổ biến, trong lúc làn sóng thứ ba của nền văn minh tin học đang lôi cuốn nhịp phát triển của thế giới bước vào thế kỷ XXI thì tự quản đô thị hiện nay lại có màu sắc riêng, ý nghĩa riêng. Mặt khác, giải quyết tốt khâu nếp sống đô thị sẽ là cơ sở để tự quản đô thị có hiệu quả nhất.

Quản lý đô thị là tự quản đô thị phải trên cơ sở ban hành các luật lệ, các chế định, các quy tắc... mà ở đó, người dân nhận thức đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ.

Để xác lập các chính sách đô thị hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có một quan điểm văn hóa, cần chọn con đường đô thị hóa bằng giải pháp văn hóa. Phải thiết lập bộ máy lãnh đạo có trình độ, được đào tạo về quản lý đô thị để điều hành các hoạt động đô thị. Cần tăng cường giáo dục cho người dân đô thị sự hiểu biết về xã hội đô thị của mình trong mọi hành vi từ lao động, phát triển kinh tế, kinh doanh, trật tự, giao thông, hành vi ứng xử... nhằm phát triển xã hội.

3- Phát triển kinh tế phải thuận chiều với việc giải quyết các vấn đề xã hội:

Thành quả kinh tế (của cải và tiền bạc) phải được dành ngày càng nhiều cho việc giải quyết các vấn đề xã hội, dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm lo mọi mặt phúc lợi công cộng, khắc phục hậu quả tệ nạn xã hội.

Trong thời đại ngày nay, nền văn minh công nghiệp đem lại nhiều điều kiện tốt đẹp cho cuộc sống con người, vì vậy con người phải quay về với đạo lý làm người - lấy đạo lý nhân văn làm nền tảng, làm mục tiêu. Khi ta nói sự phát triển xã hội phải được diễn ra trên một nền tảng văn hóa thì nền tảng văn hóa đó chính là con người. Sự phát triển xã hội phải được thực hiện bằng sức mạnh của con người.

Một mặt coi trọng con người như một lực lượng sáng tạo, mặt khác phải tạo điều kiện và phải có chính sách tạo nên năng lực và bản lĩnh của mỗi con người cho họ xứng với danh hiệu lực lượng sáng tạo.

Cần quan niệm văn hóa là con người, những giá trị văn hóa là nằm ngay trong từng con người, nó được tích tụ từ lịch sử đã qua, nó cần được bồi dưỡng phát huy trong hiện tại và trong tương lai.

Sự phát triển một xã hội xét đến cùng là sự phát triển của mỗi con người. Sự phát triển kinh tế phải được diễn ra trên một nền tảng văn hóa, phát triển các giá trị nhân văn.

4- Nếp sống đô thị trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước phải lấy khâu trung tâm là phát triển nhân cách con người.

Phong cách sống của con người, diện mạo đạo đức, phẩm hạnh cá nhân, năng lực lao động, hôn nhân, gia đình, trình độ văn hóa giáo dục, các định hướng giá trị, giao tiếp xã hội... là những mặt quan trọng nhất trong nhân cách. Trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước việc hình thành nhân cách mới có sự phát triển tốt về thể chất, phong phú về tinh thần, đủ bản lĩnh đáp ứng những nhiệm vụ lịch sử mới là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng nếp sống văn minh.

5- Nếp sống văn hóa trong gia đình đô thị:

Gia đình là một thiết chế nhỏ nhất của xã hội, nhưng rất chặt chẽ về tổ chức, biểu hiện tính văn hóa rõ nét. Đến nay, người ta thừa nhận: Gia đình là nguồn lực của sự phát triển xã hội với những chức năng riêng biệt của nó. Gia đình làm chức năng duy trì nòi giống với sự chuẩn bị, lựa chọn chu đáo để nòi giống khỏe mạnh, thông minh và đẹp đẽ.

Củng cố gia đình là củng cố hạt nhân của xã hội. Trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách cho từng thành viên. Mối quan hệ gia đình là mối quan hệ nhân bản sâu sắc. Gia đình tốt thì xã hội tốt. Muốn củng cố xã hội thì đầu tiên ta phải củng cố gia đình.

Văn hóa và nếp sống đô thị trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước quả là vấn đề rộng lớn, có thể tiếp cận từ nhiều chiều từ nhiều ngành khoa học khác nhau. Một số ý kiến trên đây chỉ là bước đầu gợi mở để chúng ta cùng nhau nghiên cứu nhằm góp phần thực hiện chủ đề mà hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa của Việt Nam đề ra.

N.K.Đ - T.T.
(TCSH100/06-1997)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hệ lụy thơ (04/06/2023)