DƯƠNG PHƯỚC THU
LTS: Từ ngày anh Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bệnh, rất nhiều bạn bè khắp nơi trong nước điện về Tòa soạn, thư về Tòa soạn hỏi thăm tin tức anh Tường. Thay những lá thư riêng cho từng người, anh Dương Phước Thu mới đi thăm về, xin thông tin với bạn bè. |
Tôi viết bài này, sau đúng một tháng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vào “cấp cứu hồi sức” tại Bệnh viện C Đà Nẵng (rạng sáng 15/6 đến rạng sáng 15/7). Dấu hiệu hồi phục đang từ từ (chậm) trở lại, nhưng vẫn còn quá khó nhọc...
Sau mấy tháng du kỳ miền Bắc: lên Điện Biên Phủ, qua Tân Trào, xuống Bạch Đằng giang, sang Hạ Long, ngược về leo Côn Sơn, chơi với bạn bè ở Hà Nội dự 50 năm Báo Văn Nghệ, rồi xuôi thiên lý lộ vào Nghệ An thưởng lãm Phượng Hoàng Trung Đô, qua đất Hà Tĩnh về quê cụ Tiên Điền, ghé làng Uy Viễn, tìm nơi chăn trâu thuở nhỏ của Nguyễn Công Trứ, sau nữa vào Đồng Hới, Đông Hà... đến chiều 7/6 Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mới về tới Huế.
Tuần ấy tôi cũng đi Nghệ An, nên mãi chiều 12/6 tôi mới tới nhà thăm anh được. Xa anh lâu lòng tôi thấy nhớ anh Tường, nay gặp lại trông anh có mập ra chút ít, da dẻ thần sắc cũng khá hơn, tôi rất mừng. Anh cười bắt tay tôi, rồi mở tủ lấy chai rượu rót đầy hai ly mời tôi cùng uống, ngồi chuyện trò chơi (nói là chuyện trò nhưng trước anh Tường tôi thường chỉ biết lắng nghe!). Vui vẻ, sôi nổi cởi mở và trí tuệ, anh kể nhiều cho tôi nghe, “với lòng hào hiệp của bạn bè” giúp anh qua chuyến đi thực tế dài ngày đã “thu được nguồn năng lượng thông tin tư liệu” quý giá, bằng tâm linh tri mệnh nhạy cảm của nhà văn trước lịch sử, dân tộc và thời đại... Rồi anh “khoe” có nhận viết bài thường xuyên cho một loạt tờ báo TW, còn với Tạp chí Sông Hương cũng có một chùm bài (đang sửa) vài hôm nữa xong. Sau cùng quay sang chuyện bóng đá. Anh say sưa theo dõi các trận đấu WORLD CUP với hai nhẽ: mê thích và lấy thông tin để viết tin nhanh...
Chiều ngày 13/6 tôi lại ghé nhà chơi với anh Tường. Thường khi anh có mặt ở Huế, với tôi hai ngày lần thậm chí ngày một lần ghé anh chơi, và cũng để học hỏi ở nơi anh nhiều. Anh Tường nói “chiều mai 14/6 mình đi Đà Nẵng giảng bài cho Đại học Duy Tân”. Tôi hỏi anh đi đợt này bao lâu. Anh nói chỉ độ một tuần, chừng 22/6 thì ra Huế nghỉ ít hôm (chơi) rồi bay vô TP Hồ Chí Minh với hai cháu Lim, Líp (con gái anh Tường) và bạn bè trong nớ. Tôi nói anh nên đi tàu cho khỏe, đi xe đò qua đèo Hải Vân rất mệt lại nguy hiểm. Anh Tường khoát tay bảo “dạo này mình khỏe lắm” và nói thêm rằng - nguy hiểm nhưng thú vị khi ta ở trên đèo mây, với lại cái gì cũng có số. Anh giải thích: Máy bay hay xảy ra tai nạn lớn, nhưng con người cứ bay và thế giới này không ngừng bay.
Trưa 14/6 tôi không tiễn anh ra bến xe để đi Đà Nẵng, chỉ gọi điện chúc mừng anh thượng lộ bình an. Sáng 15/6, lúc 7 giờ 30’ tại VP Hội Văn nghệ 26 Lê Lợi Huế, chúng tôi nhận được tin anh Nguyễn Đắc Xuân từ Đà Nẵng điện ra “Anh Tường bị tai biến mạch máu não, đêm qua đã đưa vào bệnh viện cấp cứu”. Chúng tôi nhận thấy đầu dây bên kia giọng mếu máo của anh Nguyễn Đắc Xuân, đoán biết nguy kịch của căn bệnh, tôi chạy về báo với TBT Tạp chí Sông Hương - anh Nguyễn Quang Hà cho nghỉ giao ban đầu tuần cử tôi sang Hội đi cùng với anh Võ Quê vào Đà Nẵng? Anh Trình lái xe của Hội chở chúng tôi chạy như bay vào thẳng Bệnh viện C Đà Nẵng. Lúc 11 giờ 30 chúng tôi vào đến “Khoa cấp cứu hồi sức”. Qua tấm kính chắn tôi thấy anh Tường nằm trên một băng ca, người được nối với nhiều loại dây, ống thở. Anh nằm đó thân thể bất động, chỉ có lồng ngực phát ra âm thanh như tắc nghẹn, khuôn mặt tái dần. Chúng tôi ra khỏi bệnh viện chạy về nhà anh Vĩnh Quyền (Báo Lao Động) rồi chạy sang khách sạn Fai Fô (nơi anh Tường nghỉ lại đêm qua), gặp anh Dũng, anh Chính, chị Ánh phụ trách Công ty khách sạn, vừa lúc Lê Đức Hùng (Báo Thanh Niên) đi lo viện phí cho anh Tường về. Anh Lê Diễn, bạn phòng đến giao một điện thoại di động để có đường dây “Nóng” liên lạc với các nơi. Chúng tôi phân công nhau mỗi người một việc chạy lo cho anh Tường. Theo kết luận của bác sĩ “máu ở não chảy nhiều, áp huyết tăng cao, rất khó qua, nếu không có thuốc đặc trị!”. Cùng lúc ấy ở Đà Nẵng điện cho anh Phan (em ruột anh Tường) với hai cháu ở Sài Gòn, liên lạc với Hà Nội tìm chị Mỹ Dạ báo tin anh Tường đang cấp cứu. Chị Mỹ Dạ có Visa đi Mỹ, được tin chị hủy bỏ chuyến đi, bay vào Đà Nẵng. Tạm ổn, chiều ấy chúng tôi ra Huế rồi tính thêm!...
Ở Huế, cả ngày 16/6 TC Sông Hương kêu gọi quyên góp ủng hộ tiền để thuốc thang cấp cứu anh Tường, đồng thời thông báo bệnh tình của anh với các cơ quan, bạn bè.
Sáng 17/6 TCSH mượn được chiếc xe 5 chỗ cả tòa soạn chạy vào Đà Nẵng, ghé phi trường đón chị Mỹ Dạ cũng vừa bay từ Hà Nội vào. Sáng ấy Sông Hương hơi đông nên anh Vũ Mạnh Lập phải đi cùng xe Ngoại vụ của anh Tô Nhuận Vỹ. Đến bệnh viện chúng tôi “nghe bệnh án” lại vẫn thấy anh Tường nằm im trên băng ca, bệnh tình có vẻ nặng hơn trước, máu ở não vẫn còn chảy, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn nhau, thầm cầu nguyện một quyền năng nào đó cứu anh! Trưa, chúng tôi trở ra Huế. TBT Tạp chí Sông Hương quyết định lui ngày in báo, nếu cần bóc bài ít trang; giao việc này cho anh Ngô Minh... trong lòng chúng tôi cầu mong anh Tường sẽ khá lên... Tại số 5 Phạm Hồng Thái TCSH lấy làm địa điểm liên lạc với Đà Nẵng, TS cử người theo dõi dấu hiệu tiến triển căn bệnh và sức khỏe của anh Tường. Cứ vài ba ngày SH lại cử người chạy vào Đà Nẵng thăm anh, động viên chị Mỹ Dạ cùng hai cháu Lim, Líp đang thay nhau túc trực 24/24 giờ bên anh. Trong thời gian anh Tường nằm cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng, Sông Hương lại nhận được tin: Nhà thơ Hải Bằng lâm bệnh nặng đang cấp cứu hồi sức tại Bệnh viện TW Huế.
Chúng tôi, bè bạn thay nhau vào thăm, những lúc anh Hải Bằng hồi tỉnh nhận ra người thân bạn bè, anh cố gắng gượng hỏi: “sức khỏe của anh Tường ra sao rồi?!”, nhưng không may chỉ ít ngày sau đó anh Hải Bằng đã qua đời!
Hôm 7/7 tôi chạy vào Đà Nẵng thăm anh Tường. Đứng sát bên cạnh giường anh nằm trong một căn phòng riêng, thấy thần sắc của anh có khá hơn. Líp đang chăm sóc Ba nói như reo “Ba cháu có tỉnh chú Thu ơi!”. Anh chớp mắt khó nhọc nhận ra tôi, theo dấu hiệu của Líp Ba Tường đưa bàn tay phải bắt tay tôi khá chặt, rồi cố mấp máy khóe môi. Xung quanh người anh dây điện, ống thở vẫn bủa vây, phế quản vẫn phụ thở bằng oxy. Cô Hà KTV đang hướng dẫn anh tập cử động nửa thân (tay và chân) bên trái.
Anh Tường ơi, dấu hiệu tỉnh chưa ổn định, chưa kéo dài, chưa khỏe lại, nhưng với Thu điều đó là tín hiệu khá tốt, cố lên nghe anh!
Sáng 12/7 chúng tôi tiễn đưa Nhà thơ Hải Bằng về bên kia thế giới, yên nghỉ vĩnh hằng một cuộc đời nghệ sĩ lắm gian truân.
Sáng 13/7 TCSH tổ chức một đoàn gồm anh Hồng Nhu, anh Quang Hà, anh Trình, cô Trang và cả bé Bong nữa vào thăm anh Tường. Chiều ấy các anh thông báo bệnh tình của anh Tường có khá hơn trước, có nhận biết từng người quen cũ, nhưng cũng còn khó nhọc...
Tôi biết rằng trong một tháng qua, tin anh Tường bị “tai biến mạch máu não” nằm cấp cứu ở Đà Nẵng, thì rất nhiều cơ quan, bạn bè văn nghệ sĩ, người thân hữu, độc giả và những người yêu mến Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng ở trong Nam ngoài Bắc và chính ngay nơi cấp cứu anh Bệnh viện C Đà Nẵng đã vào thăm, hỗ trợ quyên góp, tìm mọi cách can thiệp cứu chữa, mong anh chóng hồi phục sức khỏe.
TCSH cầu chúc và cầu nguyện cho anh sớm vùng dậy bình yên trở về vui với bạn bè xứ Huế thân yêu.
Huế rạng sáng 15 tháng 7 -
D.P.T
(TCSH114/08-1998)