Tạp chí Sông Hương -
Hải Bằng, một đời chìm nổi với thơ
14:06 | 17/07/2023

NGÔ MINH

Đối với anh em làm thơ, viết văn ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên trong nhiều chục năm qua, nhà thơ Hải Bằng là người không thể quên! 

Hải Bằng, một đời chìm nổi với thơ
Cố nhà thơ Hải Bằng - Ảnh: SH

Ông dự phần trong cuộc sống vui buồn hờn giận của mọi người, ông mắng mỏ, “chửi bới” người này, yêu mến, ca ngợi người kia một cách công khai và hết lời, không hề toan tính. Ông khóc đó rồi cười đó như một đứa trẻ. Dường như tuổi tác không ảnh hưởng lắm đến cách sống bản năng, trực cảm mạnh mẽ của ông. Đã có không ít người hàng ngày khó chịu vì bị ông phê phán, công kích về một việc gì đó, nhưng vài ba tuần không được gặp ông, không được nghe ông đọc thơ hay “chửi bới” ai cũng cảm thấy trống vắng như bị thiếu một thứ gì đó. Ông làm thơ rất nhanh, cảm mến ai lập tức ông có bốn câu thơ tặng kèm theo bức ký họa chân dung hóm hỉnh. Đến chơi nhà ông, bao giờ khách cũng được “tra tấn” mươi bài thơ mới viết, sau đó mới nói chuyện gì thì nói! Ông có cuộc đời thơ ôm trùm hai cuộc kháng chiến và hơn 20 năm hòa bình, đổi mới. Cuộc đời của ông trọn vẹn chìm nổi với thơ, cho thơ. Ông là nhà thơ duy nhất ở Huế có 2 tấm thẻ hội viên trong hành trang của mình. Thẻ Hội Viên Hội Văn Nghệ Việt Nam năm cấp 1950 và thẻ Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam năm cấp 1985.

Là hậu duệ của vua Hiệp Hòa (triều Nguyễn), mới 14 tuổi đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa giàu sang để đi theo Vệ Quốc Đoàn, theo tiếng gọi của tâm hồn tràn ngập lãng mạn Cách mạng tháng Tám trở thành chiến sĩ trung đoàn 101 nổi tiếng của Việt Minh vùng Trị Thiên - Huế từ năm 1945. Những bài thơ của ông xuất hiện lần đầu tiên tại chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng năm 1948, trong đó có bài thơ hay “Em, nữ cứu thương người Pháp”. Bài thơ làm cho ông nổi tiếng trong làng văn nghệ kháng chiến lúc đó, đồng thời cũng gây nên rắc rối cho ông vì có người thiển cận cho rằng quan điểm địch, ta trong bài thơ không rõ ràng! Mùa hạ năm 1952, trước khi rời chiến khu Ba Lòng, ông đã cùng với người bạn thân trong Phòng chính trị Phân Khu Bình Trị Thiên lúc đó là họa sĩ Trần Quốc Tiến rủ nhau làm mỗi người một bài thơ bỏ vào hũ sành chôn ở bờ sông trong rừng với lời hẹn 100 năm sau sẽ trở về thăm lại chiến khu xưa! Bài thơ ông viết lúc đó dài 160 câu có tựa đề là “Trăm năm rừng cũ”.

Theo đoàn quân 325 tình nguyện Việt - Lào, ông có “Trường ca Đoàn quân 325”, trường ca “Bài thơ rừng hoa Chăm Pa”. Những bài thơ dài này chưa được in ra, nét chữ chép tay của ông lâu ngày đã mờ phai, nhưng vẫn được bảo quản cẩn thận. Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, công tác ở Hà Nội, ông vẫn đều đặn làm thơ và in thơ trên các báo ở thủ đô với bút hiệu Văn Tôn. Năm 1958 sau sự kiện nhân văn giai phẩm ông về làng Cảnh Dương (Quảng Bình) cùng bà con ngư dân ra khơi kéo lưới hay câu cá đêm một mình bên bờ sông Loan, như một ẩn sĩ. Đây là bước ngoặt lớn trong đời thơ của ông. Thơ đã đưa ông từ một cậu thiếu niên con quan, dòng hoàng tộc đến với cách mạng, với đoàn quân chiến thắng. Rồi cũng chính thơ kéo ông về với nỗi cô đơn, đau khổ nơi làng quê heo hút! Nhưng ông vẫn không từ bỏ thơ. Nhớ về những ngày gian nan đó, sau này có lần ông tâm sự: “sống chết với thơ nên chẳng mấy khi tôi được yên ổn. Nhờ không được yên ổn tôi mới có thơ”. Năm 1958 ông được Nhà nước bố trí công tác tại Ty Kiến trúc, sau đó chuyển sang Ty Văn Hóa Quảng Bình. Ông làm nghề bán sách lưu động. Hàng ngày ông đạp xe chở sách đi bán ở các huyện xa ba bốn chục cây số, vất vả, mệt nhọc! Nhưng ông vẫn miệt mài hăng say sáng tạo thi ca bên cạnh những người bạn thơ tài hoa, tốt bụng như Hà Nhật, Xích Bích.. Ông làm nhiều thơ về sản xuất, xây dựng, làm thơ ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân Khe Sanh, Quảng Trị của Huế quê hương.. in ở nhiều báo ở Hà Nội với nhiều bút hiệu như Nguyễn Hương Trà, Lý Xuân.. Đặc biệt ông làm rất nhiều thơ về tình yêu và biển. Biển như một nhà hiền triết lớn, một người bạn giúp ông vô số lời giải về cuộc sống và thân phận để biết vượt lên trên con đường thơ đã chọn! Chính mảnh đất nghèo khó và đạn bom ác liệt Quảng Bình đã đùm bọc, cưu mang ông, đã cho ông cuộc sống gia đình, bè bạn và vốn sống để đi tới.

Tháng 5-1965, trong chuyến về thăm Quảng Bình, nhà thơ Xuân Diệu rất tâm đắc với bài thơ Cồn Cỏ của ông. Sau đó bài thơ đã được giải thưởng trong cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ. Đó là lần đầu tiên bút hiệu Hải Bằng xuất hiện trên văn đàn Việt cho đến hôm nay! Bài thơ đã giải phóng ông ra khỏi nỗi cô đơn, mặc cảm, trả ông về với đội ngũ những người cầm bút Việt Nam!

Năm 1975, ông đã khóc như một đứa trẻ sau 30 năm xa quê hương, nay được trở về trong niềm vui giải phóng. Những năm tháng này thơ Hải Bằng òa vỡ, dào dạt, chứa chan. Ông viết ngày viết đêm. Viết rồi chép nắn nót thành từng tập thơ cất vào túi, vì không in ra được. Ông vừa làm thơ vừa vẽ tranh và tạo hình bằng rễ cây. Những “tác phẩm rễ cây” của ông là những bài thơ độc đáo, lạ lùng được khai quật lên từ lòng đất! Mãi tới năm 1980, khi ông 50 tuổi, lương 50 đồng, ông mới được in chung một tập thơ mỏng, tập Hát về ngọn lửa. Năm 1988, khi các nhà thơ có thể tự bỏ tiền ra in thơ một cách thoải mái, thì ông lại quá nghèo và bị căn bệnh hiểm nghèo ung thư vòm họng! Từ đó sức khỏe ông suy sụp hẳn. Suốt 10 năm qua ông không ăn được cơm như người thường. Đi dự liên hoan, chiêu đãi ông chỉ ngồi chơi, nhìn anh em vui. Kỳ lạ thay, chính giai đoạn “chạy đua với thần chết” này, thơ Hải Bằng lại nở rộ hơn bao giờ hết, ông đã vắt kiệt mình để cho ra đời thêm 11 tập thơ mới gồm đủ thể loại thơ hai câu, thơ bốn câu, thơ lục bát, tứ tuyệt, thơ văn xuôi.. Công sức sáng tạo của ông đã được đền bù bằng giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (tập thơ Sóng đôi bờ), Tập Thơ tình Hải Bằng và bức tranh thuốc nước Mưa Huế được giải thưởng Văn Học cố Đô. Tập thơ cuối cùng, tập thơ thứ 13 của ông đã có giấy phép nhưng chưa kịp in có cái tên thật định mệnh: Độc Hành!

Vâng, bây giờ thì ông thực sự đi một mình trong cõi vô cùng của trời đất. 10 năm qua, ông đã vật lộn với bệnh tật và thời gian nghiệt ngã để có những bài thơ. ln xong thơ rồi phải tự mình mang đi bán, đặng lấy tiền mà in tập sau! Ông mang vác thơ trên thân hình khô gầy của mình như bức tượng người dân Chúa còng lưng vác cây thập giá khổng lồ nhọc nhằn đi trên con đường đức tin thăm thẳm mà tôi từng thấy ở nhà thờ nọ! Đó là hình ảnh đẹp nhất của một nô bộc tận tụy, thủy chung của Đấng Thi Ca linh hiển!

Huế, ngày 17 tháng Mậu Dần
N.M
(TCSH114/08-1998)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng