NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nhà thơ, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, với vụ án oan thảm khốc Lệ Chi viên xảy ra cách đây hơn 5 thế kỷ đã từng là đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, sân khấu, nhưng có lẽ “Vạn Xuân” là tác phẩm đồ sộ nhất, phong phú và sâu sắc nhất. Nhà thơ Huy Cận, từ năm 1992 sau khi đọc nguyên bản “VẠN XUÂN” (Dix mille printemps) của Yveline Feray đã viết: “...Có ngờ đâu một nữ sĩ Pháp, cách xa Nguyễn Trãi hơn 5 thế kỷ và hơn vạn dặm đường, lại đã phục hiện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, tâm trạng và tâm tình của Nguyễn Trãi với một sự hiểu thấu tâm lý sâu sắc như vậy. Không chỉ có chân dung của vị anh hùng, của nhà thơ vĩ đại, mà còn có bức tranh toàn cảnh của thời thế. Vạn Xuân quả thật là một bản anh hùng ca lớn về nền văn hiến Đại Việt đầy khí phách và nhân hậu...” (Trích lời giới thiệu “Vạn Xuân” - NXB Văn học & Sudestasie).
Bản in lại đầy đủ - Ảnh tư liệu (SH) |
Được biết tác giả đã bỏ công sức trong 9 năm trời (1980-1988) để hoàn thành bộ sách đồ sộ dày trên 1200 trang này và đến nay, vừa đúng 10 năm sau khi ra đời. “Vạn Xuân” đã đến với độc giả Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Khắc Dương và các cộng tác viên. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên lý thú là 10 năm cũng là thời gian nối hai sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc: Năm 1418, tức là tròn 580 năm trước, người anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng 18 bạn chiến đấu thân tín nhất đã làm lễ tuyên thệ, phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh tại khu rừng Lam Sơn (Thanh Hóa) và đúng 10 năm sau, năm 1428, tức là tròn 570 năm trước, sau đại thắng Chi Lăng Xương Giang tiêu diệt 10 vạn quân của tướng Liễu Thăng, đất nước hoàn toàn giải phóng, bản Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo - bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai của dân tộc ra đời.
Tất cả những sự kiện lớn ấy cùng những mưu mô của bọn quyền thần bất tài mà hiểm ác dẫn đến vụ án Lệ Chi viên oan trái, tàn khốc khiến cho 40 con người thuộc gia tộc Nguyễn Trãi bị sát hại đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ, dựng thành những bức tranh hoành tráng trong “Vạn Xuân” bằng những chi tiết, nhân vật đặc sắc, sống động, bằng một bút pháp nhà nghề linh hoạt, khi gợi nên cảm hứng sử thi, khi tạo không khí thiêng liêng với những huyền thoại, có lúc đầy vẻ hài hước, nghịch ngợm với những trang viết như truyện kể dân gian, truyện tiếu lâm. Bút pháp ấy không chỉ tạo nên sức hấp dẫn cho “Vạn Xuân” mà còn thể hiện được đậm nét truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Đó cũng chính là nguồn gốc sức mạnh giúp đội quân của Lê Lợi - Nguyễn Trãi chiến thắng được kẻ thù hung bạo.
“Vạn Xuân” còn giúp chúng ta cùng suy ngẫm về rất nhiều vấn đề của con người, từ những mối quan hệ tình cảm riêng tư giữa vợ chồng, cha con, thầy trò, bè bạn... đến cách xử sự trên-dưới, địch ta, thắng bại, sống chết... Và như tác giả đã viết trong lời phi lộ: “Sẽ thật bất công nếu nghĩ rằng tác phẩm "cổ điển" này chỉ muốn bao vây độc giả trong một bức màn chỉ phủ đầy bụi bặm của những thế kỷ xa xưa, trong khi thực ra đề tài chính yếu của cuốn sách - là vấn đề quyền lực - sẽ tất nhiên đưa độc giả tiếp xúc với những vấn đề muôn thuở - và do đó sẽ mang đầy tính thời sự... Đây là những nẻo đường đa dạng và tất yếu của quyền lực mà con người phải đi theo, qua các cuộc thăng trầm của lịch sử. Nào là quyền bính bị thoán đoạt, quyền bính phải bảo vệ nhân danh chính thống, nào là mãnh lực của tình yêu, của dục tính, của cái bụng, nào là quyền lực theo lòng ước mơ, quyền lực của thế giới hữu hình với những thế lực vô hình xuyên qua... Chúng ta sẽ gặp lại trong tác phẩm này một chủ đề không bao giờ múc cạn: Đó là mối tương quan giữa kẻ cầm quyền và giới trí thức (giữa nhà vua và kẻ sĩ)...” Chính là từ cách nhìn không đơn giản và đầy chất trí tuệ này, vấn đề tác giả đặt ra trong “Vạn Xuân” đã vượt qua sự hạn hẹp của một câu chuyện lịch sử cụ thể của một dân tộc để vươn tới tính khái quát có ý nghĩa muôn đời đối với nhân loại.
Riêng đối với Huế, vùng đất chứa đầy những câu chuyện lịch sử, ngoài tác giả Thái Vũ, còn ít cây bút bỏ công sức, tâm huyết để dựng nên những tác phẩm vừa phản ánh được một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa của dân tộc, vừa có tầm khái quát với trình độ nghệ thuật cao. Tiểu thuyết “Vạn Xuân” gợi nhắc trách nhiệm nhà văn đối với những đề tài lịch sử của dân tộc, đồng thời có thể giúp các nhà văn Việt Nam thêm kinh nghiệm xây dựng những bộ tiểu thuyết lớn như vấn đề quyền hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, sự phối hợp bút pháp sử thi với huyền thoại và dân gian, cách thể hiện đời tư của nhân vật anh hùng... và trước hết, hơn hết là kỳ công trong sưu tập tài liệu. “Có bột mới gột nên hồ”. Điều này càng đúng với tiểu thuyết lịch sử. Nếu không bỏ công sức trong 9 năm trời nghiền ngẫm cả “núi” tài liệu, tìm gặp rất nhiều nhân vật tên tuổi ở Việt Nam thì dù tài hoa mấy, Yveline Feray cũng không viết nên được “Vạn Xuân”. Trong tình trạng không ít cuốn phim, tiểu thuyết ra đời theo kiểu “mì ăn liền” sơ lược và cẩu thả, có thể nói đây cũng là một vấn đề “thời sự” đặt ra từ “Vạn Xuân”.
N.K.P
(TCSH117/11-1998)