HỒNG NHU
Tà-Dnga bước những bước uyển chuyển về bản. Mái tóc dính mồ hôi, vương trên khuôn mặt trắng ngần. Chiếc váy còn mới, có nhiều mầu sặc sỡ viền dưới gấu, bó sát lấy tấm thân thon thon.
Về đến sân, đứng dưới cầu thang, Ta-Dnga đưa hai tay cầm lấy quai, ưỡn ngực xóc nhẹ chiếc “à chọi”(1) đựng đầy chuối, ngước mắt nhìn lên sàn, gọi:
- Pa (2) ơi! Xuống đỡ con cái nầy! Nặng quá đây mà!
Ông Tà-Nập đang ngồi cạp lại chiếc cảu nhỏ trên sàn, nghe gọi, đứng dậy đi xuống, nhắc gùi trên vai con gái:
- Có buồng nào chín cây không con?
- Có Pa à! Nhưng nó mới chín có một nửa thôi!
Vừa nói, Ta-Dnga vừa thò tay vào gùi sắp chuối ra bàn:
- Pa ơi! Nải nầy ngon chưa này!
Hai cha con chọn những nải có trái chín để riêng, những nải còn xanh để riêng. Ta-Dnga xách gùi không để vào trong góc, hỏi như làm nũng:
- Đem rấm đi à Pa? Những nải xanh này phải làm cho chín vàng đi rồi mới đem xuống chợ, à Pa?
Ông Tà Nập vẫn còn mân mê mấy nải chuối, không quay lại, trả lời:
- Thì có rấm nó mới chín chớ sao! Mà không phải xuống chợ đâu con! Năm ngoái kia, chứ năm nay có thêm cái bộ đội nông trường nó về ở Bến Quang, nó mua hết đó thôi!
Nghe bố nói đến bộ đội, Tà-Dnga thốt nhiên đỏ bừng hai má, ngoảnh đi chỗ khác. Rồi chợt nhớ ra điều gì, Tà-Dnga quay lại thấp giọng:
- Pa à! Hồi nãy con đi rừng về, thấy bộ đội biên phòng đóng ở Bãi Hà nó mua heo, gà dưới chợ về nhiều lắm. Người đi lại cũng đông lắm, không biết bộ đội làm gì vậy à Pa?
Ông Tà-Nập đứng dậy, cười rung rung hai cái râu bên mép đen bóng:
- Ờ ờ! Họ sắp ăn Tết đó con ạ! Con không biết hôm nay là ngày hăm tám tháng chạp rồi à! À Tà-Dnga nầy! Khi sáng có cái ông chỉ huy bộ đội và ông cán bộ Kinh đến đây báo cho Pa biết là ngày kia, bộ đội và đồng bào Kinh sẽ tổ chức một bữa ăn Tết đoàn kết và mời đồng bào Thượng trong bản ta đến cùng uống rượu vui chung đó!
Tà-Dnga nghe nói, hai con mắt tròn to đen tuyền như gỗ mun nhướn lên, nhấp nháy:
- Thật à Pa? Ồ! Thế chắc vui lắm Pa hè?
- Ừ! Đông lắm! Cả bộ đội, cả người Kinh, cả người Thượng mình nữa đó! Đoàn kết mà! Nói xong, ông đưa cái điếu nặn bằng đất nung có chạm hình con rắn, ngậm vào mồm, rồi cầm cái rựa, đi xuống cầu thang, ngoảnh lại, nói với con gái:
- Con ở nhà nấu cơm. Pa đi đầu bản, nói với bà con chuẩn bị liên hoan đấy! Ông lúc lắc đi thẳng ra rừng, tiếng cười hà hà, khoái trá:
- Ờ ờ! Giờ sống đời cụ Hồ có khác! Kinh, Thượng, đồng bào, bộ đội xem nhau như anh em một nhà vậy! Ờ ờ!
Ở nhà, còn một mình, Tà-Dnga đứng lặng một hồi lâu trên sàn, tay mân mê xâu cườm đá xanh đỏ đeo trước ngực, suy nghĩ...
... Từ ngày hòa bình lập lại, thằng Pháp thua dân mình, theo lệnh Cụ Hồ, bộ đội và cán bộ tập kết ra miền Bắc. Những năm kháng chiến, bản làng Thượng cũng chịu ê chề khổ sở với tụi giặc, cho nên cùng với bộ đội, ngày tập kết, đồng bào Thượng một số, trong đó có gia đình Tà-Dnga, rời núi rừng đường số 9 ra đây, bây giờ định cư tại miền núi Vĩnh Linh nầy, phá rừng, làm rẫy, gieo lúa, tỉa ngô.
Ban đầu, người Thượng cũng còn theo tập quán cũ, rẫy làm một năm rồi bỏ, không biết cày ruộng, không biết đập lúa, nước bàu, ăn bốc. Từ khi có bộ đội biên phòng về ở Bãi Hà, bộ đội bày cho cách dùng trâu cày, ruộng cấy, quây bồ đập lúa thay cho hai tay tuốt từng bông, từng hạt. Bộ đội giải thích cho dân ăn uống phải giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Những ngày nghỉ, thỉnh thoảng bộ đội lại vào bản chơi vừa làm giúp cho đồng bào, vừa nói chuyện thân mặt như người nhà. Trước lạ, sau quen, dần dần đồng bào thấy những điều bộ đội bày vẽ là có lợi. Bây giờ thì đã có nhiều cái đã khác xưa rồi. Cả cái bản Lôộc-Côộc này, cả cái bản Pla-Hai bên kia, cả những bản phía trên xa Bãi Hà nữa, đồng bào Thượng đã biết phát rừng làm rẫy nhiều năm, biết làm phân, trừ sâu, biết cày và cấy ruộng nước, biết ăn cơm bằng bát và đũa hai đầu, biết uống nước đun sôi để nguội. Nhà Tà-Dnga, chỉ có hai cha con thôi, nhưng đã cày hai khoảnh ruộng ngoài bìa rừng. Bộ đội nông trường đã cho mượn trâu về cày và tuần mới rồi đây, bộ đội đã đến bản chặt gỗ, đẽo và tặng cho đồng bào ba cái cày mới có cả lưỡi bằng sắt rất đẹp. Bộ đội bảo cứ ngó theo đó mà làm, hỏng cái này thì đẽo cái khác giống như thế, lưỡi mòn không cày được nữa thì đến mậu dịch Bãi Hà mua cái khác. Bộ đội lại nói nếu cày chung, phát rẫy chung, đập lúa chung, thì vừa vui lại vừa nhanh. Trong bản đã tổ chức thành từng tổ đổi công, có hai con trâu của chính phủ vừa bán cho, cùng nhau làm chung và giúp đỡ nhau khi đau ốm. Ơ vui quá! Nhớ mùa rồi làm như thế, con Tà-Ring này, con A-Luông này, ông Ta-Ngoi này rồi cả Tà-Dnga và Pa nữa cùng cắt lúa về đập trong nhà vui quá! Cả con Tà-Plan nữa, nó còn bé tí, mà cũng cầm cái chổi quét quét vừa xua gà, xua lợn. Thật cái gì bộ đội bày vẽ cũng hay quá đi thôi. Mà cũng do đó, cho nên Tà-Dnga mới quen anh bộ đội Huy, cái anh người thâm thấp, nước da trăng trắng, đẹp đẹp là! Anh Huy thường đến chơi bản, lúc thì đâm cối nếp, lúc thì vót cái răng bừa. Lại còn bày thêm cho Tà-Dnga học chữ, làm toán. Bây giờ, Tà-Dnga đọc được, viết được là nhờ có anh Huy. Mẹ Hrịp, nhà bên cạnh, có lần nói đùa:
- Ông Tà-Nập ơi! Đó! Rể ông nó đến làm cho ông đó! Gả con Tà-Dnga cho anh Huy đi thôi!
Ông Tà-Nập ngó anh Huy, cười hề hề:
- Ô! Được thôi mà! Chỉ sợ “mềnk” (3) người đẹp, con tôi người xấu, “mềnk” không ưng, “mềnk” chỉ muốn lấy con gái đồng bằng thôi, thế đó!
Lúc đó Ta-Dnga thấy thẹn quá, đôi má cứ phầng phầng như vừa uống rượu cần. Liếc nhìn anh Huy. Thấy anh ấy cứ cười không nói gì cả. Tà-Dnga nghĩ trong bụng: Có phải là mình xấu như bố nói không? Có phải là bộ đội như anh Huy… không lấy người Thượng không? Tự nhiên, Tà-Dnga thấy phảng phất một nỗi buồn.
Ta-Dnga quẩy đôi “al-noôi” (4) ra suối, gánh lên một gánh để trên bờ, xong quay xuống, soi mình trong nước. Một vòng tròn, rồi hai ba vòng tròn gợn lên trên mặt nước rung rinh như cười với Tà-Dnga: ơ mình có xấu đâu nào? Mình có kém gì các cô gái Kinh ở Bãi Hà hay Bến Quang đâu nào? Có điều là mình ăn mặc khác thôi mà! Không xấu đâu! Chắc Pa nói vui vậy thôi! Tà-Dnga quày hai tay ra sau gáy vuốt lại mớ tóc, cầm lấy hai chéo chiếc khăn màu lam phủ lên đầu rồi buộc lại, quẩy “al-noôi” đi lên. Từ ngày đó, không biết có cái gì khang khác trong lòng Tà-Dnga. Người cứ bảng lảng, vui buồn lẫn lộn. Đi ra nương, Tà-Dnga ước mong có ai kia cùng đi bên cạnh, về nhà, Tà-Dnga tưởng có ai sẵn trên sàn chờ đón.
Anh Huy dạo nầy ít đến chơi nhà Tà-Dnga như trước và có đến thì anh ấy chả ngồi được mấy tí. Anh ấy và các anh bộ đội khác cứ đi nhà nầy một chập, nhà khác một lát nói chuyện với đồng bào. Đến chiều khi sắp về, anh ấy mới ghé lại. Thấy Tà-Dnga, anh Huy cười, hỏi han sức khỏe, làm ăn, và học đến đâu rồi. Những lúc nói chuyện như thế, Tà-Dnga như thấp thỏm mong một lời nói gì ở miệng anh Huy nói ra, mong bà mẹ Hrịp nói ghẹo như mọi lần. Một buổi chiều tháng trước, anh Huy đến ngồi nói chuyện với Pa Tà-Dnga và khi ra về, anh gặp Tà-Dnga nói rằng:
- Tà-Dnga ạ! Tôi sắp đi công tác xa đây, còn lâu mới về, vậy chúc Tà-Dnga ở lại sản xuất tốt và học mau giỏi nhé!
Tà-Dnga mặt hơi biến sắc, ngó xuống đất:
- Anh Huy đi thật à? Bao giờ về lại anh? Công tác gì vậy anh?.
- Ồ! công tác bộ đội thì là tập luyện, tuần phòng thổ phỉ, kẻ gian, để bảo vệ nhân dân chứ gì nữa, Tà-Dnga?
- Thế bao giờ anh về thăm bản. Lâu là chừng bao nhiêu ngày anh Huy? Huy buột mồm:
- Lâu là chừng một tháng!
Tà-Dnga trố mắt:
- A! Một tháng ba mươi ngày lâu quá mà!
- Lâu gì! Thôi tôi đi nhé! Tà-Dnga ở lại mạnh khỏe nhé!
Bóng Huy đi khuất, chiếc mũ có ngôi sao vàng chói đã mờ trong sương núi, Tà-Dnga còn đứng thẫn thờ nhìn theo, cho đến khi sực nhớ trời đã tối, phải đi gọi lợn về chuồng.
Kỳ thực lần đó, Huy được lệnh trung đoàn điều động về nhận công tác mới. Nghĩa là, không biết có còn dịp nào nữa hay không, anh mới được trở lại nơi này. Từ ngày đó đến nay, Tà-Dnga mong mãi, mong mãi ngày Huy trở lại núi rừng. Lần này sắp đến Tết, nghe bố nói bộ đội sắp tổ chức liên hoan ăn Tết đoàn kết mời cả dân bản xung quanh đây, Tà-Dnga thấy vui quá! Tà-Dnga nghĩ: chắc lần này anh Huy về rồi! Ô! Mong cái ngày đó đến mau đi!
Mồng một Tết.
Bãi-Hà nhộn nhịp, cái nhộn nhịp của ngày xuân. Mặt trời trườn lên cao, chiếu những tia vàng rực rỡ trên hoa lá. Rừng cây như vừa khoác một chiếc áo mới tươi đẹp. Những cành non mới nhú, bén sương xuân mơn mởn như đôi má người con gái Thượng. Tiếng chim công gáy rộn rã trong vòm cây. Rạp liên hoan lợp bằng lá, dựng lên trước sân hội quán, cạnh cửa hàng mậu dịch Bãi-Hà. Khẩu hiệu, cờ hoa chăng la liệt khắp sân trong rạp. Những tấm cót còn mới trải kín dưới đất, trên đó dọn sẵn từng mâm cơm nhiều món có đủ bát đũa. Rất nhiều “à chọi” đựng đầy “bềnk” - một thứ bánh bằng nếp của đồng bào Thượng - được các anh, các chị trong ban tổ chức lấy ra và xếp chồng quanh mâm. Thêm vào đó, mỗi mâm có một chai rượu nhỏ và hai nải chuối chín, quả tròn to múp như cổ tay con gái.
Các em nhỏ Kinh, quần áo hoa xanh, hoa đỏ, các em Thượng áo ngắn xanh đậm, váy tía sặc sỡ, đeo cườm lấp lánh, đầu và cổ quàng khăn dài màu đỏ rực, lườn lượn, ríu rít như đàn chim. Một đám thanh nữ Kinh Thượng lẫn lộn đang thủ thỉ chuyện trò. Đám thanh niên đang tung những quả cầu to bằng bàn tay kết bằng lá có đuôi lông gà qua lại với nhau. Trong hội quán của xã, các cụ, các mẹ và bộ đội ngồi nói chuyện, thỉnh thoảng, những tràng cười vang lên, giòn tan như ngô nổ.
Tà-Dnga khoác vai A-Luông và chị Bảy đứng nói chuyện dưới gốc cây cạnh rạp. Tà-Dnga hôm nay đẹp lắm. Quanh chiếc cổ nõn nà, buộc vừa khít một xâu cườm xanh biếc, hạt nhỏ như hạt nếp, lóng la lóng lánh. Chiếc áo hoa tím mịn màng mặc vừa khít thân làm nở căng bộ ngực tròn trặn. Vừa nói chuyện, nhưng Tà-Dnga thỉnh thoảng lại nhìn ra đường, nơi bộ đội đi vào, xem có Huy đến không, cho đến lúc đồng chí Thăng, trưởng ban tổ chức tuyên bố mọi người đã đến, xin mời vào mâm, Tà-Dnga mới cùng chị em quay vào. Bắt đầu bữa ăn liên hoan, đồng chí Thăng đứng lên, một nụ cười cởi mở, anh nói:
- “Thưa tất cả đồng bào, thưa tất cả các đồng chí! Hôm nay ngày đầu năm, chúng ta Kinh, Thượng, đồng bào, bộ đội cùng tổ chức một bữa đoàn kết. Lúc còn kháng chiến, vì thằng giặc nó âm mưu chia rẽ nên tình đoàn kết giữa Kinh, Thượng chúng ta có phần nào bị ảnh hưởng. Nay hòa bình lập lại chúng ta tập kết ra làm nhiệm vụ xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội được gần nhau, giúp đỡ nhau, thật không có gì vui mừng hơn, mời tất cả bà con và các đồng chí ăn một bữa cho no, cho vui, mừng tình đoàn kết Kinh Thượng, mừng ngày Tết của chúng ta. Nhân dịp năm mới, tôi xin thay mặt đơn vị chúc tất cả bà con và các đồng chí sản xuất tốt, nhiều hơn nữa, đấu tranh mạnh hơn nữa để nước nhà mau chóng thống nhất”.
Một loạt vỗ tay vang dậy. Tất cả ngồi vào mâm. Mỗi mâm sáu người đủ các thành phần: bộ đội, Thượng, Kinh. Đồng bào Thượng rất thành thật nên cùng nhau ăn ngay, không đợi mời mọc khách sáo gì cả. Tiếng bát đũa khua lách cách, xen lẫn tiếng nói chuyện nho nhỏ, rì rầm nghe đầm ấm.
Ông Tà-Nập ngồi cùng mâm với anh Thắng. Tà-Dnga ngồi cùng mâm với chị Bảy và hai anh bộ đội. Vừa ăn, Tà-Dnga vừa nghĩ bụng: Giá hôm nay mà có anh Huy thì vui thêm biết mấy! Chị Bảy gắp một miếng chả ram bỏ vào bát của Tà-Dnga. Tà-Dnga ngó lên chị Bảy cười, hai con mắt long lanh sáng.
A-Luông ngồi mâm bên cạnh, chợt thấy em Tà-Plan quên ăn đũa hai đầu, cười nhắc:
- Em Plan kìa! Mất vệ sinh kìa!
Tà-Plan vội quay đầu đũa lại, mủm mỉm:
- Ơ! Em quên!
Các cụ, các mẹ, các anh, các chị, cả Tà-Dnga nữa, ngó qua cười vui vẻ.
Đang ăn dở bữa, bỗng nghe tiếng nhạc ngựa leng keng ngoài đường. Mọi người nhòm ra. Một anh bộ đội reo lên:
- A! Huy! Huy lên đây rồi! Vào chén luôn đi!
- Huy à! Mới lên đấy à? Khỏe không?
- Ô! mang cái gì lên nhiều thế này?
Huy tươi cười, nhảy xuống ngựa, tay túm cương buộc vào gốc cây, trả lời:
- Báo chí, tranh ảnh ngày Tết của trung đoàn gửi lên cho đơn vị đấy!
Nghe tiếng Huy, Tà-Dnga buông đũa, chạy ra:
- A úi! Anh Huy! Anh trở lại đó à?
- Vâng! Chào cô Tà-Dnga!
Anh đi vào rạp:
- Chào tất cả đồng bào, các đồng chí! Ô ăn đoàn kết vui vẻ quá nhỉ!
Mọi người ríu rít:
- Anh cùng ngồi xuống ăn với bà con luôn đi!
Huy sà vào một mâm, mắt còn cười lượn đi khắp các mâm, gật đầu chào những người quen thuộc. Từ lúc có Huy vào, Tà-Dnga càng ăn ngon miệng. Thỉnh thoảng, cô liếc sang bên chỗ Huy ngồi, rồi vội vàng ngoảnh lại, chỉ sợ Huy nhìn sang và người khác bắt gặp được.
Bữa tiệc kéo dài đến gần hai tiếng đồng hồ mới xong. Mọi người ăn cũng nhiều, nói chuyện với nhau cũng nhiều.
Bên ngoài, trống chiêng nổi lên. Bắt đầu vào cuộc vui chơi chạy trá hình, cướp cờ, ném vòng cổ vịt. Kéo co giữa bộ đội và thanh niên Thượng. Cờ phất, trống reo, người hát, sôi nổi, tưng bừng. Tà-Dnga ném hai cái vòng, một cái trúng, tròng vào cổ con vịt, được thưởng hai cái kẹo chanh bọc giấy bóng hồng. Tà-Dnga và chị em Thượng cười như nắc nẻ. Huy cũng tham gia vào một tay kéo co.
Mãi đến hai giờ chiều, cuộc vui mới tạm thời chấm dứt để bộ đội về chuẩn bị tối biểu diễn ca kịch. Mọi người dần dần tản ra. Đồng bào Thượng không về bản, cứ từng tốp kéo nhau đến thăm gia đình đồng bào Kinh ở quanh đấy.
Tà-Dnga chưa đi, đang ngơ ngác tìm, thì đằng kia, đã thấy Huy dắt ngựa đi lại.
- Ồ! Tưởng anh đi mãi hoài không trở lại Bãi Hà, không trở lại bản em nữa mà!
- Sao không! Cũng là một dịp tình cờ, Tà-Dnga ạ! Ngày hôm qua, tôi được lệnh lại đi công tác lên đây. Vui quá! Gặp được đông đủ anh em và đồng bào trong ngày Tết. Mấy lâu Pa và Tà-Dnga vẫn mạnh khỏe chứ?
- Mạnh khỏe anh à! Cả Pa em cũng có đi đó, anh có thấy không!
- Có thấy! À, Tà-Dnga dạo này đọc sách in thạo hơn trước chưa nào? Toán nhân hai con số, chắc làm giỏi hung rồi chứ?
Tà-Dnga cúi đầu, e thẹn.
Hai người chậm bước đi ra bờ suối. Huy mở cái xắc đeo bên hông, rút ra một cuốn sổ con có bìa và gáy cứng, một cây bút chì xanh đỏ đưa cho Tà-Dnga:
- Tà-Dnga nầy! Ở đồng bằng lên chả có gì, tôi mua tặng Tà-Dnga vật nầy làm quà Tết đây!
Tà-Dnga ngước nhìn Huy, ngập ngừng một lát rồi đưa tay cầm lấy, hai hàng mi từ từ sập xuống:
- Ô! Anh tốt với em quá! Em thích cái chì xanh đỏ nầy lắm thôi!
Tà-Dnga nhẹ nhàng lật bìa cuốn sổ, reo lên như trẻ con:
- A úi! Có hình cụ Hồ nầy! Đẹp quá! Thích quá! Huy cười. Tà-Dnga cũng cười. Mưa mùa xuân từng sợi nhỏ như tơ nhện bay lăn tăn trên mặt hai người. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng người đằng sau vẳng lại. Hai người im lặng, không biết nói câu gì thêm nữa. Ngoài rừng, hoa “piar” nở trắng xóa như tuyết.
Miền núi V.Linh mùa xuân 58
H.N
(TCSH116/10-1998)
--------------------
(1) Một dụng cụ giống như cái gùi (tiếng đồng bào Thượng miền núi Trị Thiên)
(2) "Pa": cha, bố.
(3) Tiếng xưng hô thân mật đối với người trẻ tuổi hơn.
(4) Đồ dùng để gánh nước.
* Lời tác giả:
Bốn mươi năm đã trôi qua... Tôi xin lỗi vì không còn nhớ rõ cái nào viết trước, cái nào viết sau; song chắc chắn đây là một trong những truyện ngắn đầu tiên trong cuộc đời cầm bút. Bấy giờ tôi đang ở trong quân ngũ bộ đội sư đoàn 325; những ngày được nghỉ tôi thường dành hết cho việc đi đây đó. Truyện ngắn này được viết trong một dịp lang thang cùng mưa rừng gió suối ở miền tây Vĩnh Linh, trong một góc nhà sàn đồng bào Vân Kiều.(Truyện được in trên VNQĐ Số 2 - 1959).
...Giờ đây, những cần rượu cong vút, những ánh lửa bập bùng như đang nhảy múa trước mắt tôi... Và ngoài bìa rừng, cùng với hơi xuân rón rén, hồi hộp... đang về, những cành hoa lau (piar) bình dị và thủy chung như lòng người dân PaKô bỗng nở đều một loạt, trắng xóa...
H.N
(TCSH116/10-1998)