VIỆT HÙNG
Một giọt nước vẫn chỉ là một giọt nước, có nghĩa nó không thể làm cho người đang khát trở nên đỡ khát hơn. Cũng như không thể làm cho luống đất khô cằn bỗng trở thành ẩm ướt. Nhưng nhiều nhiều giọt nước sẽ biến thành ao hồ, biến thành dòng sông, biến thành biển cả...
Ở thời đại văn minh như bây giờ, nói đến đô thị chẳng ai không nghĩ đến điện và nước máy. Đã có chúng rồi ắt phải có những chiếc đồng hồ để đo mức độ sử dụng của con người. Đã bao giờ bạn làm cho chiếc đồng hồ đo nước của mình ngừng chạy mà vẫn có nước dùng? Đó là hiện tượng "Tí tách giọt nước rơi".
Vẫn là những câu chuyện xoay quanh trong đô thị. Chung cư nọ được gọi là chung cư nhỏ giữa một thành phố không lớn. Dẫu nó không lớn thì vẫn phải có nước máy sinh hoạt. Cuộc sống của các gia đình trong chung cư êm ả trôi, mặc dù thỉnh thoảng cũng có lời qua tiếng lại, trẻ em gây gổ nhau... Nhưng vẫn được coi là êm đẹp. Họ cũng có những chiếc đồng hồ đo nước. Đồng hồ của họ vận hành bình thường, đều đặn, mỗi tháng tính tiền với nhà nước một lần. Nếu cứ bình thường như vậy thì chẳng có gì để nói nữa rồi. Sự bất thường xuất hiện vào một buổi chiều quanh rổ ốc luộc, cái rổ ốc luộc như mọi buổi chiều khác của các bà, các chị rảnh rỗi ngồi tán đủ thứ chuyện bao đồng. Thôi thì hết lên rừng lại xuống biển, chẳng thiếu gì chuyện họ không sẵn sàng đưa vào làm chủ đề chính trong từng buổi nhàn đàm “bổ ích và lý thú”. Nào là cô A. chửa hoang; anh B. đánh vợ vào lúc nửa đêm; ông X. gần bảy mươi tuổi vẫn còn thích "mèo mỡ"; bà Y. không chồng mà đông con, tối tối vẫn lén con cái để hẹn ông K. ở công viên, nơi chỉ dành cho đôi lứa tuổi hai mươi, vân vân và vân vân... Vậy là rõ ràng những câu chuyện của họ chẳng mấy khi ăn nhập đến rổ ốc. Rổ ốc vơi đi. Rổ ốc gần hết mà chuyện của họ vẫn say sưa. Họ rôm rả lắm. Những câu chuyện tếu táo. Những câu chuyện giật gân đủ các cỡ. Thậm chí giới mày râu đi qua lắm lúc phải ngứa miệng chêm vào "Đúng, thằng B. nó đánh vợ hiểm lắm, đánh bằng loại dùi cui đặc biệt. Ấy, không nghe vợ nó kêu đau mà chỉ rên ư ử. Úi dào, nghe mà não cả lòng..." - "Này cái anh kia. Đừng có xen vào chuyện đàn bà" - họ sẵn sàng phản công lại ngay. Họ vênh mặt tự hào, thế chứ còn hơn cánh đàn ông chán! Các cha cứ rảnh rỗi là mò ra quán rượu. Vừa tốn lắm tiền, vừa hại sức khỏe, nói năng thì lè nhè, thỉnh thoảng còn to tiếng với nhau nữa chứ! Thật là bọn người vô tích sự. Cứ như chúng tôi đây, lấy chuyện gẫu để giải khuây, vừa thú vị, vừa sảng khoái, về ăn cơm thêm ngon miệng...
“Này, cái nhà chị Cạn dùng nước ào ào không thua ai, thế mà tháng vừa rồi hết có 2,1 khối" - một người lên tiếng chuyển chủ đề sinh hoạt. “Thế những tháng trước nó dùng hết bao nhiêu?” - “Ít nhất cũng chục khối, có tháng đến mười lăm, mười bảy”. - “Tao thấy con cái nó ăn trắng mặc trơn lắm!" - “Ừ đúng, chúng tắm giặt suốt ngày, quần áo phơi đầy ban công”. - “Tao còn thấy...” - “và tao cũng thấy...” Rõ khổ cho cái nhà chị Cạn hôm ấy bị họ đem ra mổ xẻ. Dứt khoát là có chuyện mờ ám rồi! Họ chụm đầu lại với nhau thì thầm quan trọng. Một bà vỗ đùi đánh “đét” “phải mở cuộc điều tra”. Họ bắt tay nhau. Họ xắn tay áo như các võ sĩ sắp bước lên võ đài. Nhưng rồi chẳng ai quên nhiệm vụ của mình là phải nhón những con ốc thật to. Cho đến khi rổ ốc chẳng còn con nào mà họ vẫn níu nhau lại thì thầm nhỏ to, thề quyết ăn tươi nuốt sống nhà chị Cạn.
Buổi chiều tiếp theo chủ đề sinh hoạt được chuyển sang nhà anh Thoái. Hình như họ quên hẳn những lời thề thốt chiều qua. “Cái thằng cha chuyên đời tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Hôm trước tao thấy nó sai con khuân lên nhà mấy chục chai bia. Khiếp, bụng với ruột đâu mà chứa kinh thế!” - “Tao cũng thấy một lần, rõ là cái thứ bợm nhậu”. - Họ ám chỉ anh Thoái. Kể ra anh Thoái thỉnh thoảng cũng có lôi bạn bè về nhà chén chú chén anh, nhưng không thường xuyên như họ suy luận. Mỗi lần bạn bè kéo đến, người góp dăm chai bia, người vài đĩa mồi, thế là nó thành số nhiều. Vậy mà, có phải ai cũng hiểu cho anh thế đâu! “Cái thứ nhà báo gì mà chỉ khoái ăn nhậu” - Họ bắt đầu tấn công đến “phạm trù đạo đức” của anh. “Ừ, nhà báo tiền đâu mà uống dữ thế!” - “Nghe bảo anh ấy là nhà báo có tiếng đấy, đã từng bênh vực bao nhiêu vụ oan trái” - một tiếng nói bảo vệ anh Thoái làm cho không khí bỗng trầm hẳn xuống. “Tớ nghe nói anh ấy đi đâu cũng được người ta kính trọng” - “Cho là như thế đi, nhưng mà không thể chấp nhận cái thứ nhà báo hay nhậu nhẹt”. Rõ khổ, ở cái xóm này, thấy một người uống một lúc hết khoảng 3 chai bia họ cho là chuyện động trời, là không đứng đắn. Anh Thoái cũng thuộc số người bị lời ra tiếng vào bởi “can tội” có lần uống nhiều bia. Hôm ấy, chủ đề anh Thoái xem ra không được hào hứng lắm, vì có kẻ chê, lại có người khen. Nhưng cũng không vì thế mà rổ ốc bị ế ẩm.
Buổi chiều tiếp theo nữa, chẳng ai nhắc đến anh Thoái. Chủ đề mới của họ là chuyện yêu đương của cô Lời - “Đồ cái con bé đỏng đảnh chuyên môn hẹn người yêu ở chân cầu thang”. - “Yêu đương gì mà cứ rình rập nhau trong bóng tối”. - “Rõ là con gái hư hỏng, chuyên lựa chỗ vắng người để cầm tay, xoa đầu nhau...” - “Ối, có hôm tôi rình, thấy chưa đầy dăm phút mà chúng hôn nhau đến tám lần, mà lần nào cũng cũng mê ly và dài vô tận”. Bà này vừa nói vừa dang hai tay đụng cả vào mặt bà bên cạnh - “Ừ, mà cấm nghe nói với nhau lời nào, chỉ độc thấy hôn. Khiếp, tài thật, chẳng hiểu nó thở vào đâu...” - “Úi dào, ăn nhầm gì, thời trẻ của tôi ấy à...” - “Này ông kia, cấm xen vào chuyện đàn bà”. - “Thời trẻ của tôi ấy, một phút tôi phải hôn người yêu đến năm chục cái là ít. Thế mà vẫn cứ thấy thòm thèm”. - “Ông kia, biến ngay!” - “Không tin bà cứ lại đây, tôi thử cho mà xem, dẫu già chứ còn phong độ chán”. - “Đồ ông già mất nết. Lại đi nốc rượu về chứ gì?!” - Bà này đứng dậy, một tay chống nạnh, một tay xỉa xói. Nhưng ông già không sợ - “Bà bảo chúng đem nhau ra chỗ cột điện sáng mà hôn à? Nó đứng trong tối bà còn đếm được huống chi nó ở chỗ sáng...”. Bà béo tức điên, dậm chân phành phạch để đuổi ông già. Ông già không thèm nói nữa, lẳng lặng quay lưng bỏ đi. Cuộc khẩu chiến kết thúc. Buổi tâm sự của họ cũng mãn cuộc bởi rổ ốc đã hết veo.
Đúng một vòng chu chuyển 30 ngày, chủ đề nhà chị Cạn được lặp lại quanh rổ ốc. “Tháng này nó vẫn chỉ dùng hết có 2,1 khối nước”. - “Tài thật, nó tiết kiệm kiểu gì mà hay nhỉ?” - “Không thể bình thường được nữa, dứt khoát có sự gian lận”. - “Phải mở cuộc điều tra”. - “Đúng phải điều tra”. - “Đúng!” và “Đúng!...” Họ lại bắt tay nhau thề quyết ăn tươi nuốt sống nhà chị Cạn. Nhưng mới chỉ ngày sau họ đã chuyển chủ đề sang ông “Tít-phờ-lờ” nào đó đã sáu mươi tuổi bỗng dưng đi nhuộm tóc. “Ông ta định cưa sừng làm nghé. Thật là quái quỷ”. - “Nghe bảo lại sắp cưới vợ nữa chứ! Rõ là không tài nào chịu nổi”. Vân vân và vân vân... Chao ơi, khổ cho cái ông “Tít” nào đó, vợ ông chết, ông lấy vợ khác là quyền của ông, còn tóc ông, thích thì ông nhuộm, ông có nhuộm tóc bà A hay bà B đâu. Vậy mà họ vẫn đem ông ra mổ xẻ. Ấy thế giả sử thời tóc còn xanh, ông ngẵng đời đi nhuộm cho trắng thì cũng không thể yên với họ.
Lại 30 ngày nữa trôi qua. Chủ đề nhà chị Cạn được lặp lại, bởi nhà chị này vẫn chỉ dùng hết có 2,1 khối nước trong tháng. Mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm cần phải giải quyết. Lần này thì họ ầm ĩ hơn trước nhiều. Họ phân công nhau "làm việc". Mà họ làm thật. Sau khoảng 3 ngày, nhân viên nhà máy nước về tháo đồng hồ nước nhà chị Cạn đi kiểm tra. Đồng hồ vẫn chạy đúng, không có gì nghi vấn. Thế là lại thêm một chủ đề mới cho buổi nhàn đàm quanh rổ ốc hào hứng hơn - “Thằng cha nhà máy nước thông đồng với con mẹ Cạn.” - “Dứt khoát nó ăn hối lộ của con Cạn” - “Đúng, càng thêm mờ ám.” - “Này, đừng vội kết luận người ta.” - “Đừng vội cái gì, phải kiện tiếp, kiện lên cấp có thẩm quyền cao hơn.” Họ bắt tay nhau riết róng. Họ hùng hổ thề thốt. Tưởng chừng họ sắp viết đơn kiện lên đến Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vẫn không ai quên nhiệm vụ của mình là phải nhón những con ốc thật to. Rổ ốc hết, và “cuộc chơi” của họ cũng kết thúc ngang đó.
Ngày hôm sau họ chuyển chủ đề sang anh Tài độc thân vui tính, có em út quây quần đông đúc. Nội chuyện độc thân của anh Tài cũng đủ làm họ say sưa. Tưởng chừng có thêm một rổ ốc nữa thì chuyện anh Tài vẫn cứ được hả hê luận bàn. “Cái thằng lầm lỳ thế mà khiếp, hôm giáp tết tao thấy em út lũ lượt đến tìm nó; em nào cũng cưỡi xe máy sang trọng, vàng đeo đầy mình”. Anh Tài cũng thuộc dân bợm nhậu, nhưng khôn hơn người khác, anh chuyên đi nhậu ở xa và lại có biệt tài ký nợ với các người đẹp. Ngày giáp tết, các chủ nợ xinh đẹp tìm về quyết toán tài chính với anh. May cho anh là cái chuyện nợ nần ấy hàng xóm chẳng hay biết, chứ không thì cũng rách việc lắm.
Lại thêm 30 ngày trôi qua. Nhà chị Cạn vẫn chỉ dùng hết 2,1 khối nước trong tháng. Gay rồi đây. Sao lại có sự trùng lặp đến lạ kỳ ở con số 2,1? Quanh rổ ốc, cuộc thảo luận của các bà các chị sôi nổi đến độ ồn ào. Lần này thì họ ra hẳn một "chương trình hành động" cho Hội. Trong lúc chờ đợi cơ quan có thẩm quyền cấp cao về tháo gỡ, không được bỏ phí thời gian, phải phân công nhau phối hợp "tác chiến". Thế là các nữ thám tử ra quân. Họ thay nhau rình rập suốt ngày quanh nhà chị Cạn (trừ thời gian ngồi bên rổ ốc). Mọi phát hiện gì mới mẻ phải kịp thời cấp báo cho thủ lĩnh, tức là bà béo hôm trước cãi nhau với ông già về chuyện hôn hít của cô Lời. Mấy đứa con chị Cạn nơm nớp lo sợ bởi chẳng hiểu vì sao hàng xóm cứ rình rập nhà mình. Chẳng lẽ cha mẹ mình làm gì khuất tất? Người lạ đến chơi cứ ngỡ nhà chị Cạn chứa hàng quốc cấm, hay chí ít cũng là một Hội "kín" nào đó thường họp hành ở đây.
Lại 30 ngày trôi qua. Các nữ thám tử vẫn làm việc cật lực. Nhưng cũng không phải vì thế họ quên đi rổ ốc luộc buổi chiều. Chẳng hiểu họ phát hiện được gì mà bỗng một thành viên tự ý ly khai khỏi Hội ốc, bởi đồng hồ nước nhà chị này tháng ấy cũng dừng lại ở con số 2,1. Tháng tiếp theo thêm hai gia đình nữa có đồng hồ cũng dừng ở con số 2,1. Trong đó có một gia đình mà chủ hộ thuộc thành viên Hội ốc luộc. Rồi tháng tiếp theo nữa, Hội này mất đứt thêm hai người. Bà béo chủ Hội tức điên, hai tay nắm lại vung lên trời thề quyết không đội trời chung với quân phản bội. Thời gian ấy, không khí sinh hoạt của chung cư thật căng thẳng. Những nhà có đồng hồ nước dừng ở con số 2,1 hàng tháng họ vừa phải lo đề phòng sự phản công bất ngờ của Hội ốc, lại vừa phải dè chừng lẫn nhau mà chưa dám tạo một sự liên kết đối kháng. Tất cả đều im lặng để tận hưởng kết quả của “phát minh vĩ đại” nọ. Nhà chị Cạn luôn nhắn nhủ con cái không được phơi phóng quần áo quá lộ liễu. Nhà ông Lãi thì cấm con cái không được xối nước ào ào. Nhà anh Đầy, rồi nhà bà Nông đều suốt ngày khép kín tất cả các cửa...
Trong lúc Hội ốc xem ra càng suy yếu, sinh hoạt rời rạc hẳn, vì chỉ trong tháng tiếp theo nữa có thêm 3 thành viên âm thầm ly khai Hội, không tuyên bố lý do. Bà béo thủ lĩnh bấy giờ chẳng còn dám to mồm huênh hoang, bởi trong tay bà chỉ còn một người giúp việc. Và ngay tháng sau, chính bà béo cùng người giúp việc cuối cùng đã lần ra và tự nguyện đi theo con đường của các thành viên kia. Hội ốc tạm thời tan rã để chuẩn bị cho bước phát triển mới.
Đã tới lúc mà, hầu hết các đồng hồ nước trong chung cư đều dừng ở con số 2,1 khối nước tiêu tốn trong mỗi tháng. Tội nghiệp cho những con số thập phân, ngày xưa các nhà toán học vĩ đại sáng tạo ra nó liệu có nghĩ rằng, để hôm nay con người sử dụng vào những toan tính tầm thường như thế?! Chung cư trở nên yên ắng, ít khi nghe tiếng nước chảy ào ào, mà chủ yếu là những tiếng tí tách thật dịu dàng. Cả chung cư chỉ còn nhà anh Thoái và nhà anh Tấn là bị lạc lõng, bởi hai nhà này vẫn xài nước vô tư, thoải mái, mỗi tháng hết vài ba chục khối là thường. Anh Thoái thì chẳng hề để ý đến chuyện nước nôi, nhưng chị vợ anh cũng thuộc loại tinh nhanh đáo để, dẫu có bận trăm công nghìn việc chị vẫn dành được thì giờ để tìm hiểu điều “bí mật” ấy để kịp thời điều chỉnh đồng hồ nước nhà mình. Sau rốt là nhà anh Tấn. Nhà anh này đã cải tạo lại công trình vệ sinh giống như khách sạn và không cần bể chứa nước. Anh Tấn lập luận, vài chục khối nước mới bằng tiền dăm chai bia, cho nên nó chẳng nghĩa lý gì so với nhu cầu giải khát của anh. Song chị Tấn thì không chịu nổi sự thiệt thòi. Với lại điều quan trọng, chị cũng thèm nghe tiếng nước rơi tí tách, nó dễ chịu làm sao, khi đêm đêm ru con người vào giấc mộng. Chị Tấn quyết định sắm một lô chum vại về chứa nước trong cái nhà tắm hiện đại của mình, mặc sự phản đối quyết liệt của anh Tấn.
Thế là mọi việc trở lại bình thường. Từ các căn hộ, tiếng những giọt nước tý tách rơi suốt ngày đêm. Nó thánh thót lạ kỳ. Vào lúc thanh vắng, nếu ta lắng nghe, những giọt nước rơi chênh nhau trong khoảng khắc tạo nên vô số âm thanh phức hợp, lúc bổng, lúc trầm, lúc ngân nga tha thiết, hoành tráng như một bản đại hợp xướng của núi rừng thiên nhiên.
Phải chăng sau cuộc “chinh phạt” của Hội ốc, thế quân bình đã được hình thành trong chung cư. Bằng sự gian lận, họ tạo nên một thứ bình quân chủ nghĩa mới, chẳng còn ai tị hiềm ai về khoản nước nôi nữa; và ai thiệt thì thiệt, miễn tập thể nhỏ của họ không thiệt là được.
Chiều chiều quanh rổ ốc các bà các chị lại riết róng bắt tay nhau thể hiện tình đoàn kết thân ái. Những câu chuyện tếu táo lại được đem ra để mua vui; song nó không chỉ loanh quanh trong chung cư nhỏ bé mà được mở rộng tầm nhìn đến những chân trời Đông, Tây xa lắc xa lơ. Họ tỏ ra hiểu biết nhiều lắm lắm! Nào là ông Tổng thống nọ hay ngoại tình, nữ minh tinh màn bạc kia có 9 đời chồng; nào là một ông Tướng của nước “ích xì” nào đó có nhiều bồ bịch em út, vân vân và vân vân... Quanh những câu chuyện của họ thì chẳng có nhân vật nào là tốt, bởi họ quen nhìn đời qua “lăng kính màu đen” nên chỉ thấy cái xấu của mọi người. Những câu chuyện gẫu giải khuây “vừa bổ ích vừa lý thú” của họ thường đụng đến nỗi khổ tâm, dằn vặt của người khác. Họ không cần biết điều ấy. Nói chung họ chẳng thích khen ai ngoài bản thân mình. Chao ơi, biết làm sao nhỉ? Kể ra họ cũng có thể làm được nhiều việc to tát đấy, nếu trong đầu óc họ không bị quẩn quanh với những ý nghĩ tủn mủn.
Huế, tháng 4 - 1998
V.H
(TCSH115/09-1998)