NGUYỄN KHẮC PHÊ
Thoạt nghe tên sách “Người lính đào hoa” và đọc qua mấy chương đầu đã thấy rất nhiều mối tình đan chéo nhau giữa Kiêu, Thục Phương, Phương Dung... độc giả có cảm tưởng tác giả chỉ mượn người lính làm đề tài để tải một chuyện tình éo le mà cũng dễ tầm thường, cả mấy trang đầu của tiểu thuyết với nhân vật xuất xứ không có gì đặc sắc (giáo viên trường Thương nghiệp), với những sự việc có thể nói là vụn vặt, cũng dễ làm người xem bớt hứng thú đọc hết cuốn sách dày trên 400 trang chữ nhỏ. Nhưng cũng như người lính vào trận, cuộc chiến sinh tử và hào hùng cuốn hút chẳng khác gì một cơn bão, từng trang, từng chương cuốn sách mỗi lúc một có sức thuyết phục người đọc.
Cho dù là “người lính’’ Hoàng Kiêu có số đào hoa, có nhiều mối tình cuồng nhiệt và thật là “tiểu thuyết”, người đọc chăm chú trên suốt 400 trang sách lại không chỉ vì những mối tình hấp dẫn đó. Chính là số phận người lính trong cuộc thử thách khắc nghiệt trước lửa đạn, trước sự sống chết, cùng những mối quan hệ phức tạp với đồng đội - trong đó có Láng, “vị” chỉ huy hám gái, hèn nhát và hám công - với người yêu và cả với kẻ thù đã khiến người đọc xúc động. Điều cần nói thêm là nhờ chất liệu phong phú, không né tránh sự thật, tác giả đã tạo nên được trong lòng độc giả những xúc cảm có nhiều cung bậc : yêu thương, căm giận, đau đớn, hồi hộp, khoái trá... đều có đủ. Những trận đánh ngút trời bom đạn và đầy chết chóc giữa những vùng chiến trường ác liệt nhất (Đường 9 Nam Lào và mặt trận Căm-pu-chia) được miêu tả đậm nét trên nhiều trang sách chứng tỏ tác giả có ý định và đã thể hiện khá thành công một tác phẩm nghiêm chỉnh về đề tài chiến tranh, chứ không chỉ mượn người lính để gắn những chuyện tình ngang trái. Người đọc quan tâm đến số phận Kiêu cùng đồng đội của anh trước hết từ nỗi lo lắng, hồi hộp và khâm phục các anh theo mỗi bước hành quân, theo mỗi trận đánh sinh tử đối với kẻ thù. Được biết, Nguyễn Việt từng khoác áo lính, tuy anh sớm phải rời quân ngũ vì bệnh tim, nhưng những chiến sĩ trong tiểu đội của anh ra mặt trận hầu hết không trở về đã là nỗi ám ảnh bao năm thôi thúc anh thể hiện chân dung chân thật của người lính với tất cả những hy sinh to lớn và tình yêu cao đẹp của họ. Vì thế, có thể nói, anh đã viết cuốn sách với tất cả tâm huyết và tình cảm thiêng liêng như thực hiện di chúc của những người anh hùng đã khuất.
Có lẽ nhờ thế mà khi miêu tả rất nhiều mối tình trong “Người lính đào hoa”, Nguyễn Việt đã không chạy theo những chuyện giật gân, mùi mẫn nhằm chiều nịnh loại thị hiếu thấp hèn, tuy cuốn sách cũng có những trang miêu tả chuyện ân ái khá cuồng nhiệt; những mối tình của Hoàng Kiêu (và không chỉ của Kiêu, như mối tình của Hoài và Trang) được tác giả chú trọng miêu tả cốt để làm hiện rõ số phận và nhân cách người lính một cách toàn vẹn, để nhân vật hiện lên trang sách sinh động có đủ da thịt, chứ không là những bộ xương cứng ngắc chỉ biết tiến công và căm thù. Có những chi tiết thoạt tưởng như mâu thuẫn, phi lý, nhưng ngẫm kỹ lại là cách tác giả thể hiện chân thật con người. Đó là chuyện Kiêu trước ngày ra trận, khi ngủ cùng giường với người yêu mà vẫn tôn trọng, giữ nguyên sự trinh trắng của cô; nhưng ở chiến trường, qua hai ngày đêm đi cùng một cô giao liên, anh đã buông thả khi cô gái trao thân cho anh. Có thể sẽ có bạn đọc chưa thỏa mãn về tính cách của Phương : một người yêu đương nồng nhiệt sẵn sàng hiến thân cho người yêu khi ra trận, lại chung thủy chờ đợi anh trong mấy năm đi học ở nước ngoài; sau khi được gặp lại nhau, lại đã chung sống với nhau mấy ngày đêm, thì chỉ một thời gian ngắn xa cách, Phương đã chấp thuận lấy Dương Hòa, một bác sĩ mà cô khinh ghét để rồi bị hắn ghen tuông, dày vò đến nhục nhã! Chuyện Kiêu đột ngột lấy vợ rồi vợ tức thì rời bỏ anh có thể cũng không thuyết phục được tất cả bạn đọc. Tác giả chưa đủ sức hoặc chưa dành đủ trang lý giải những trạng huống tâm lý “bất thường” ấy, hay đó là sự cố ý để làm nổi bật chất “lính” và hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh? Cũng như tên cuốn sách và khá nhiều chuyện tình được miêu tả trong tiểu thuyết hình như không phải để nhằm câu khách, mà tác giả muốn để người đọc hiểu sâu thêm sự hy sinh cao cả của những người lính : cuộc đời thật đáng yêu và biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp yêu chiều anh, nhưng vì ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO của Tổ quốc, anh không tiếc tính mạng mình. Và chiến tranh, dù khốc liệt đến mấy, vẫn không thể giết chết được tình yêu! Cũng có thể nghĩ theo chiều ngược lại: những con người có phẩm cách như thế, cho dù không có số đào hoa, cũng có rất nhiều người yêu! Phải, chính là nhân cách cao đẹp đã khiến cho Kiêu có “sức hút” đối với rất nhiều cô gái. Chỉ cần so sánh thái độ Kiêu và bác sĩ Dương Hòa khi bất chợt thấy vết sẹo ẩn kín dưới mái tóc Lài đủ hiểu vì sao cô bác sĩ cứ mãi thầm yêu trộm nhớ Kiêu : một đằng, Kiêu đã đặt lên vết sẹo một cái hôn dịu dàng, đầy thương cảm của người lính; còn Hòa, dù muốn lợi dụng ve vãn Lài, nhưng những ngón tay anh khi quệt lên vết sẹo lại nhơn nhớt mồ hôi vì ghê sợ và thất vọng trước một sắc đẹp không toàn vẹn. Trước cả những con người đang tạm đứng về phía kẻ thù, như tay phị công Bằng và cô My Ly, lòng nhân ái bao dung cùng với sự dũng mãnh phi thường của Kiêu là “đôi cánh” nâng phẩm cách người lính lên cao, tạo cho Kiêu sức hấp dẫn hơn cả số “đào hoa” trời cho!
Tất nhiên, không phải sự dụng công nào của tác giả cũng mang lại hiệu quả. Như để nhấn mạnh thêm tinh thần can đảm trong chiến đấu của Kiêu, tác giả đã cố ý ban cho Kiêu tính sợ phải tiêm thuốc và sợ rắn! Các chi tiết này không được chuẩn bị, không có quá trình dễ trở nên giả tạo. Cũng có thể chưa thỏa mãn về kết cấu của tiểu thuyết ở phần cuối... Mặc dù vậy, “Người lính đào hoa” vẫn là một tác phẩm tốt viết về chiến tranh. Sau những tiểu thuyết điều tra hình sự xuất bản trong những năm 1988-1989 như “Đằng sau những hồ sơ chết”, “Gốc trầm hình sư tử”, “Con thú cùng đường”, “NGƯỜI LÍNH ĐÀO HOA” là một thành công mới đáng trân trọng của nhà báo - nhạc sĩ Nguyễn Việt.
Huế 9/1998
N.K.P
(TCSH118/12-1998)