Chiều ngày 7/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10, thông tin đến các cơ quan báo chí về Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm, dự ước thực hiện năm 2023 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, từ đầu năm đến 31/10/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 874,2 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 570 triệu USD, giảm 24,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 46.000 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ; Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 17,4%. Tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 76.200 tỷ đồng, tăng 2,5%, là mức tăng trưởng khá thấp so với cùng kỳ những năm trước; tỷ lệ nợ xấu 2,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 1,94% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch tiếp tục phục hồi tốt, trong 10 tháng đầu năm, tổng lượng khách ước đạt 2,6 triệu lượt khách, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 824 nghìn lượt, gấp 6 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 5.600 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 24.915 tỷ đồng, bằng 80,4% KH, tăng 9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 8.228 tỷ đồng, bằng 83% dự toán, bằng 63,3% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 22,8% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 19 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 5.070 tỷ đồng (gồm 06 dự án FDI vốn đăng ký 41 triệu USD), giảm 10 dự án so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 16 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư 2.548 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ,...được tập trung chỉ đạo. Trong 10 tháng đầu năm, đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội lớn để kích cầu du lịch; tiếp tục chú trọng triển khai các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là đã tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đưa huyện A Lưới thoát huyện nghèo Quốc gia vào cuối năm 2023. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Đã xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương.
Năm 2023, UBND tỉnh tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ngày 09/10/2023, hồ sơ quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thông qua (có chỉnh sửa); ngày 20/10/2023, đã trình HĐND tỉnh thông qua; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV đã được trình Bộ Xây dựng thẩm định; theo kế hoạch thì các quy hoạch, đề án trên sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý IV/2023. UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các Sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2024. Hiện đang tập trung triển khai lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; tiếp tục hoàn thiện Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”. Ngoài ra, đã phối hợp với Tổng Cục Thống kê hỗ trợ điều tra bổ sung và thu thập thông tin, rà soát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh để hoàn thiện các quy hoạch, đề án nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ.
Trong năm 2024, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2024. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh. Đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng sống của người dân. Đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án: Hoàn thành các đề án quan trọng: Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; Đề án Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế; Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: Huế - điểm đến của 5 di sản thế giới, Huế - Kinh đô của lễ hội, Huế - Kinh đô ẩm thực và Huế - Kinh đô áo dài. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Tập trung triển khai các giải pháp tạo đà, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là phát triển sản phẩm mới có tính đặc trưng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…
Nguyên Phương