Tạp chí Sông Hương -
Hội thảo khoa học “Đề cương không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế”.
15:26 | 06/12/2023

Sáng ngày 08/12, tại Thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “ Đề cương không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế”.

Hội thảo khoa học “Đề cương không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế”.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tặng hoa chúc mừng 05 năm ngày thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Tham dự có đồng chí  Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, đại diện các sở ban ngành cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chúc mừng Bảo tàng Mỹ thuật Huế nhân kỷ niệm 05 năm thành lập


Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Huế từng là Thủ phủ của xứ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn, là kinh đô triều đại Tây Sơn và Nhà Nguyễn - nơi hội tụ các lớp nghệ nhân tài hoa, mang theo trong mình những giá trị văn hóa tinh túy, đặc sắc nhất của cả nước từ khoa học kỹ thuật đến âm nhạc, kiến trúc, văn học, nghệ thuật... Trong dòng chảy chung của nền Văn hóa Huế, Mỹ thuật Huế hình thành và phát triển theo tiến trình lịch sử lâu dài và mang nét đặc sắc riêng của vùng đất Cố đô. Mỹ thuật Huế bao gồm mỹ thuật Cung đình triều Nguyễn và mỹ thuật dân gian cho đến những tác phẩm mỹ thuật hiện đại thể hiện sự sáng tạo vượt qua mỹ quan đơn thuần, mang hơi thở của từng giai đoạn phát triển của mỹ thuật Huế nói riêng, mỹ thuật Việt Nam nói chung. Mỹ thuật Huế đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam.
Từ năm 1957, Trường Đại học Nghệ thuật Huế ra đời, đã đào tạo nên nhiều thế hệ họa sĩ, điêu khắc gia có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền mỹ thuật Huế và khu vực miền Trung, Tây Nguyên - Việt Nam, thậm chí tên tuổi của nhiều người đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Huế là nơi hội tụ nhân tài và dành được tình cảm mến mộ của giới nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước và ở các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều hoạ sĩ, nghệ sĩ đã cống hiến những “đứa con” tinh thần cho Huế, góp phần phát triển nền mỹ thuật Huế; làm phong phú và đậm đà hơn bản sắc văn hoá địa phương.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy trao tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế


Hai nghệ sĩ lớn mang tầm vóc quốc tế là hoạ sư Lê Bá Đảng và Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị cũng đã chọn Huế để trao gửi những tác phẩm có giá trị thể hiện xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của hai nghệ sĩ để hình thành nên Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị - hai không gian trưng bày đã và đang được Bảo tàng Mỹ thuật Huế  quản lý và phát huy giá trị.

Để hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm mỹ thuật của 2 nghệ sĩ Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng Huế nói riêng, mỹ thuật cung đình Huế và nền mỹ thuật đương đại nói chung của Huế; Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế có 03 Không gian trưng bày:  Không gian trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi, thành phố Huế); Không gian trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (17 Lê Lợi, thành phố Huế) và Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật

Sau 05 năm thành lập đến nay (2018-2023), Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật (một trong ba Không gian trưng bày thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế) vẫn chưa hình thành. Vì vậy, Bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn và chưa thể đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực sưu tầm, trưng bày và quảng bá giá trị văn hóa nghệ thuật của Cố đô Huế nói riêng, của các dân tộc Việt Nam nói chung.

Trong thời gian qua, Lãnh đạo tỉnh và các Ban ngành rất quan tâm đầu tư kinh phí sưu tầm tác phẩm mỹ thuật cũng như tình cảm của các tổ chức, cá nhân trong việc hiến tặng tác phẩm mỹ thuật nhằm góp phần xúc tiến hình thành Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên vì không có trụ sở, cơ sở vật chất để tổ chưc trưng bày, nên những tác phẩm mỹ thuật Bảo tàng đã sưu tầm trong thời gian qua chỉ được lưu kho, bảo quản nên không thể phục vụ nhu cầu thưởng lãm, nghiên cứu, tìm hiểu của công chúng, du khách và những người đam mê, yêu thích nghệ thuật nhằm phát huy giá trị nghệ thuật các tác phẩm cũng như mang lại sự băn khoăn, trăn trở của công chúng, nghệ sĩ có tâm huyết, yêu mến nghệ thuật.

Vì vậy, xây dựng Đề cương trưng bày để tiến đến hình thành Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng; góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.      

Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu đề dẫn hội thảo


Tại hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận của 34 tác giả. Các đại biểu đã tập trung trao đổi về định hướng, quan điểm xây dựng nội dung trưng bày Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế); Trao đổi, góp ý cho Dự thảo Đề cương khái quát Nội dung trưng bày của Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế; Kiến nghị, đề xuất về nội dung và giải pháp trưng bày Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật (thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế); Các bộ sưu tập tác phẩm, các tác giả của từng giai đoạn lịch sử mỹ thuật được chọn lựa để đưa vào nội dung trưng bày.

Bên cạnh đó Hội thảo còn định hướng và giải pháp sưu tầm có hiệu quả các bộ sưu tập, hiện vật tiêu biểu để hình thành các nội dung trưng bày trọng tâm, mang tính đặc sắc của Bảo tàng mỹ thuật địa phương; Đưa ra các phương án và giải pháp thực hiện xây dựng nội dung trưng bày Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các hoạt động trưng bày, bảo quản, lưu trữ và phát huy giá trị các Bộ sưu tập của Bảo tàng…

Theo GS TS. Trương Quốc Bình, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Dự thảo Đề cương cần tách thành hai nội dung: “Đề cương trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Đề án xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế”. Về Đề án xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế, tác giả đề nghị nên lưu ý: “Cần nghiên cứu để tránh sự trùng lặp với nội dung của Bảo tàng cổ vật cung đình trong việc giới thiệu về sưu tập mỹ thuật cổ, trung đại. Do đó, nên cân nhắc những nội dung liên quan đến mỹ thuật Cung đình thời Nguyễn. Về địa điểm xây dựng Bảo tàng, tác giả kiến nghị đề xuất địa điểm trưng bày (đồng thời là trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Huế) nằm trên trục đường Lê Lợi, phía Nam thành phố Huế. Khu vực này phù hợp với không gian thực hiện tổ chức trưng bày tác phẩm mỹ thuật cũng như vị trí thuận lợi để quảng bá, phát huy công năng của Bảo tàng đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.     
   
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế  đề xuất: “Bảo tàng đầu tư in lại toàn bộ 154 bức tranh Lễ phục triều đình An Nam của Lê Văn Nhân, 145 bức tranh Kim Vân Kiều tân truyện, 530 bức tranh Lục Vân Tiên tân truyện của Bùi Đức Trạch thì Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã có ngay 829 bức tranh độc đáo dưới thời Vua Thành Thái; Bảo tàng cũng có thể tuyển chọn và đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh cho đưa các tác phẩm điêu khắc có giá trị ở công viên và hồ Thủy Tiên, Thuận An về Bảo tàng Mỹ thuật Huế thì chúng ta có ngay một bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc”.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhận định “Xây dựng Đề cương nội dung trưng bày là cơ sở cho việc xác định quan điểm nhận thức, quy mô và định hướng hoạt động cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế; là cơ sở cho việc tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các hạng mục công việc chủ yếu như nội dung sẽ được trưng bày, các giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật của Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật; những hạng mục công việc cần phải triển khai thực hiện để ra mắt Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật như: công tác nghiên cứu sưu tầm; số hóa tài liệu, hiện vật; bảo quản, tu sửa, phục chế; trưng bày; giáo dục, truyền thông; xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ trưng bày, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật… để hướng đến mục tiêu xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế trở thành thiết chế văn hóa có đầu tư khang trang, hiện đại; nội dung trưng bày đặc sắc và hấp dẫn, mang tính đặc trưng của Bảo tàng địa phương, đáp ứng với nhu cầu nghiên cứu, học tập và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Tại Hội thảo 


Ngoài những ý kiến đóng góp cho Dự thảo “Đề cương Nội dung trưng bày của Không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế” Hội thảo còn nhận được sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà chuyên môn về các giải pháp trưng bày của Bảo tàng.

Theo PGS TS. Phan Thanh Bình, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế đặt ra mấy vấn đề cần lưu ý đối với Bảo tàng: “Cần nắm bắt đầy đủ các văn bản pháp quy của Nhà nước quy định về việc sao chép nghiên cứu tranh của các danh họa; quy định về sao chép tác phẩm mỹ thuật theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tác giả cho rằng việc sao chép nghiên cứu lành mạnh nhằm để bồi bổ cho công chúng đặc thù về năng lực chuyên môn. Mặt khác, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng cần kiên quyết từ chối việc sao chép vô ý thức, thiếu tôn trọng tác phẩm, tác giả và vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của việc sao chép nghiên cứu”.

TS. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, UVBCH Hội Mỹ thuật Việt Nam - Chủ tịch hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đề xuất một số ứng dụng công nghệ vào công tác trưng bày như: “Số hóa dữ liệu tác giả, tác phẩm và hiện vật; Sử dụng công nghệ AR (Augmented Reality); Công nghệ Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (virtual reality- viết tắt là VR); Sử dụng máy chiếu mapping, biến các vật thể 3D thông thường thành màn hình tương tác; Sử dụng màn hình cảm ứng cho phép người dùng tương tác vật lý với màn hình để tìm kiếm nguồn dữ liệu họ quan tâm…”. 

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng “Việc ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động trưng bày để thu hút khách đang là xu hướng và nhu cầu tất yếu của các bảo tàng, qua đó tạo mối liên hệ mật thiết giữa bảo tàng với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam. Tác giả nêu lên một số gợi ý cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế: Xây dựng nội dung giới thiệu chuyên sâu về các hiện vật; Áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động giáo dục trải nghiệm Phối hợp với các đơn vị công nghệ xây dựng những nội dung trên môi trường số  (hoạt động ảo, tham quan ảo, tham quan có cảm ứng âm thanh, ánh sáng…); Ứng dụng công nghệ số vào nội dung trưng bày; Ứng dụng công nghệ vào quy trình xử lý, bảo quản, bảo vệ hiện vật trong bảo tàng”….

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, Bảo tàng mỹ thuật Huế với tuổi đời còn non trẻ nhưng vị thế tên gọi và sự vươn lên không ngừng trong những năm qua đã góp phần phong phú, sống động đời sống mỹ thuật cố đô. Mô hình bảo tàng mỹ thuật Huế sẽ định hướng sưu tập và trưng bày đáp ứng mô hình bảo tàng mỹ thuật của thế giới nhưng những giá trị riêng có của mỹ thuật Huế từ dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo đến cung đình sẽ là những nét đặc sắc riêng có của bảo tàng mỹ thuật cố đô.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kỳ vọng, với quyết tâm mới bảo tàng mỹ thuật sẽ sánh vai cùng hệ thống bảo tàng, không gian nghệ thuật tỉnh nhà, không ngừng vươn lên vượt qua chính mình để vững bước vào giai đoạn mới, với tâm thế bảo tàng mỹ thuật của một đô thị di sản văn hóa hàng đầu Việt Nam.

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng