Tạp chí Sông Hương -
Hội thảo "Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hoá, hoạ sĩ Lê Văn Miến"
14:12 | 11/03/2024

Sáng ngày 11/3, Liên hiệp các Hội VHNT và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo nhân kỉ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hoá, hoạ sĩ Lê Văn Miến.

 Hội thảo "Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hoá, hoạ sĩ Lê Văn Miến"

Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu đã tập trung làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến cuộc đời hoạt động của danh nhân văn hoá Lê Văn Miến, làm rõ hơn những đóng góp của cụ trong các lĩnh vực hội hoạ, giáo dục, truyền thống yêu nước… 

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Hội thảo


Các nhà nghiên cứu đã làm rõ hơn về hành trạng cuộc đời của cụ Lê Văn Miến với tham luận “Lê Văn Miến – phẩm cách và tài năng”, tham luận “Đôi nét về họa sĩ Lê văn Miến ở huế đầu thế kỷ xx”, Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã xác tính thêm nhiều thông tin mới qua tham luận “Góp phần nghiên cứu về danh nhân Lê Văn Miến”…

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trình bày tham luận tại Hội thảo


Các tham luận cũng đã khẳng định những đóng góp cho nền hội hoạ Việt Nam và Thừa Thiên Huế như tham luận “Lê Văn Miến người hoạ sĩ Tài danh”, tham luận “Những tác phẩm chân dung của hoạ sĩ lê Văn Miến”, tham luận “Họa sĩ Lê Văn Miến – xứng đáng được tôn vinh là ông tổ nghề của giới mỹ thuật Thừa Thiên Huế”…

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc phát biểu tham luận


Về các vấn đề liên quan đến di sản cụ Lê Văn Miến để lại, các tham luận đã đưa ra ý kiến như “Bảo tồn di sản về hoạ sĩ Lê Văn Miến”, “Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lăng mộ”…

Trong hội thảo này, các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình mỹ thuật đã thống nhất xác định danh xưng danh nhân văn hoá Việt Nam đối với cụ Lê Văn Miến; xác định hoạ sĩ Lê Văn Miến là ông tổ ngành sơn dầu của hội hoạ Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế trình bày tham luận tại Hội thảo


Trên cơ sở các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo, Ban tổ chức sẽ đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Việt Nam có những tác động để các bộ ngành Trung ương quan tâm để có những ứng xử xứng đáng với tầm vóc và những đóng góp của danh nhân văn hoá, hoạ sĩ Lê Văn Miến.

Cụ Lê Văn Miến sinh ngày 13 tháng 3 năm Giáp tuất 1874 tại làng Ông La, xã Kim Khê nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cuộc đời hoạt động văn hoá và mỹ thuật của cụ khá phong phú. Cụ được đưa sang học Trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris ở tuổi thiếu niên. Sau đó về nước đi làm báo, đi dạy học ở Vinh, vào Huế làm Hành tẩu Bộ Công rồi dạy ở Trường Quốc học Huế dạy Pháp văn và vẽ, được bổ nhiệm làm trợ giáo và được phong hàm "Hàn lâm viện thị giảng" trường Hậu Bổ, sau được thăng chức Phó đốc giáo và năm 1919 được làm Đốc giáo. Cuối cùng, năm 1921 Lê Văn Miến được cử làm Tế tửu Quốc Tử Giám và giữ chức vụ này đến lúc về hưu năm 1929. Ngày 6 tháng 6 năm 1943 cụ Lê Văn Miến qua đời. Lăng mộ của cụ hiện ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền.

Bức “Bình văn” Tranh của họa sĩ Lê Văn Miến


Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên đã du nhập kỹ thuật vẽ sơn dầu châu Âu vào Việt Nam.  Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Lê Văn Miến với bức tranh “Bình văn” là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội hoạ hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời.

Trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, cụ Lê Văn Miến đã lan toả từ tri thức, nhân cách, phẩm chất của người trí thức đến các thế hệ thành niên Việt Nam. Thuở nhỏ cụ đã được gia đình giáo dục thành người có lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Trong cuộc đời 69 năm của mình (1874-1943), Cụ đã dành trọn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục (1899-1929), cụ lãnh đạo và dạy học ở những ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất, nhì thời đó ở Việt Nam như Trường Pháp – Việt (Vinh), Hậu Bổ, Quốc Học, Quốc tử Giám (Huế)…Cụ Lê Văn Miến đã góp phần không nhỏ đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước như: Giáo sư Lê Thước, Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn… Đặc biệt là người học trò Nguyễn Tất Thành .

 

Nhiều nhà nghiên cứu về cụ đều có chung nhận định: “cuộc đời của Lê Văn Miến là cuộc đời một nhà giáo yêu nước khẳng khái, quan trọng hơn là cuộc đời một họa sĩ”. Sau khi cụ mất, các thế hệ học trò ở Huế đã vinh danh cụ qua bức hoành phi “Thế gian Sư” (Thầy của thiên hạ).

Năm 2005, tên của cụ đã được UBND thành phố Huế đặt tên cho một con đường lớn ở phường Tây Lộc trong thành nội Huế và ngôi mộ cụ bên dòng sông Ô Lâu được công nhận là di tích văn hóa. Mộ Cụ đã được công nhận Di tích văn hoá cấp tỉnh.

Đó là sự ghi nhận, vinh danh bước đầu của Đảng và Nhà nước và nhân dân ta đối với nhân cách tài năng của họa sỹ - nhà giáo Lê Văn Miến.
 

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng