Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, nhiều làng nghề mứt bánh đang hối hả làm ra sản phẩm phục vụ người tiêu dùng mùa tết.
Nghề làm mứt gừng Kim Long
Những ngày giáp tết, làng mứt gừng Kim Long nức tiếng ven sông Hương lại rực lửa suốt ngày đêm để cho ra lò những sản phẩm đậm phong vị xứ Huế.
Mứt gừng Kim Long sở dĩ nổi tiếng vì đây là làng ven sông, nguyên liệu làm mứt được mua về từ vùng Bằng Lãng, ngã ba Tuần sông Hương. Với nguyên liệu là gừng củ được lựa chọn khắt khe từ vùng gò đồi khô cằn phía thượng nguồn sông Hương. Từ đó, người dân Kim Long đã chế biến ra loại mứt gừng đặc trưng của vùng đất quê mình.
Muốn làm được mẻ mứt gừng thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, củ gừng được làm sạch, cạo vỏ rồi bào thành từng lát mỏng vừa tay, sau đó mang đi ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng. Tiếp đó, vớt ra rửa lại với nước sạch để ráo, bà con sẽ cân đo đong đếm lượng đường vừa đủ bỏ vào gừng. Tiếp tục đun sôi nước luộc gừng rồi thêm một ít chanh tươi vào. Nổi lửa lên rồi rim gừng với đường trên chảo lớn.
Công đoạn sên mứt gừng |
Ngào mứt gừng là công đoạn tốn nhiều công sức bởi người thợ phải canh rồi đảo gừng liên tục đến khi mứt gần sánh lại thì đảo đều tay cho tới khi đường thật khô và bắt từng lát gừng duỗi thẳng đặt chồng lên nhau từng lớp. Sau khi mứt gừng đã thẳng và khô thì cho vào thẩu thuỷ tinh hoặc túi bóng để bảo quản chất lượng được lâu ngày.
Qua bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, mứt gừng đã trở thành món ăn đặc trưng và là phần không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên vào dịp lễ Tết của người dân xứ Huế.
Cho ra thành phẩm và cung cấp đến tay người tiêu dùng |
Theo thời gian, nghề làm mứt gừng Kim Long vẫn được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Những lát gừng vàng óng, phủ lớp đường ngọt dịu, không chỉ là món ăn trong ngày Tết mà còn mang theo hương vị ký ức của người dân vùng đất Cố đô.
Cuối năm 2024 vừa qua, nghề mứt gừng Kim Long được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế) công nhận là nghề truyền thống của tỉnh.
Nghề làm bánh in
Mỗi dịp Tết đến người làng Kim Long (TP. Huế) lại nhộn nhịp bởi tiếng đập bột, in bánh... cho ra lò những chiếc bánh in ngũ sắc thật bắt bắt.
Bánh in hay còn gọi bánh cộ, bánh ngũ sắc là loại bánh truyền thống được người dân Huế nói riêng và dân Việt Nam nói chung dùng để thờ cúng, đãi khách trong những ngày lễ tết. Vào dịp tết trên bàn thờ của hầu hết các gia đình đều trưng bày loại bánh truyền thống này, đặc biệt là những gia đình có thờ ông địa.
Cho bột vào khuôn để tạo ra chiếc bánh in truyền thống |
Theo nhiều người dân trong làng, loại bánh này khi xưa được vua chúa dùng mỗi khi uống trà nên công đoạn sản xuất bánh rất phức tạp. Để chế biến bánh in, người làm phải tiến hành tuần rất nhiều công đoạn. Sau khi rửa sạch, đậu được đem hầm đậu, đánh nhuyễn. Đậu phải sạch thì bánh mới không bị hăng hay vón cục. Công đoạn khó nhất là nấu đậu với đường. Để bánh ngọt đều, đường cần nấu đến độ đặc quánh rồi với đậu nhừ theo tỷ lệ 1: 1.5. Điều này có nghĩa cứ 1kg đậu thì dùng với 1.5kg đường. Sau khi đảo đầu, người ta đặt hỗn hợp trên ngọn lửa liu riu đánh nhuyễn liên tục 4 tiếng. Công đoạn này được thực hiện liên tục đến khi trông đậu và đường mịn và nở thì coi như hoàn thành. Người thực hiệu đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để đậu được mịn đều, không bị vón cực hay màu loang lổ.
Những tháp bánh in rực rỡ để trưng bày ngày tết |
Kết thúc công đoạn đánh, đậu được phơi ráo 1 ngày rồi mới dùng khuôn in. Khuôn bánh hình chữ thọ được sử dụng phổ biến nhất. Bên cạnh bánh in đậu xanh chữ Thọ, bánh có rất nhiều chủng loại khác như bột huỳnh tinh, bột đậu quyên, bột đậu ván, hạt sen trần,…
Ngày nay, người chế biến có thể mua về bột làm sẵn, đường nấu sẵn để giảm bớt công đoạn. Tùy theo khẩu vị, họ sẽ gia giảm tỷ lệ và quyết định cho nhân hay không.
Ngoài ra ngày tết, người Huế còn gói bánh ít đen Huế, đây là một trong rất nhiều loại bánh truyền thống của xứ Huế và thường được dùng trong những ngày lễ tết. Trong bữa tiệc, bánh ít lá gai là món tráng miệng được nhiều người Huế ưa chuộng vì tính thanh, ngọt nhẹ và mùi thơm của lá gai.
Bánh ít đen Huế |
|
Bánh Phu thê Huế cũng không thể thiếu trong dịp lễ tết |
Phương Anh