Tạp chí Sông Hương -
Lễ đón bằng công nhận nghề làm bún Vân Cù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
14:23 | 19/02/2025

Sáng 19/2, tại thôn Vân Cù - Nam Thanh, xã Hương Toàn, UBND thị xã Hương Trà (TP Huế) tổ chức lễ đón bằng công nhận nghề làm bún Vân Cù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Lễ đón bằng công nhận nghề làm bún Vân Cù là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Nghề thủ công truyền thống - Nghề làm Bún Vân Cù cho UBND Thị xã Hương Trà

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ VHTT&DL về việc công nhận nghề thủ công truyền thống - nghề làm bún Vân Cù của làng nghề truyền thống Vân Cù (xã Hương Toàn) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đại diện lãnh đạo Thành phố Huế tặng hoa chúc mừng  (Ảnh: visithue)


Diễn ra trong hai ngày 18 và 19/02, chương trình đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bún Vân Cù với các hoạt động như: Lễ tế bà Bún, Lễ hội ẩm thực di sản bún Việt - Làng bún Vân Cù; Chương trình văn nghệ Tự hào di sản làng bún Vân Cù; Hành trình xe đạp về với miền thương Hương Toàn; Hành trình khám phá di sản làng bún Vân Cù, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương.

Đặc biệt, chương trình đã tái hiện lại nghề làm bún truyền thống của người dân làng Vân Cù, quảng diễn ký ức gánh bún ngày xưa của các mẹ, các mệ trên cánh đồng, đây là một trong những nét truyền thống của nghề làm bún Vân Cù, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng đến du khách và người dân.

Quãng diễn nghề làm bún Vân Cù tại chương trình


Vân Cù là làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử hơn 400 năm và là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề Bà Bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch.

Sở dĩ bún Vân Cù nổi tiếng là trong quá trình sản xuất, người làm bún không dùng bất cứ chất phụ gia nào trừ muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột nhằm làm sạch các tạp chất, khử khuẩn, khử chua. Đây cũng là lí do bún Vân Cù chỉ để được trong môi trường tự nhiên trong 24 giờ, nhưng cũng chính là lợi thế được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Trong đó, bún con – thành phẩm của mẻ nước đầu tiên khi luộc bún được khách hàng đánh giá cao nhất. Nhưng dù là bún con hay bún rời, đặc trưng của bún Vân Cù là sợi mịn, có màu trắng trong, bề mặt bóng, khi ăn không chua mà thơm mùi bột, không bở mà cũng không dai quá.

Quãng diễn ký ức gánh bún ngày xưa của các mẹ, các mệ trên cánh đồng


Hiện mỗi ngày, làng Vân Cù sản xuất từ 25-28 tấn bún, trong đó, trung bình mỗi hộ sản xuất và tiêu thụ 2 tạ bún/ngày, hộ nhiều nhất lên đến 6-7 tạ/ngày. Những dịp lễ tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần.

Bà Đặng Thị Hương – Chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết:  “Làng Vân Cù hiện có hơn 100 hộ làm bún trên với hơn 300 lao động thường xuyên và một bộ phận đáng kể tham gia vào các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây được coi là nghề phụ thì nay, nghề làm bún trở thành nghề chính, có hộ thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng”.

 

Nghề làm bún Vân Cù không chỉ là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trong làng mà còn là yếu tố phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa của cộng đồng nơi đây. Qua các sản phẩm bún thủ công, nghề này truyền tải những giá trị văn hóa, phong tục và tín ngưỡng độc đáo của người dân Vân Cù. Mỗi sợi bún, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, đều chứa đựng tâm huyết, tình yêu với nghề và lòng tự hào về truyền thống của làng nghề.

 

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài đã đăng