Tạp chí Sông Hương -
Mùa lễ hội trong mưa
15:13 | 12/03/2008
Khó có thể nói hết những cảm xúc lạ lùng bởi Festival Huế 2004 diễn ra trong mưa đem lại. Một Festival tiến hành trong bầu áp thấp nhiệt đới về sớm quả là lạ. Âm thanh cũng khác, sắc màu  cũng khác, và cái cách con người về với lễ hội nhìn nhau cũng khác, nó ẩm ướt hơn...Mưa Huế, với bao nhiêu cung bậc cảm xúc tự thân mà nó đã từng hào phóng đem cho, giờ nó lại mang đến cho nhiều người những khám phá mới-cái đẹp của mùa lễ hội trong mưa.... 
Mùa lễ hội trong mưa
Âm sắc Huế trong Festival Huế 2004

Khó có thể nói hết những cảm xúc lạ lùng bởi Festival Huế 2004 diễn ra trong mưa đem lại. Một Festival tiến hành trong bầu áp thấp nhiệt đới về sớm quả là lạ. Âm thanh cũng khác, sắc màu  cũng khác, và cái cách con người về với lễ hội nhìn nhau cũng khác, nó ẩm ướt hơn...Mưa Huế, với bao nhiêu cung bậc cảm xúc tự thân mà nó đã từng hào phóng đem cho, giờ nó lại mang đến cho nhiều người những khám phá mới-cái đẹp của mùa lễ hội trong mưa....
Bầu trời có lúc sũng nước, áo quần người về dự hội có lúc sũng nước mà tâm hồn người cứ thanh thóat như không. Sáng chủ nhật, 13.6, công việc đầu tiên ngay sau khi thức dậy của Nam Linh -một du khách từ thành phố Hồ Chí Minh- là mở cửa sổ khách sạn xem trời mưa hay tạnh. Trời lay phay mưa vẫn không làm Nam Linh nản chí. Hôm ấy theo chương trình lễ hội, tại làng Thủy Thanh sẽ tổ chức khai mạc “Chợ quê ngày hội”, mà một trong những động cơ để Nam Linh đến với Festival Huế lần này lại chính là cái chợ dân dã xa xưa này. Tôi nhận điện thoại của Linh lúc 7h30 sáng và biết mình nên...đi chợ với người con gái phương xa .
“Chợ quê ngày hội” năm 2004 có vẻ “xưa” hơn chợ quê năm 2002. Linh quả thật đã bị chợ quê chinh phục ngay từ đầu khi nhìn thấy một cụ già áo dài khăn đóng, tay che dù mà đôi guốc mộc cứ bám dúi trong bùn để đi vào đình chợ. Không khác chợ quê năm 2002 là mấy, song có lẽ cái mộc mạc chân quê, cái vẻ đẹp văn hóa dân dã của làng quê Việt Nam đã khiến ai cũng muốn chính mình tìm về, nhìn thấy để nhớ lại...ngày xưa. Thậm chí nói như Linh, để nhớ đất nước cái ngày em...chưa sinh ra ở trên đời. Ở đình chợ cũ, Linh xin được lần lượt xay, giã, giần, sàng. Khó quá! Vâng, những động tác dân gian ngày thường ấy không phải dễ. Ngay cả con gái lớn lên ở làng quê bây giờ không khéo cũng có nhiều cô không biết xay, giã, giần, sàng là cái gì, nó ra làm sao. Cô du khách nhỏ của tôi cứ ngỡ ngàng đội mưa xem đủ thứ: đan lát, chằm nón, cất rớ, câu cá, tát gầu sòng, đua ghe...Và cả...ăn nữa. Linh ngồi trên cái ghế tre trong hàng quán nước chè dân dã để lột lá thưởng thức cái chất mộc mạc của bánh ú, bánh lọc... “Em có cảm giác mình như ngập cả người vào giữa những ngày xưa”-Linh nói. Buổi chiều, Linh đưa cho tôi một trang đánh máy: “Guines chợ quê Thủy Thanh của Linh đấy!”. Tôi đọc: Món ăn ngon và rẻ nhất: khoai luộc và nước chè Thủy Thanh. Trò chơi được các cụ mê nhất: bài chòi. Nghe đâu đã có hai hội chơi rồi, nhưng các cụ tham gia đông quá phải phát sinh thêm hai hội bài chòi nữa. Hai hội bài chòi này không cần lều, chỉ cần hai dãy ghế, vậy mà các cụ vẫn...chơi luôn. Đồ chơi trẻ con mê nhất: tò he. Trò chơi được nhiều người tụ tập nhất: đua ghe. Công cụ làm nông đẹp và lạ nhất: xe đạp nước. Dụng cụ đa năng nhất được trưng bày: cái mủng-đồ dùng đan bằng tre nhưng nhỏ hơn cái thúng. Có thể dùng nó đựng gạo, song cũng có thể mang đi chợ, mua tập vở cho trẻ con cũng có thể đựng trong cái mủng cùng với các thứ rau cá mua ở chợ...Tôi nhìn Linh, chao ôi, đi du lịch mà tìm hiểu tỉ mỉ được đến thế thì quả là đáng kính nể! Linh cười: “-Tại cái chợ quê hớp hồn em chớ bộ”. Chợt Linh giật phắt tờ giấy guinnes trên tay tôi:-“Em còn thiếu một thứ nữa, âm thanh hay nhất ở chợ quê là nghe điệu hò xay lúa trong mưa mà các dì ở Thủy Thanh đã hát ”...Tôi chợt nhớ hình ảnh cô gái đứng trân người trước cái cối xay lúa quay vòng vòng bởi hai người phụ nữ kéo, và giọng hò của họ bắt nhịp với những vòng quay...
***
Linh nói đúng. Người xưa nói, nghe nhạc nên nghe trong ngày mưa, bởi lúc đó âm thanh như cô đọng lại. Đêm khai mạc Festival Huế 2004, GSTS Trần Văn Khê nói rằng: trong cuộc đời nghiên cứu âm nhạc của mình, chưa bao giờ ông được nghe Nhã nhạc dưới mưa như đêm đó. Âm thanh nghe nó lạ lắm. Nhiều người cũng đã không giấu diếm cái cảm giác lạ lùng khi lần đầu được nghe Nhã nhạc được trình bày một cách hòanh tráng và trang trọng dưới làn mưa xứ Huế. Đó quả là một sự kết hợp lạ lùng của đất trời xứ Huế. Bởi vì rằng phải chờ cho đến khi Festival Huế TÔN VINH NHÃ NHẠC, trời mới mưa cho người ta nghe thấy hồn nhạc của cha ông xưa. Mưa vừa đủ, mưa nhỏ thôi, đủ cho mọi người yên lòng để nghe cái nhạc chính thống nó khác xa cái tục nhạc xô bồ như thế nào. Cho đến khi lễ khai mạc vừa xong, mưa mới làm phận sự báo hiệu cơn bão số 2 đang đến, trút xuống ào ào, ngập đường ngập sá, ngập ruộng ngập đồng...Nhiều người ngạc nhiên, bởi vì trong lúc cả miền Trung ảnh hưởng cơn bão số 2 nặng nề, thì hình như trời có “thương” xứ Huế, dành cho Huế một khoảnh khắc một tiếng rưỡi mưa nho nhỏ, đủ để mang lại cho bao trái tim yêu Huế những xúc cảm tuyệt vời trong đêm khai mạc. Nhiều người cho đó là sự đồng cảm của đất trời với khát vọng cháy bỏng xây dựng thành phố Festival đặc trưng của Huế. Tôi tin là điều đó đúng.          ***
Mưa Huế làm cho Festival giàu cảm hứng hơn. Họa sỹ Lê Bá Đảng trong một sáng sau cơn mưa ngồi uống nước với chúng tôi bên sông Hương bỗng nói rất nhiều về mưa và nước. Hôm đó cùng ngồi với ông còn có nhà văn trẻ Xuân Hòang-bạn tôi. Câu chuyện thật là dài, vắt từ Tây sang Đông. Chuyện những ngày ông còn trẻ kiếm sống bằng cách vẽ tài tử trên gan bàn chân ở Paris . Sở dĩ phải vẽ như thế để khi cảnh sát xuất hiện, chỉ việc úp bàn chân xuống đất là xong, không ai biết có kẻ ngồi vẽ kiếm tiến trên vỉa hè. Chuyện cái áo ông đang mặc là tác phẩm của chính ông tự thiết kế. Cái áo màu xanh da trời, kiểu sơ mi nhưng lại có cái túi ngay giữa ngực. Ông có lý do để làm việc đó, bởi theo ông, nó làm cho “thời trang” của ông không “đụng hàng” với bất kỳ ai. Ông trao tôi một tờ danh thiếp do tự tay ông làm, có hình trái tim, viết tên và số điện thoại, cùng địa chỉ email bằng tay:-“Cái này cũng không giống ai hết”. Ông nói làm cho Hòang và tôi bật cười. Rồi ông kể chuyện ông vẽ những dấu chân Giao Chỉ, làm những hạt lúa khổng lồ hay làm cả một không gian Lê Bá Đảng danh tiếng ở trời Tây… Bây giờ con người ấy đang ngồi để có những mơ ước bên dòng sông Hương. Ông nói ông muốn làm một triển lãm tranh dưới nước dọc bờ sông Hương. Đó quả là một ý tưởng độc đáo của một họa sỹ vốn đã quá nổi tiếng khắp thế giới về sự độc đáo. Thì những bức tranh áp phích (phải gọi là những bức tranh bởi chính nó cũng là một nghệ thuật) quá đẹp của triển lãm tranh “Mùa xanh muôn một” của ông treo trên hàng cây dọc đường Lê Lợi cũng chính là một trong những biểu hiện độc đáo của Lê Bá Đảng, đầy tính chất Lê Bá Đảng. Tôi cũng đã nhiều khi đứng lại trong mưa nhìn ngắm những du khách tản bộ trong mưa rồi đứng yên dưới những tán cây để xem những tấm áp phích xanh có dòng chữ: “Mùa xanh muôn một”. Trước ngày khai mạc triển lãm phòng tranh Lê Bá Đảng, ông nói rằng những bức tranh của ông có không gian rộng lắm, nó có sự liên hệ mật thiết với không gian bên ngoài, với vườn cây trong công viên, với sông Hương. Có một bức tranh ưng ý nhất, ông đã đặt nó phía bên trên một cái bể nhỏ và cho nước vào. Bây giờ tôi nghĩ chính ông là người hạnh phúc khi nhìn thấy những bức tranh áp phích “Mùa xanh muôn một” tung tẩy trong mưa Huế. Nó sáng lên trong làn mưa và góp phần làm bầu trời trong hơn khi cơn mưa vừa tạnh. Chỉ thế thôi, đã có thể thấy cảm hứng mưa Huế đã bao trùm lên Festival Huế 2004 như thế nào rồi.
***
B
ỗng lại nhớ đến những bức tranh hai mặt trong phòng tranh của họa sư Lê Bá Đảng. Những bức tranh của ông đều có những khe hở cho ánh sáng vô hình đi qua. Và có một hoàng hôn trong những ngày Festival, tôi cảm thấy nó giống những chiếc lồng đèn Huế kỳ lạ. Những chiếc lồng đèn Huế hình những ngôi sao nhỏ đung đưa trên tay các em thiếu nhi cũng có hai mặt, để từ đó, ánh sáng từ những ngọn nến soi rọi những mơ ước thần tiên tuổi nhỏ có thể thoát thai bay lên đến cõi trời cao rộng. Nhiều người thật khó kìm lòng khi chứng kiến lễ hội thi lồng đèn và rước lồng đèn qua sông Hương. Hàng trăm em nhỏ và người dân Huế đã tham gia lễ hội này với một niềm tin sắt đá rằng tiếng vang của những chiếc lồng đèn Huế đang xuất hiện trở lại. Lâu nay, vì những lý do khác nhau, những chiếc lồng đèn kiểu Huế ít được khách du lịch biết đến, nó nằm khuất trong những xóm nghề ở phố cổ Gia Hội để mặc lồng đèn các nơi xuống phố. Một ý tưởng: tại sao người dân Huế không treo lồng đèn trong các ngày lễ tết như lâu nay đã treo đèn, kết hoa trong các ngày lễ tôn giáo, nhất là khi Huế đang phấn đấu trở thành thành phố Festival? Một khi người dân đã có thói quen treo đèn vào các ngày lễ, nghề làm lồng đèn Huế tưởng chừng như mai một sẽ sống lại. ..
Bây giờ, lễ hội lồng đèn Huế dài đến gần cây số với hàng ngàn chiếc lồng đèn, thắp sáng cả một quảng đường dài diễu hành qua các con đường phố Huế, đi qua cả cầu Trường Tiền để chứng thực rằng, lồng đèn Huế - một trong những nét văn hóa dân gian Huế -đang sống lại. Khỏi phải nói niềm tự hào của những người đi rước đèn. Không tiếng bắt nhịp nhưng các toán rước đèn cứ hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp. Những ánh đèn lung linh , nồng nàn đi trong đêm cháy lên khát vọng của một ngày phục hồi lồng đèn xứ Huế. Đi xem người Huế rước đèn mới thấy người dân Huế họ yêu thành phố của họ biết nhường nào. Cả khu phố Chi Lăng đổ ra đường, có người thấy các em nhỏ làm tắt đèn xuống thắp đèn giùm, rồi lại dúi cho vài cây nến nữa. Và tiếng vỗ tay từ ai đó bắt lên bỗng nhiên chuyển thành hàng tràng pháo tay vang dậy cả góc phố. Một chủ nhà bán tạp hóa không ngại ngần mở toang cửa cho tôi trèo lên tầng hai bấm vài kiểu ảnh. “Chú cứ lên chụp tự nhiên-lâu quá mới thấy cảnh rước đèn hòanh tráng như thế này”- người chủ quán nói.
Lạ một điều là trời cũng thương cái lễ hội lồng đèn xứ Huế. Mãi cho đến khi đòan rước đèn qua hết cầu Trường Tiền, xuống đường Nguyễn Đình Chiểu chuẩn bị kết thúc hành trình rước đèn dài gần chục cây số, trời mới đổ mưa to, còn trước đó cũng chỉ mưa lất phất...
***
K
hi tôi quay lại khu phố cổ Gia Hội, những chiếc diều lồng đèn đêm hình những con chim được thả lên trời vẫn sáng nhấp nháy. Gọi đó là diều cũng được maì gọi đó là lồng đèn cũng được. Quả là cái sự “chơi” của người Huế có sức sáng tạo không cùng. Những cánh diều Huế là một trong những ví dụ. Chúng bay đi khắp nơi trên thế giới thể hiện những nét độc đáo riêng biệt, để bây giờ mời thế giới lại cùng “chơi” với mình. Hàng trăm cánh diều từ mọi miền đất nước và cả Hàn Quốc cùng tham gia Liên hoan diều mang tên “Những cánh bay Việt ”. Đáng chú ý nhất là một trăm cánh diều đồng nội của các em khuyết tật tự làm để tham gia ngày hội. Bầu trời phía trên cao rộng biết bao cho các em thả những ước mơ của mình. Những ước mơ của các em nhiều lắm, tôi biết, nhiều khi chỉ là một cái mơ ước bình thường như một ngày kia đi đứng như bao nhiêu con người sinh ra lành mạnh trên thế gian này...
Khó có thể kể hết các chương trình nghệ thuật mà Festival Huế 2004 mang lại. Chỉ biết là dẫu mưa, các nghệ sỹ vẫn tìm cách diễn để đưa tiếng nói nghệ thuật của mình đến với công chúng. Dẫu mưa, công chúng vẫn chọn lựa cho mình những chương trình ưng ý để rồi đội mưa đứng xem và trầm trồ: xem biểu diễn nghệ thuật dưới mưa cũng là một cái thú. Những chương trình biểu diễn ở Festival Huế lần này cũng đã từng chinh phục bao trái tim, và đây là thêm một lần được thẩm định mà những cơn mưa cũng dự phần. Người ta khó có cơ hội cùng lúc được tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc dân gian và hiện đại qua Âm sắc Việt cũng như các chương trình của Đòan ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Ánh Tuyết và nhóm ATB... Và nữa, những khoảnh khắc dân gian của nước Nga qua Báu vật nhỏ, đem lại những cảm giác vừa quen vừa lạ. Người ta cũng khó có cơ hội tiếp cận với cái hay của nghệ thuật đương đại thế giới như Dạ nhạc tiệc diễn ra trong không gian được bao phủ một màu vàng rất đỗi hòang gia với những đóa hoa sen cùng những nét vẽ hoa lên bầu trời bằng pháo hoa của nghệ sỹ Pierre Alain Hubert. Như Lasyncope du 7 tạo nên một không khí lễ hội với những nghệ sỹ nhào lộn, vui đùa trong trạng thái không trọng lượng, đưa khán giả đến một không gian giàu chất thơ trong một tổng thể sống động và cuốn hút. Như Giáp Thân với một không gian khóang đạt được sinh ra từ những khái niệm ràng buộc về mặt không gian, vật lý và nhịp điệu, được dàn dựng bởi nghệ sỹ quen thuộc của Festival Huế-Régine Chopinot. Như Câu chuyện người lính là một biến thể từ huyền thoại Faust được kể lại bằng nhạc kịch, trình diễn hòan tòan bằng tiếng Việt. Như Opera đường phố Đức với đối thoại về tình yêu, thóat khỏi sự trói buộc của nhà hát kịch để trình bày những ca khúc cung đình trên các đường phố...Và hàng chục lễ hội lớn nhỏ mà dấu ấn của lễ hội Nam Giao, Lễ hội Áo dài vẫn sẽ còn được du khách nhắc đến...
***
Tất cả để xây dựng Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng. Hiện nay, Huế đang cố gắng xây dựng ngày càng nhiều các thiết chế của một đô thị hiện đại bao gồm hạ tầng kinh tế và xã hội ngày càng hoàn chỉnh, đặc biệt là các tiện ích công cộng, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc; xây dựng các thiết chế của một trung tâm lễ hội quốc gia và quốc tế gồm hệ thống các nhà văn hóa, quảng trường, khách sạn, bảo tàng, trưng bày, trang bị kỹ thuật bảo đảm tổ chức các họat động văn hóa nghệ thuật quy mô lớn...Dĩ nhiên, đã đến lúc cũng phải tính đến việc xây dựng một sân khấu lớn hay một sân vận động có mái che để đáp ứng cho những đêm khai mạc mưa đầy trời.
Từ một festival mưa như thế này, phải nghĩ đến những festival mưa vào những ngày sau nữa, dù hôm nay, tất cả đang nói đến một festival thành công trong mưa.
Bỗng nhớ hôm nào đó trời mưa to lắm, tôi chạy vào núp mưa ở phòng tranh của Lê Bá Đảng. Ông đứng đó, da dẻ hồng hào, mái tóc bạc lơ phơ bay trong gió nhẹ. Ông đang ngắm những chân dung hai mặt của mình. Tôi lò dò rằng sao những ánh mắt của các chân dung trong phòng tranh này đều khép lại cả vậy? Mắt khép! Ông cười cười, ngúc ngúc. Để nghe xa hơn chăng phải không anh bạn? Hay cũng là để thấu rõ hơn? Bất chợt lúc đó trời tạnh dần, và tôi nghe tiếng đời ngoài kia xao động. Chợt nhiên cảm thấy như mình đang khám phá ra cái gì đó trong mình lâu nay chưa nhìn thấy, nó hiện lên trong veo và âm vang xa xôi như một dàn đồng ca của những giọt mưa…
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Các bài mới
Các bài đã đăng