Tạp chí Sông Hương -
Xã hội hoá sân khấu phía bắc: Hồi hộp chờ thí điểm
10:50 | 15/01/2010
Không có mùa kịch tết, nhưng đời sống sân khấu phía bắc lại nóng lên chuyện về sân khấu xã hội hoá (XHH) - bài học từ sân khấu phía nam, nhưng bao năm nay vẫn gần như bỏ ngỏ.
Xã hội hoá sân khấu phía bắc: Hồi hộp chờ thí điểm
“Không gian văn hoá Việt” bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Chính vậy mà dù đã có chủ trương sẽ thí điểm hai nhà hát: Nhạc nhẹ T.Ư và Tuổi Trẻ hoạt động theo mô hình XHH từ năm nay, nhưng cho đến thời điểm này, bài toán đó vẫn đang được cân nhắc: Nên thí điểm 2 hay chỉ 1, 2010 hay 2011?...

Bị coi là diện mạo thiếu sinh khí của một nền sân khấu bao cấp, trong so sánh với bức tranh sân khấu XHH sôi động của phía nam, sân khấu phía bắc vì vậy đã không ít lần trăn trở trước ba chữ XHH. Tuy nhiên, những cố gắng nhỏ bé đã không đủ giúp thay đổi mạnh diện mạo. Vì vậy, hy vọng của Bộ VHTTDL đã được đặt vào hai nhà hát thuộc dạng ăn nên làm ra nhất trong số 12 nhà hát thuộc bộ: Nhạc nhẹ T.Ư và Tuổi Trẻ. Trong đó, NH Nhạc nhẹ T.Ư đã được chọn thí điểm đầu tiên, với việc khai trương sân khấu biểu diễn mới tại 16 Lê Thái Tổ - điểm diễn trong mơ” nằm bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào ngày 15.1.

Lộ trình dự kiến: Sau đúng một năm “chạy thử”, từ tháng 1.2011, nhà hát này sẽ chính thức tự chủ về tài chính.

25 tỉ đồng cho “không gian văn hoá Việt”

Cùng với việc NH Nhạc nhẹ T.Ư giành được “điểm diễn trong mơ”, NH Ca múa nhạc VN vừa hoàn thành công trình nhà hát mới khang trang tại đường Huỳnh Thúc Kháng; NH Tuổi Trẻ cũng chuẩn bị khởi công nhà hát thứ hai trên khu đất rộng 7.000m2 (đủ làm được hai sân khấu lớn, nhỏ với sức chứa 1.600 chỗ) tại KĐT mới Mỹ Đình... Câu chuyện XHH sân khấu ở phía bắc nhờ vậy cũng thoát ra được bài toán khó giải nhất, từng đánh đố không ít sân khấu XHH phía nam: Tìm thuê địa điểm.

Trên mặt bằng rộng 3.800m2, sân khấu mới của NH Nhạc nhẹ T.Ư với tên gọi “Không gian văn hoá Việt” sẽ được tổ chức không gian theo mô hình chung mà nhiều nhà hát hiện đại khác trên thế giới đã làm: Không chỉ phục vụ hoạt động biểu diễn, mà còn gồm nhiều dịch vụ khác như: Gallery, khu ẩm thực, thư dãn...

Hai sân khấu: Một trong nhà, 300 chỗ, với “thực đơn” chủ yếu là nhạc nhẹ, thính phòng, nghệ thuật đương đại, thời trang...; một ngoài trời với diện tích 1.000m2, để trình diễn nghệ thuật dân tộc (gồm các trích đoạn chèo, cải lương, ca trù, rối cạn...).

Để làm mới tòa nhà 90 năm tuổi (vốn là trụ sở cũ của Hội Khai trí Tiến đức) và chuyển đổi chức năng sử dụng của nó, 25 tỉ đồng đã được huy động cho công trình, với tỉ lệ: 2/3 do nhà hát tự lo, 1/3 do bộ cấp. Dự kiến, từ ngày 15.1, sân khấu này sẽ chính thức vận hành với công suất: 4 buổi diễn/tuần vào các tối thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, cứ hai đêm/một chương trình cho mỗi loại hình hoặc cụm loại hình nghệ thuật.

Để giải bài toán tự thu tự chi 100% bắt đầu từ năm tới, NSƯT Trần Bình - Giám đốc NH Nhạc nhẹ T.Ư cho hay: Một trong những đích ngắm quan trọng của “Không gian văn hoá Việt” sẽ là đối tượng khách du lịch cũng như các hợp đồng thuê địa điểm biểu diễn của các đơn vị có nhu cầu...

… và 250 triệu đồng/đơn đặt hàng

Trong khi đó, NH Tuổi Trẻ lại tính toán theo hướng khác. “Sân khấu phía bắc muốn XHH cần phải có lộ trình khác sân khấu phía nam. Bởi những đặc thù sau: Phần lớn các đơn vị nghệ thuật đều thuộc Nhà nước, trong đó 12 nhà hát thuộc bộ hoạt động trên địa bàn thủ đô. Đó chính là cơ hội mà một đơn vị sân khấu tư nhân ở địa bàn khác không dễ gì có được: Các đơn đặt hàng đến từ các ĐSQ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức văn hoá nước ngoài đặt trụ sở tại Hà Nội...” – ông Trương Nhuận - Phó Giám đốc NH Tuổi Trẻ - nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nhuận, thực tế hoạt động của NH Tuổi Trẻ năm qua cho thấy, so với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho nhà hát, thì nguồn lực từ các nhà tài trợ chiếm tới từ 30 – 50% tổng kinh phí hoạt động của nhà hát. Điều đó cho thấy bài toán XHH sân khấu phía bắc không phải là không khả thi, nếu biết tìm hướng đi thích hợp.

Một ví dụ mới nhất: NH Tuổi Trẻ và NH Kịch VN vừa khởi công cùng lúc hai vở kịch của nhà viết kịch vĩ đại người Na Uy Henrik Ibsen (1828 – 1906): “Brand” và “Con vịt trời”. Hai vở kịch kinh điển, nhưng không thuộc khuôn khổ dự án “100 kiệt tác sân khấu” được Bộ VHTTDL hứa đầu tư, mà là nhờ vào cố gắng tự huy động nguồn vốn XHH của nhà hát. Cả hai vở kịch đều được tài trợ của ĐSQ Hoàng gia Na Uy (với mức 250 triệu đồng/vở, đồng thời giúp tổ chức 5 buổi diễn miễn phí phục vụ sinh viên 5 trường ĐH tại Hà Nội).

Trước đó, năm 2006, cũng nhà tài trợ này đã tài trợ cho vở “Nhà búpbê”, cũng của Ibsen (mới đây đã được mời dự Liên hoan kịch Ibsen toàn cầu tại Tokyo dự kiến diễn ra vào tháng 11.2010).

Tương tự như người Anh tự hào về kịch Shakespears, người Đức với kịch Schiller, kịch Ibsen được Na Uy coi như một “quốc bảo”, “báu vật” trong chính sách ngoại giao văn hoá của họ. Bởi vậy mà kể từ năm 2008, Na Uy đã lập Giải thưởng kịch Ibsen, với quy mô và trị giá giải thưởng có thể ví như một Nobel sân khấu: 500.000USD, dành cho những vở kịch dàn dựng thành công các tác phẩm của Ibsen trên thế giới.

Nhưng trước bức tranh buồn của một nền sân khấu “ngủ đông”, NSƯT Anh Tú – Trưởng đoàn Đoàn kịch 1 – NH Tuổi Trẻ tỏ ra ngán ngẩm: “Chưa nói gì xa xôi, chỉ riêng chuyện trời lạnh thế này, buổi đêm, khán giả đã ngại ra đường. Ngồi nhà đắp chăn nằm xem “Ngôi nhà hạnh phúc” hay ca nhạc truyền hình trực tiếp còn khoái hơn! Đến hài kịch giảm giá vé 1/2 rồi mà có hôm còn bán được có 10 vé. Thế thì bán vé xem kịch cho ai suốt mấy tháng mùa đông mà dám mơ chuyện XHH sân khấu ở miền Bắc!”.

                                                                                                                  Theo LĐ






Các bài mới
Các bài đã đăng