Tạp chí Sông Hương -
Chuyện những công nhân xây kim tự tháp Ai Cập
10:52 | 18/01/2010
Vừa qua, với việc phát hiện các ngôi mộ của những công nhân xây dựng kim tự tháp được đặt ngay bên cạnh lăng mộ pharaoh, giới khảo cổ học tin rằng, những người này không thể nào là nô lệ như quan niệm xưa nay vì nếu thế, họ sẽ không được phép yên nghỉ gần nơi chôn cất nhà vua.
Chuyện những công nhân xây kim tự tháp Ai Cập
Mô tả cảnh xây dựng kim tự tháp

Đây được xem là phát hiện khảo cổ quan trọng bậc nhất đầu thế kỷ 21. Xung quanh phát hiện này còn có nhiều điều đáng chú ý khác.

Công nhân có cả nữ giới
 
Xung quanh hoạt động xây dựng kim tự tháp có nhiều truyền thuyết và lời đồn thổi, kể cả những câu chuyện liên quan tới lực lượng lao động. Theo sử gia Hy Lạp Herodotus (484 - 425 trước Công nguyên), việc xây dựng kim tự tháp lớn mất tổng cộng 30 năm. Thợ xây được chia thành từng kíp 100.000 người. Mỗi kíp thợ làm việc 3 tháng, luân phiên thay đổi.

Tuy nhiên một số người đa nghi cho rằng, các kim tự tháp ở Giza cũng như nhiều nơi khác trên thế giới là sản phẩm của những nền văn minh và văn hóa mà lịch sử nhân loại chưa từng biết đến. Họ tin là chúng ra đời từ một nền văn minh cổ xưa, vốn đã bị hủy diệt sau một thảm họa xuất hiện vào cuối kỷ băng hà (khoảng 10.000 năm trước Công nguyên).

Với việc ngày càng có nhiều chứng cứ khảo cổ được tìm thấy, giới khoa học lại tin tưởng rằng kim tự tháp không phải là sản phẩm của nô lệ, lao động nước ngoài hay các lực lượng siêu nhiên mà do bàn tay những công nhân lành nghề người Ai Cập tạo nên.

Theo ông Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng Tối cao về cổ vật Ai Cập, các bằng chứng tìm được cho thấy mỗi ngày nông dân Ai Cập phải chuyển tới 21 con bò và 23 con cừu để nuôi ăn những người thợ xây kim tự tháp. Quân số lực lượng thợ này rơi vào khoảng 10.000 người, tức chỉ bằng 1/10 con số ước đoán của sử gia Herodotus. Các nông dân trên cũng được chính quyền Ai Cập cổ đại miễn thuế. Đây là bằng chứng cho thấy họ đã tham gia vào một dự án mang tầm quốc gia.

Mỗi cuộc khai quật lại tìm thấy nhiều bằng chứng hơn về việc những ngôi làng ở Ai Cập đã tạo ra các đạo quân thợ làm bánh, bán thịt, nấu rượu, nuôi ngựa và cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe... chỉ để phục vụ đội ngũ thợ xây kim tự tháp. Các lò bánh ở gần các kim tự tháp lớn có khả năng sản xuất hàng chục ngàn ổ bánh mỗi tuần.

Một số thợ là lao động ăn lương của pharaoh. Số khác được gọi đi làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt, có cả những lao động là nữ giới tham gia xây dựng kim tự tháp. Các bộ hài cốt nữ ở một vài hầm mộ cho thấy họ đã lao động với đá nặng trong khoảng thời gian dài như nam giới. Những biểu tượng hình ảnh còn lại cho thấy các lao động rất tự hào về công việc họ đang làm. Họ gọi mình là “bạn bè của Kheops” (tên một pharaoh) và nhiều cái tên tương tự, chứng tỏ mối liên hệ thân thiết với các pharaoh.

Tại một ngôi mộ của công nhân xây dựng kim tự tháp Ai Cập


Lành nghề và trách nhiệm cao

Giới khoa học ước tính từ 20.000 - 30.000 lao động đã tham gia xây các kim tự tháp ở Giza trong vòng 80 năm. Mọi việc không chỉ đơn giản là lao động chân tay. Các kiến trúc sư chịu trách nhiệm đo đạc, chọn góc chính xác để đặt những phiến đá vào đúng chỗ. Các thầy tư tế chọn địa điểm xây dựng kim tự tháp và phương hướng để chúng ứng với những vòm sao linh thiêng. Thợ đá kiên nhẫn đánh bóng từng viên đá để chúng có vẻ đẹp hoàn hảo nhất... Dường như tất cả các lao động trong bộ máy xây dựng kim tự tháp đều tự giác nhận lấy vai trò của họ trong việc đảm bảo duy trì vòng tròn sinh tử cho các pharaoh, qua đó kéo dài sự vinh quang của Ai Cập.

Tính tới năm 2008, người ta đã phát hiện ra tổng cộng 138 kim tự tháp ở Ai Cập, phần lớn được xây dựng như lăng mộ cho các vị pharaoh. Người Ai Cập cổ đại tin rằng khi qua đời, pharaoh trở thành Osiris, vua của người chết. Pharaoh mới trở thành Horus, vị thần của thiên đàng và người bảo vệ thần Mặt trời. Tuy nhiên một phần linh hồn của pharaoh đã chết, gọi là ka, vẫn duy trì trong thể xác của vua. Người ta tin rằng nếu phần xác không được chăm sóc cẩn thận, pharaoh quá cố sẽ không thể cai quản cõi âm. Nếu như vậy, trật tự sẽ bị phá vỡ và thảm họa rơi xuống đất nước Ai Cập. Để ngăn chặn thảm họa, các pharaoh được ướp xác và chôn cất trong những nhà mồ lớn (mastaba) để bảo toàn thi thể.

Kim tự tháp Ai Cập đầu tiên ra đời là sản phẩm sáng tạo của kiến trúc sư Imhotep. Ông đã muốn xây một nhà mồ đặc biệt cho pharaoh Djoser bằng cách xếp chồng 6 nhà mồ lên nhau, với kích cỡ thu nhỏ dần khi lên tới đỉnh. Kết quả là sự ra đời của kim tự tháp bậc thang Djoser. Ngoài công trình này, ở Meidum và Dashur còn có những kim tự tháp gồm 3 bậc.

Dựa vào chúng, những người Ai Cập sau này đã phát triển thành kim tự tháp trơn, tiêu biểu nhất là quần thể kim tự tháp ở Giza . Quần thể này bao gồm 3 kim tự tháp lớn, 1 con nhân sư, 6 kim tự tháp nhỏ, một số đền đài và 400 mastaba. Ba kim tự tháp lớn là Kheops (hay kim tự tháp lớn tại Giza ), Khafre và Mykerinos thuộc về các nhà vua của Vương triều thứ 4; những kim tự tháp nhỏ hơn là của các hoàng hậu cùng thời. Kheops hiện là kim tự tháp lớn nhất của Ai Cập. Nó cũng là một trong 7 kỳ quan thế giới thời cổ đại còn tồn tại tới ngày nay.

                                                                                                            Theo TT&VH






Các bài mới
Các bài đã đăng