Tạp chí Sông Hương -
Thắm tình Việt Bắc giữa Tây Nguyên
15:42 | 02/03/2010
Lần đầu tiên ở Tây Nguyên có một lễ hội văn hoá dân gian Việt Bắc, do huyện Krông Năng (Đắc Lắc) tổ chức vào ngày rằm tháng giêng năm Canh Dần (28.2). Có thể nói: Đây là một cách làm mới mẻ, đặc sắc, mang lại nhiều ý nghĩa trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Thắm tình Việt Bắc giữa Tây Nguyên
Phụ nữ Tày mời rượu nhau trong lễ hội. ảnh: Đ.B.T

Là một huyện có tới 22.000 dân là đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc di cư vào làm ăn sinh sống từ năm 1976 đến nay, gồm 5 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Thái, Mông), nên có thể nói, Krông Năng là một Việt Bắc thu nhỏ giữa lòng Tây Nguyên. Vào Tây Nguyên làm ăn sinh sống, nhưng đồng bào vẫn luôn luôn hướng về quê cũ, vẫn giữ gìn bản sắc sinh hoạt văn hoá độc đáo của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Và vì thế, việc huyện Krông Năng tổ chức Lễ hội văn hoá dân gian Việt Bắc không chỉ giúp đồng bào bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá độc đáo của mình, mà còn là cách để giới thiệu tới toàn thể cộng đồng các dân tộc khác đang chung sống trên địa bàn một "mâm cỗ" tinh thần quý giá của đồng bào Việt Bắc - quê hương cách mạng VN, làm phong phú thêm cho ngày xuân bản địa, để các dân tộc có dịp thưởng thức, giao lưu, từ đó hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn trong cuộc sống...

Có thể nói, ban tổ chức đã thực sự thành công khi thu hút được gần 1 vạn dân trong khu vực đến dự, tạo được một không khí lễ hội thực sự, bởi nhiều nét sinh hoạt hay tiết mục đặc sắc mà người Tây Nguyên chưa hề được chứng kiến như cách chưng cất rượu ngô men lá, cách quay heo ủ lá móc mật, cách gói bánh chưng, cách làm bánh giầy, bánh khảo, bánh gù, cách làm cơm lam, gà nướng, được xem múa xoè Thái, nghe hát then, hát lượn của đồng bào Tày, xem múa lân của người Nùng, xem trai gái tung còn, xem những người đàn ông mặc áo chàm, ngồi quây quần, uống rượu bằng thìa và nghêu ngao hát khi men đã ngấm...

Lễ hội còn tạo được điểm nhấn mạnh bởi các tiết mục biểu diễn đặc sắc của NSƯT Dương Liễu và Đoàn nghệ thuật Cao Bằng với chủ đề "Hẹn gặp lại mùa xuân"...

Già Y Săm - người Ê Đê - ở buôn Wiao, xã Ea Tam - nói với chúng tôi: "Mình thấy được nhiều điều hay quá. Năm nào huyện cũng làm được thế này thì vui quá". Còn anh Y Tung - từ xã Ea Hồ cách 19km vào xem hội - thì nói: "Xem cái gì mình cũng thích, thích nhất là xem con gái Thái múa, đứa nào cũng đẹp, ưng bụng quá...".

Ông Huỳnh Tấn Kỳ - Chủ tịch huyện - cho biết: Qua tổ chức lễ hội, chúng tôi thấy rất hợp lòng dân, huyện sẽ rút kinh nghiệm và tổ chức thành lễ hội truyền thống "Việt Bắc giữa lòng Tây Nguyên" hàng năm.

                                                                                                                      Theo LĐ





Các bài mới
Các bài đã đăng
Ca trù chạy sô (02/03/2010)