Tạp chí Sông Hương -
Phim dán nhãn X duy nhất đăng quang trong lịch sử Oscar
14:41 | 03/03/2010
Kiểm duyệt phim ở Mỹ được đánh giá là gắt gao nhất thế giới, với hệ thống phân loại phim rất minh bạch và hiệu quả. Trong đó nặng nhất là nhãn X (nay là NC -17) - bị xem là phim khiêu dâm! Thế mà trong lịch sử Oscar, Midnight Cowboy (Cao bồi nửa đêm) đã làm được điều không tưởng: Bị dán nhãn X nhưng đã đoạt 3 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất!
Phim dán nhãn X duy nhất đăng quang trong lịch sử Oscar

Một kiệt tác về tận đáy xã hội

Midnight Cowboy vốn là tiểu thuyết của James Leo Herlihy xuất bản 1965. Nội dung kể về nỗi đau xé ruột của con người trong cuộc sống nơi đường phố New York hào nhoáng, một câu chuyện buồn của những con người đáng thương, vật lộn với kế sinh nhai bằng những nghề nghiệp chẳng ra gì.

Cuốn sách sau đó nằm trên bàn bộ phận phụ trách chuyển thể kịch bản của hãng phim United Artists, nhưng sau đó bị gạt sang một bên vì bị cho rằng câu chuyện không đủ hấp dẫn khán giả đến rạp.

Nhưng đạo diễn người Anh John Schlesinger không nghĩ như vậy. Trong một lần đi nghỉ ở Marrakesh (Morocco), John tình cờ đọc Midnight Cowboy và lập tức bị thu hút bởi khả năng kịch tính tuyệt vời của mạch câu chuyện. Ông bàn với nhà sản xuất Jerome Hellman thuyết phục hãng United Artists quay trở lại với dự án, rằng bộ phim sẽ gây được một tiếng vang lớn. Nhà biên kịch nổi tiếng Waldo Salt đã được mời viết kịch bản phim.

Nhân vật trung tâm của Midnight Cowboy là Joe Buck – một chàng trai quê bảnh bao – quyết định lên New York đổi đời bằng nghề… làm điếm đực! Nhưng thực tế quá phũ phàng đã ngay lập tức biến Joe Buck trở thành kẻ thất nghiệp không nhà cửa, không xu dính túi. Joe đành kết thân với Rizzo, biệt danh “Chuột cống” – một kẻ ma mãnh đầu đường xó chợ bẩn thỉu và đáng thương. Cả hai phải sống dựa vào nhau để tồn tại trong một tương lai mờ mịt không lối thoát. Giữa họ không có sự thu hút lẫn nhau về tình dục đồng giới, nhưng họ vẫn phải lao vào nhau để thoát khỏi sự cô đơn…

Những vai diễn làm mê hoặc người xem

Không đầy 10 ngày nữa sẽ diễn ra Lễ trao giải Oscar 2010. Hãy cùng chuyên mục Thế giới điện ảnh tiếp tục điểm mặt những “anh tài” đáng nhớ nhất trong lịch sử Oscar.
Joe Buck, anh chàng cao bồi khờ khạo và ngây ngô, là thử thách lớn nhất trong quá trình chọn diễn viên. Thời ấy, ngôi sao điển trai Warren Beatty rất thiết tha muốn được đóng vai này. Hãng United Artists cũng rất muốn chọn Warren bởi lúc ấy ông là một cái tên ăn khách. Nhưng đạo diễn John Schlesinger dứt khoát không chịu vì cho rằng Warren quá nổi tiếng với danh hiệu “Vua sát gái” thì làm sao có thể thuyết phục khán giả tin rằng đó là một gã cao bồi nhà quê khờ khạo!

John Schlesinger và nhà biên kịch Waldo Salt đã mất rất nhiều thời gian để chọn một diễn viên vô danh nhưng có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của vai diễn. Cuối cùng, trải qua nhiều vòng thử vai, Jon Voight (cha ruột của Angelina Jolie) - một cái tên chưa ai biết, chính thức trở thành Cao bồi nửa đêm! Mẹ của Jon Voight đã khóc nức nở vì vui sướng khi anh báo tin mình được chọn.

Vai diễn “Chuột cống” Rizzo, nhà sản xuất Jerome Hellman chỉ đề xuất một ứng cử viên, đó là diễn viên mới nổi Dustin Hoffman. Nhưng John Schlesinger lại do dự bởi trước đó một năm (1968), Dustin Hoffman đã mê hoặc cả nước Mỹ với vai diễn anh chàng sinh viên trong sáng và ngây ngô bị một bà góa nạ dòng cám dỗ trong bộ phim hài nổi tiếng The Graduate. John không tin rằng Dustin Hoffman có thể thủ vai một gã bụi đời ma mãnh lém lỉnh, yếu ớt và tàn tạ một cách đáng thương như nhân vật Rizzo. Biết được điều đó, Dustin Hoffman đã hẹn gặp nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch và người phụ trách phân vai ở một góc phố. Ra tới chỗ hẹn, đợi mãi chẳng thấy Dustin đâu, cả nhóm sốt ruột chuẩn bị về thì một gã ăn mày bẩn thỉu lem luốc khập khiễng tiến lại gần vỗ vai đạo diễn John Schlesinger… Mọi người giật thót mình, nhìn kỹ thì ra là Dustin Hoffman! Anh đã đứng trước mặt họ từ lâu, chỉ cách khoảng 3 mét… làm đủ mọi trò, xin tiền, chọc phá người qua đường, nhảy nhót đủ kiểu… thế mà không một ai trong đoàn phim có thể nhận ra! Chưa hết Dustin còn dẫn cả nhóm luồn lách khắp các xó xỉnh, đến các quán rượu chui, phòng bi-a rẻ tiền, thể hiện cách nhặt và cầm các mẩu thuốc lá hút dở, giọng nói thì lè nhè … tất cả đều sành sỏi như một tên bụi đời thật sự! Trước mặt họ giờ đây không phải là một Dustin Hoffman nổi tiếng mà đích thị là “Chuột cống” Rizzo!

Midnight Cowboy khiến cho bất cứ ai xem qua cũng không thể nào quên là hoàn toàn nhờ vào diễn xuất sáng tạo của Jon Voight và đặc biệt là Dustin Hoffman. Anh đã mang đến cho nhân vật Rizzo sự hài hước và chiều sâu nhân tính. Ảo tưởng từ đầu đến cuối phim của Rizzo là làm sao đến được Florida chỉ để được gọi đúng tên mình chứ không phải “Chuột cống”. Còn chàng cao bồi Joe Buck thì lúc nào cũng ảo tưởng về vẻ bề ngoài và luôn muốn chứng minh mình là… giống tốt. Jon Voight nhập vai xuất sắc đến mức một nhà phê bình đã viết bài khen ngợi rằng, không biết John Schlesinger tìm ở đâu ra một anh chàng cao bồi nhà quê mà diễn hay đến thế! Kể từ phim này, Jon Voight đã trở thành một diễn viên đầy triển vọng của điện ảnh Mỹ. Còn Dustin Hoffman chính thức bước chân vào hàng ngũ những ngôi sao tài năng có thể đóng bất cứ loại vai gì!
 
Mãi mãi đi vào lịch sử Oscar
 
Khi kiểm duyệt, Hiệp hội điện ảnh Mỹ đã làm choáng váng mọi người khi dán cho Midnight Cowboy cái nhãn nặng nhất: Phim X! Đó là một cú giáng chí mạng vào sự tận lực của đạo diễn John Schlesinger và nhà sản xuất Jeremy Hellman. Mặc dù phải công nhận rằng bộ phim làm ra chỉ dành cho người lớn - bởi những vấn đề được đề cập quá nhạy cảm chưa từng xuất hiện trên màn ảnh trước đó, đặc biệt chủ đề đồng tính luyến ái được đề cập quá táo bạo trong phim (thời điểm 1969). Nhưng cả John lẫn Jeremy lúc ấy đều không đủ kinh nghiệm để biết rằng chi tiết nào là cấm kỵ, chi tiết nào là khiêu dâm! Và cuối cùng họ chấp nhận phim bị dán nhãn X mà không dám kêu ca. Điều này có nghĩa là bộ phim sẽ bị hạn chế cơ hội quảng cáo và tiếp thị rộng rãi. Thậm chí một số tờ báo hoặc rạp chiếu đã từ chối không chấp nhận phim bị nhãn X!

Nhưng bộ phim lại nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Hiệp hội diễn viên, đạo diễn, và nhà sản xuất Mỹ. Không ai phủ nhận những giá trị nghệ thuật của Midnight Cowboy, họ đánh giá sự xuất hiện của bộ phim vào thời điểm đó là dũng cảm, gan góc, và cảm động. Tiếp đến là cơn bão nổi lên giữa các nhà phê bình, một số chê bai gay gắt, nhưng đa số lại dành cho bộ phim những lời khen ngợi ngất trời. Càng tranh cãi, khán giả càng mong mỏi…

Bộ phim ra mắt lần đầu tiên vào ngày 26/05/1969 tại rạp Coronet ở New York, với sự ủng hộ rộng khắp của các phương tiện truyền thông. Những buổi chiếu ra mắt ở New York mở đầu một kiểu phát hành đặc biệt mà từ đó đã trở thành chuẩn mực cho các phim sau này: Phải chiếu ở New York vài tháng trước khi chiếu ở những nơi khác, để từ đó người ta truyền miệng nhau khắp nước Mỹ.

Nhiều kỷ lục bán vé đã được thiết lập, khán giả ào ạt đi xem khiến người ta không thể lý giải nổi vì sao nước Mỹ lại dễ dàng đồng cảm với hai kẻ vô gia cư hạ cấp, và ít có bộ phim nào ngay lập tức gây xúc động mạnh nơi khán giả như vậy. Với kinh phí sản xuất khoảng 3,6 triệu USD, Midnight Cowboy đã thu được gần 45 triệu USD trên toàn nước Mỹ!

Dưới sức ép của khán giả và các nhà phê bình, một năm sau (1970) Midnight Cowboy được tái phát hành và Hiệp hội điện ảnh Mỹ đã rút lại nhãn X quá nặng, và cấp cho bộ phim nhãn R (Restricted - dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người lớn đi kèm).

Năm 1969, Midnight Cowboy được đề cử đến 7 giải Oscar, trong đó Dustin Hoffman và Jon Voight cùng được đề cử giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, gây ra một trong những trường hợp bị chia phiếu bầu đầy kịch tính nhất trong lịch sử giải Oscar (kết quả là John Wayne trong phim True Grit đoạt giải). Nữ diễn viên Sylvia Miles cũng lập kỷ lục là diễn viên có thời gian xuất hiện ngắn nhất từng được đề cử Oscar (chưa đến 4 phút!). Cuối cùng bộ phim đã đoạt 3 giải: Kịch bản, Đạo diễn, và Phim hay nhất! Midnight Cowboy mãi mãi đi vào lịch sử Oscar với tư cách bộ phim đăng quang bị dán nhãn X duy nhất!

Năm 1994, bộ phim được tái phát hành nhân kỷ niệm 25 năm ra mắt. Khán giả và các nhà phê bình vẫn tán dương những giá trị nghệ thuật của nó: “Phát hành lần thứ hai vẫn thành công vang dội, bộ phim vẫn đứng vững với những thử thách của thời gian” - Sickel & Ebert. Mỗi hành động, mỗi cảnh trong phim vẫn mới mẻ như nó mới được công chiếu lần đầu tiên” - Premier. “Bộ phim vẫn còn đó nỗi đau buồn đến xé ruột gan, và không hề nhuốm màu thời gian” - The New York Observer.

                                                                                                  Theo TT&VH Cuối tuần







Các bài mới
Các bài đã đăng