Tạp chí Sông Hương -
Kết thúc giải Oscar 2010: Sự ám ảnh của một giấc mơ
10:47 | 10/03/2010
Những gương mặt kiêu hãnh; những đường cong ngà ngọc trong những bộ xiêm y của các nhà thiết kế thời trang danh tiếng nhất; những MC "cáo già" - lễ trao giải OSCAR 2010 truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Kodak, Los Angeles kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ và tận cho đến phút kết thúc, người xem như vẫn còn chưa ra khỏi giấc mơ.
Kết thúc giải Oscar 2010: Sự ám ảnh của một giấc mơ
Cảnh trong phim “The Hurt Locker”

“Avatar đã là quá khứ”

Đó là lời tuyên bố của người dẫn chương trình sau khi nữ đạo diễn Kathryn Bigelow lên nhận cúp vàng dành cho đạo diễn xuất sắc nhất và bộ phim hay nhất: “The Hurt Locker”  - một phát đại bác làm sụp đổ “đế chế Cameron” cũng như những dự đoán về sự trở lại của ông hoàng Titanic.

So sánh về mặt doanh thu, “The Hurt Locker” của Kathryn Bigelow chỉ đạt 11 triệu USD - một con số chẳng bõ bèn gì so với doanh số 2,8 tỉ USD do “Avatar” của J. Cameron mang lại. Công bằng, cả thế giới điện ảnh và công chúng màn bạc đều kinh ngạc và kính cẩn khi bước vào thế giới của những “Cây linh hồn” qua những thước phim của Cameron. Dường như mỗi người đều nhìn thấy bóng dáng thần thoại và lịch sử của dân tộc mình trong câu chuyện giả tưởng đầy hàm ý và nhân bản của ông.

Thế nhưng, Cameron đã thất bại trước Katheryn Bigelow bởi đồng nghiệp của ông đã lựa chọn và thực hiện thành công tuyệt vời đề tài về chiến tranh Iraq - một cuộc chiến tranh mà giờ đây vẫn còn là vấn đề vô cùng nhạy cảm, khiến nước Mỹ và cả nhân loại đều khốn đốn.

Có rất nhiều điều thú vị đáng nói quanh lễ trao giải Oscar 2010: Những gương mặt, hình hài diễn viên phụ đoạt giải xuất sắc “chẳng có vẻ gì là như thế cả” bỗng chốc trở nên chói sáng; Jeff Bridges một tay xỏ túi quần, một tay cầm cúp vàng bình thản trò chuyện trước cử tọa như thể đang cầm một cốc bia.

Từ sự thất bại không thể tin của Meryl Strepp - “tháp vàng” trước Sandra Bullock mảnh dẻ đến phút Katheryn Bigelow đăng quang và “Avatar đã là quá khứ” - Oscar 82 là một chuỗi liên tiếp các sự kiện bất ngờ. Hiển lộ một chân lý giản dị: Trong nghệ thuật, tiền bạc không phải là thước đó cao nhất. Và đằng sau sự sụt lún của những thần tượng cũ, một chân trời mới lại xuất hiện - Hollywood không bao giờ già cỗi.

Và “giấc mơ của tôi”

Một đạo diễn trẻ phim VN được mời tham dự buổi truyền hình trực tiếp tại trường quay của Đài PTTH Hà Nội trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình: “Tôi cũng mơ một ngày phim VN sẽ có mặt trong những cuộc dự giải của Hollywood”. Người đạo diễn nói một cách rắn rỏi, nhưng ánh mắt không vui. Một ước mơ thật chính đáng. Không thể so sánh nền điện ảnh mới ra đời hơn nửa thế kỷ và liên miên đối phó với nghèo đói chiến tranh với một cường quốc điện ảnh đứng đầu thế giới. Nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho lịch sử khi mà đất nước đã chuyển qua một thời kỳ mà sức sáng tạo đã được cởi bỏ rất nhiều “gánh nặng”.

Tuy nhiên, sau một số thành công ban đầu về đề tài chiến tranh, nền điện ảnh VN vẫn mang đầy tính “tự túc tự cấp”, đói kém và nhợt nhạt. Nền kinh tế thị trường, đang khiến cho tất cả những người làm nghề trở nên phân rã và khó sống. Nếu không nhầm thì, đầu tư cho một bộ phim nhựa của các hãng phim nhà nước trung bình chỉ khoảng từ 3 - 3,5 tỉ đồng, bằng 1/3 so với mức đầu tư cho một bộ phim của các nhà sản xuất tư nhân.

Tiền ít thì không thể làm nhiều, càng không thể làm tinh. Chưa nói đến việc đầu tư để luôn có đủ những hệ thống kịch bản ra hồn; phương tiện hoàn hảo và những dàn diễn viên tử tế. Chính những yếu tố này đã “buộc đá” vào ngành điện ảnh VN. Quanh sự phá sản của dự án phim về Lý Công Uẩn nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã bộc lộ tất cả những gì bé mọn của một nền điện ảnh thiếu chuyên nghiệp.

Chứng kiến ngày vinh danh của một nền điện ảnh khổng lồ không thể không mơ cho nền điện ảnh của xứ sở mình. Càng không thể không nghĩ. Không thể không dằn vặt. Nhưng sẽ bứt lên như thế nào và bằng cách nào nhanh nhất? Có lẽ điều an ủi lớn nhất là người đạo diễn trẻ tuổi kia còn dám ước mơ.

“The Hurt Locker” phi thực tế

Trong khi giới phê bình phim Mỹ hết lời ca ngợi “The Hurt Locker”, bộ phim vừa nhận 6 giải Oscar, thì rất nhiều cựu chiến binh Mỹ và Iraq phàn nàn rằng cuộc chiến Iraq mà phim mô tả hoàn toàn không có thật. Ryan Gallucci - một cựu chiến binh Iraq cho biết đã phải tắt phim đến 3 lần trong khi xem. Theo Gallucci - người từng tham chiến tại Iraq từ năm 2003 - 2004, nhân vật James trong phim, phải bị nổ tung để những đồng đội của anh ta có thể kiếm một chỉ huy biết cách lo cho sự an toàn của họ.
 
Paul Rieckhoff - người sáng lập Hội Cựu chiến binh Mỹ ở Iraq và Afghanistan nói: “Tôi không hiểu tại sao những nhà phê bình phim lại có thể thích được một bộ phim ngớ ngẩn và sai sự thật đến vậy. Nếu bộ phim tuyên bố là làm về một cuộc chiến tranh chưa từng tồn tại thì tôi không có ý kiến. Đằng này họ làm về một cuộc chiến mà tôi từng tận mắt chứng kiến những bạn bè của mình bị chết, đôi chân của người bạn thân Ranger bị nổ tan tành. Việc Hollywood tôn vinh bộ phim này chẳng khác nào tặng một cái tát trời giáng vào mặt những người lính đã tham chiến tại Iraq”.

Trưởng nhóm phá bom mìn ở tỉnh Maysan, Iraq cho hay: “Nhân vật James trong phim còn hiếu chiến hơn cả những tay cao bồi. Đó không phải loại người chúng tôi tuyển dụng”. Rất nhiều chuyên gia kỹ thuật về bom mìn cũng khẳng định nhiều chi tiết mà bộ phim mô tả chưa từng xảy ra tại Iraq, chẳng hạn như việc các lính tìm bom mìn có thể tự xuống các thung lũng hay lái những chiếc xe ôtô chạy vòng quanh Baghdad mà không hề có xe hộ tống... 

T.T (Theo AP, Telegraph)

Theo Ngô Mai Phong - LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng