Tạp chí Sông Hương -
Một đời người cho một cuộc tiếp xúc
10:30 | 15/03/2010
Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, giới mỹ thuật được biết đến một nhà phê bình có phần nào khác lạ so với xu hướng lý luận phê bình mỹ thuật ngày đó.
Một đời người cho một cuộc tiếp xúc

Ông làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật VN từ những ngày đầu thành lập rồi Viện Mỹ thuật VN với tư cách của một nhà nghiên cứu. Những phát biểu, những bài báo phê bình mỹ thuật của ông đã hấp dẫn ngay giới mỹ thuật vốn đang ở trong tình trạng đơn điệu và nghèo nàn.
 
Ông là Thái Bá Vân - một cây bút đáng nể trọng trong lĩnh vực lý luận phê bình mỹ thuật. Và, điều đó vẫn đúng cho đến tận hôm nay, cho dù ông đã ra đi vào những ngày cuối cùng của thế kỷ trước. Cuốn “Tiếp xúc với nghệ thuật” của ông - tác phẩm duy nhất ông để lại - vẫn đang là một cuốn sách “thân thiết” của các nghệ sĩ tạo hình.

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn vừa có một cử chỉ để tỏ lòng trân trọng ông là tái bản cuốn sách có thêm phần tiếng Anh, in song ngữ. “Tiếp xúc với Nghệ thuật” là tập hợp những công trình nghiên cứu, những bài báo, những tham luận của ông suốt từ ngày ông về nước sau khi tốt nghiệp khoa Sử học nghệ thuật, trường Đại học Karlova, Praha, Tiệp Khắc, cho đến những tháng ngày cuối đời năm 1999.

Có thể coi đây là một cuốn sách mẫu mực về phương pháp luận khi tiếp cận với nghệ thuật VN từ cổ điển đến hiện đại, từ dân gian văn hoá làng xã đến những tìm tòi mới mẻ của nghệ thuật đương đại. Ông đề cập đến rất nhiều khía cạnh của một vấn đề trong mỹ thuật, cũng như ông đã từng phát hiện ra những yếu tố thành công của từng cá nhân nghệ sĩ. Cuốn sách được ông chia làm 4 phần: - Với phạm trù - với tác giả - với tác phẩm và với các cuộc trưng bày. Ông đã dắt người đọc, cùng ông, tiếp xúc với 4 mảng đề tài đó.

Phần I: Với phạm trù, là những phân tích của ông mang tính sử học nghệ thuật, ông đặt những nền mỹ thuật của nhân loại vào bối cảnh cụ thể, riêng biệt của dòng chảy lịch sử, của bản địa văn hoá. Phần này gồm 20 bài, từ sự khai sinh của mỹ thuật hiện đại VN đến sự gặp gỡ với mỹ thuật thế giới, từ những thay đổi mô hình thẩm mỹ đến cảm hứng nguyên thuỷ trong mỹ thuật hiện đại.
 
Từ nghệ thuật thiền đến những quy chuẩn của hội hoạ Ấn Độ, rồi mối tương quan của nghệ thuật trừu tượng lịch sử và nghệ thuật trừu tượng thẩm mỹ. Ông còn góp phần mở ra cho bạn đọc VN cánh cửa nhìn vào tâm hồn Nga và nền mỹ thuật hàn lâm Nga. Trong phần I này, có lẽ bài ông tâm đắc nhất là bài “Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng”.

Ông viết: “Từ tờ giấy trắng mà vẽ nên tranh, từ hòn đất mà làm nên tượng, đó là từ trong trắng mà đi tới hạnh phúc, là thiết lập cái không vào cái có, là giới hạn cái vô hạn vào cái hữu hạn, là trách nhiệm và lòng tin của chúng ta, không phải vào cái ai cũng nhìn thấy bằng con mắt, mà là vào cái ta quan niệm trong lòng”. Dường như đây chính là tuyên ngôn của ông về nghệ thuật.

Phần II: Với tác giả. Ở phần này, người ta rất dễ dàng cảm nhận được tấm lòng trìu mến của ông với những gương mặt hoạ sĩ, điêu khắc tiêu biểu qua từng thời ky, trong nước cũng như thế giới. Những bài viết của ông về từng tác giả không còn là những phân tích mỹ học nữa, mà nó còn như những chân dung xuất sắc.

Ông đã cho chúng ta gặp gỡ với thế hệ các hoạ sĩ đàn anh, khởi đầu cho nền hội hoạ hiện đại VN, từ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Trịnh Hữu Ngọc… đến Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, kéo dài cho đến những hoạ sĩ đương đại. Với các danh hoạ của thế giới, ông trân trọng bằng một giọng văn chính xác, điềm tĩnh.

Tinh thần này được ông thể hiện kỹ càng hơn trong phần III: Với tác phẩm. Quả là ít ai “đọc” tác phẩm của các hoạ sĩ tinh tường như ông. Ông hiểu nỗi nhọc nhằn của lao động nghệ thuật và vì thế ông đọc và hiểu thành quả của nó như thấu hiểu tâm can mình. Những hoạ sĩ mà ông yêu mến đều được ông tặng cho những câu chữ thật sang trọng.

Ông viết cho Bùi Xuân Phái rằng: “Nói theo nghĩa nào đó, thì Hà Nội bây giờ đã lên đến hai triệu người. Mà nói theo nghĩa nào đó, thì Hà nội bao giờ cũng chỉ có dăm ba người, chia nhau trong từng tình yêu và thế kỷ”. Hoặc ông viết cho người bạn tâm đắc  của ông, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm một bài với nhan đề: “Nguyễn Trọng Kiệm phát hiện ra hội hoạ đến mức nào, thì hội hoạ cũng phát hiện ra Nguyễn Trọng Kiệm đến mức đó”.

Chỉ riêng nhan đề này đã gói gọn quan niệm của ông về mối tương quan giữa tác phẩm và tác giả. Có những tác giả khi triển lãm, được ông viết, mới giật mình, biết mình là ai. Tinh tường là vậy nhưng không bao giờ có một câu ác ý, ông luôn dành cho tiếng nói của tim ông, nhân hậu, rộng lòng.

Một mảng đáng kể trong phần III này là những bài viết của ông về tác phẩm của các danh hoạ thế giới từ Phục hưng đến hiện đại. Từ Raffaello đến Rodin, rồi những tác phẩm của Sandro Botticelli, Brâncuci, Léger, Géricault. Tuy chưa đầy đủ nhưng có thể coi đây là một phần giáo khoa thư về những nền mỹ thuật thế giới từng thời điểm.

Phần IV: Với các cuộc trưng bày, được xem như thái độ của ông đối với từng khuynh hướng, từng tác giả trong nền mỹ thuật mới thời mở cửa với biết bao tìm tòi, sáng tạo, thành công nhiều mà thất bại cũng không ít. Ông cổ vũ nhiệt thành cho các hoạ sĩ trẻ nhưng ông cũng cảnh tỉnh họ trước một thị trường tranh đang đầy hấp dẫn.

Chừng như mỗi bài của ông là một lời tâm sự chân thành, hết lòng đấy nhưng cũng không thoả hiệp. Bằng vào tất cả những điều đó ông đã ở trong lòng từng người, mãi mãi, trong giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hôm nay, bởi vì ông đã mang cả đời ông cho một cuộc tiếp xúc: Tiếp xúc với nghệ thuật.

Theo Trịnh Tú - LĐCT
Các bài mới
Các bài đã đăng