Tạp chí Sông Hương -
Alice in Wonderland, bộ phim của kỹ xảo
08:33 | 16/03/2010
Bộ phim 3D Avatar làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim trên toàn thế giới đã khiến cho công nghệ 3D trong nhiều lĩnh vực được dịp ăn theo như màn hình 3D, máy quay 3D, và các dự án phim 3D cũng nối tiếp nhau được công bố. Megastar, hệ thống rạp chiếu phim duy nhất tại Việt Nam có phòng chiếu phim 3D cũng nắm bắt cơ hội của dòng phim mới, tiếp tục khai trương phòng chiếu phim 3D thứ ba tại CT Plaza, giới thiệu bộ phim đầu tiên tại hệ thống này Alice in Wonderland.
Alice in Wonderland, bộ phim của kỹ xảo
Johnny Depp trong phim Alice in Wonderland

Đây là bộ phim giải trí nhẹ nhàng, hài hước dành cho giới trẻ, nhờ nội dung chính được chuyển thể thành phim từ câu chuyện phẩm nổi tiếng dành cho thanh thiếu niên, Alice lạc vào xứ sở kỳ lạ.

Tài năng của Johnny Depp

Quả là không ngoa khi nhiều người yêu điện ảnh nói rằng nếu Johnny Depp không đóng thuyền trưởng Jack Sparrow trong phim " những tên cướp biển vùng Carribbe", bộ phim sẽ phá sản. Với những ai vừa xem Johnny Depp, trong phim Public Enemies ra mắt năm 2009, hẳn sẽ rất bất ngờ với vai Hatter trong Wonderland. Một vai diễn dù lớp phấn hóa trang đã che hoàn toàn bộ mặt thật sự, nhưng cử chỉ, ánh mắt và trạng thái khuôn mặt vẫn khiến người xem thấy rõ tài diễn xuất của diễn viên này.

Chẳng trách báo chí phương tây nói rằng Depp đã kéo khán giả bắc Mỹ đến rạp xem Wonderland. Đặc biệt với đôi mắt của Hatter, đội kỹ xảo tăng kích thước đôi mắt của Depp để khán giả có thể thấy rõ những cung bậc cảm xúc thể hiện qua đôi mắt và nhận ra sự thay đổi màu sắc khi cảm xúc biến chuyển. Các nhà thiết kế đã rất cẩn thận để các hiệu ứng này không thu hút nhiều sự chú ý, nhưng đủ để khán giả nhận ra sự độc đáo của Hatter.

Những kỹ xảo

Phóng to đầu của nữ hoàng đỏ (nhân vật trong phim) bằng hai lần kích cỡ bình thường, trong khi giữ nguyên hoạt động và kích cỡ của phần thân người là một thách thức lớn. Các nhà làm phim đã sử dụng một hệ thống máy quay độc đáo thực hiện những cảnh quay liên quan đến thay đổi các yếu tố kích thước.

Nữ hoàng đỏ - nhân vật trong phim

Một camera sẽ quay các chi tiết với độ phân giải lớn hơn để cung cấp dữ liệu cho quá trình phóng lớn, sau đó đội ngũ kỹ xảo sẽ ghép riêng vùng chi tiết được phóng to vào những đoạn cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống này, các nhà quay phim luôn phải chú ý để tránh các góc quay trùng lắp gây sai hiệu ứng. Ví dụ như quay nữ hoàng đỏ, nếu bà ta giơ tay lên trước mặt, và họ phóng to đầu lên thì bà ta cũng sẽ có một bàn tay khổng lồ giơ ngang qua mặt.

Phần lớn các cảnh quay được thực hiện trong môi trường ảo đòi hỏi toàn bộ diễn viên thực hiện trên nền phông nền xanh, một điều nghe chừng giản đơn nhưng lại là một thử thách không nhỏ. Mia Wasikowska, diễn viên đóng vai Alice nói: “Điều này khó khăn bởi bạn phải tưởng tượng ra cảm giác như khi đang ở trong khung cảnh thật vậy.”

Ngoài việc sử dụng hiệu ứng màn hình xanh, một số nhân vật còn được tạo ra hoàn toàn bằng CGI (Computer-Generated Imaging – tạm dịch: dựng hình ảnh bằng máy tính) trong khâu hậu kỳ, như thỏ trắng, chuột sóc Dormouse, Jabberwocky, March Hare và Dodo. Trong quá trình quay, những nhân vật này chỉ được tượng trưng bằng các tấm biển màu xanh, hoặc một người nào đó mặc bộ đồ xanh từ đầu đến chân. Các diễn viên thật đôi khi cũng gặp khó khăn khi diễn xuất giữa hàng loạt tấm bảng và người mặc đồ xanh kín mít.

Sự thay đổi kích thước thường xuyên của các nhân vật cũng là thử thách đối với đội ngũ sản xuất. Alice ít khi ở kích thước bình thường, có chỉ cao hơn 7cm, lúc lại gần 2,5 mét, và các nhân vật khác đều phải thay đổi theo tỷ lệ ngược lại như vậy. Bất cứ khi nào có sự khác biệt về tỷ lệ giữa hai nhân vật trong một khuôn hình, mọi thứ phức tạp hơn đòi hỏi sự tính toán kỹ và sử dụng tới vài kỹ xảo hình ảnh.

Sau khi phần diễn xuất trên nền xanh hoàn tất, Sony Imagework sẽ làm phần việc còn lại, tạo đồ họa máy tính cho Underland ("thế giới" trong phim Alice in Wonderland) và các nhân vật. Tổng cộng có khoảng 2.500 hiệu ứng hình ảnh trong toàn bộ phim. Những cảnh quay Alice ở thế giới thực tại được thực hiện tại Cornwell, Anh. Còn Underland thì được quay tại trường quay ở Los Angeles .

Underland - "thế giới" trong bộ phim
Alice in Wonderland

Buton, đạo diễn bộ phim, nói: “Mọi người đều có một quan niệm về Underland. Trong tâm trí của mọi người, nơi đây luôn tràn ngập ánh sáng và nét hoạt họa. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu giờ Alice trở lại, thì có lẽ nó đã trở nên buồn tẻ đi chút ít sau khi cô bé trở về nhà.”

Để tạo ra những khung cảnh trong Underland, đầu tiên các nhà làm phim bắt đầu với nguồn tài liệu là các cuốn truyện của tác giả Carroll. Họ thu thập tất cả các hình vẽ của nhiều họa sĩ, những người vẽ hình minh họa trong các tập truyện Alice in Wonderland và treo lên trên tường để lấy cảm hứng. Sau đó, các nhà thiết kế bàn nên giữ những chi tiết của sách gốc như thế nào và sáng tạo ra một vùng đất mới lạ chưa từng xuất hiện trước đây.

Underland của đạo diễn Burton đang trượt trên con dốc suy tàn, màu sắc và sức sống đang bị rút cạn bởi sự cai trị áp bức của nữ hoàng đỏ. Cảm hứng cho sự héo hon của Underland là một bức ảnh được chụp trong thời chiến tranh thế giới thứ II về một gia đình người Anh đang uống trà bên ngoài ngôi nhà của họ. Tuy nhiên, khi câu chuyện phát triển và khả quan hơn, màu sắc của Underland cũng dần có thêm ánh sáng và màu sắc.

Trang phục và âm nhạc

Một số nhân vật còn được tạo ra
hoàn toàn bằng CGI trong khâu hậu kỳ

Bộ phim có nội dung về câu chuyện diễn ra tại hai thế giới khác nhau: thực tại và xứ sở thần tiên, việc thể hiện sự giống và khác nhau giữa hai bên không đơn giản. Trong sách gốc không có nhiều chi tiết về trang phục, ngoại trừ chiếc mũ của nhân vật Hatter được miêu tả kỹ lưỡng ra, phần trang phục của các nhân vật khác đều là sáng tạo mới.

Sự thay đổi thường xuyên về kích thước nhân vật cũng là một thử thách đối với phụ trách phục trang Atwood. Họ phải kết hợp chặt chẽ để tạo ra những tỷ lệ khác nhau cho chất vải ăn khớp với sự biến hóa của Alice lúc nhỏ lúc lớn của Alice . Khi thu nhỏ lại, các sợi vải phải to ra và ngược lại. Ngoài ra, các nhân vật đồ họa máy tính cũng được chuẩn bị trang phục kỹ lưỡng qua phối hợp giữa đội ngũ phục trang và đội kỹ xảo.

Buena Vista Records sẽ ra mắt hai album độc đáo kết hợp với Alice in Wonderland. Nhạc nền của phim kết hợp những bản nhạc của nhà soạn nhạc từng có 4 đề cử giải Oscar là Danny Elfman, và Almost Alice gồm 16 bài hát lấy đề tài về bộ phim do Avril Lavigne và một số nhóm nhạc và ca sỹ khác biểu diễn. Elfman phải chờ đến khi có những đoạn phim đầu tiên của Alice mới có thể bắt đầu soạn những tác phẩm ưng ý vì cho rằng: “Đây là câu chuyện về Alice, do đó, Alice không chỉ có duy nhất một mà còn có vài giai điệu riêng”

                                                                                                             Theo SGTT






Các bài mới
Các bài đã đăng