Tạp chí Sông Hương -
Cánh Diều 2009: "Oscar Việt Nam" - còn lâu!
08:58 | 16/03/2010
Chúng ta từng hy vọng giải Cánh diều hàng năm sẽ thành "Oscar của điện ảnh Việt Nam". Nhưng 8 mùa "diều bay" tưởng rằng những "chấp chới" của mùa trước sẽ được khắc phục trong mùa này. Nhưng sau khi theo dõi đêm trao giải có phần tẻ nhạt hôm qua (14/3) thì có lẽ giấc mộng về một giải "Oscar Việt Nam" còn lâu mới thực hiện được.
Cánh Diều 2009:
Lễ trao giải Cánh diều vàng 2009. Ảnh: Dino Trung

Xếp hàng” lên nhận Cánh diều

Mặc dù sau 57 năm nền điện ảnh nước nhà mới có được cho mình một ngày kỷ niệm riêng, nhưng quả thực phát pháo khai màn cho Ngày điện ảnh Việt Nam chưa tạo được những gì ấn tượng và hoành tráng như sự kỳ vọng của những tín đồ của môn Nghệ thuật thứ Bảy. Quy tụ những người tổ chức sự kiện hàng đầu thế giới, nhưng Hollywood đã bắt đầu chuẩn bị kịch bản cho giải Oscar từ nửa năm trước cho lễ trao giải của năm sau đó. Thế mà Cánh diều của ta lại chuẩn bị trong thời gian ngắn, vậy lấy hoành tráng đâu ra được? Không có đạo diễn, đêm trao giải chỉ được diễn ra trong khoảng 100 phút. Với thời lượng ngắn như thế thì khó có thể đưa được chiêu trò gì vào đêm trao giải. Có uy tín và danh tiếng, thế nhưng giải Oscar hằng năm vẫn luôn được đổi mới, cải tiến để thu hút nhiều hơn lượng khán giả xem đêm trao giải. Từ giữa năm 2009, những cải tiến mới của Oscar đã được công bố: Số lượng phim được đề cử cho giải phim hay nhất tăng lên con số 10, những thủ tục nghi lễ “râu ria” được cắt bỏ khỏi chương trình trao giải để bớt nhàm chán, nhà tổ chức chương trình cũng gợi ý những người đoạt giải hãy nói nhiều hơn về cảm xúc của họ với giải thưởng thay vì chỉ nói lời cảm ơn mà theo thăm dò “là phần chán nhất của đêm trao giải”.

Tưởng những việc trên thì có thể thực hiện quá dễ dàng nhưng năm nào cũng thế, để mở đầu cho Cánh diều là hàng loạt những thủ tục “rằng thì là mà”. Chính những thủ tục quá rườm rà kia đã khiến cho buổi lễ trao giải trở nên buồn tẻ.

Đã thế có đến gần 30 hạng mục giải thưởng được trao (con số này nhiều hơn năm ngoái vì có thêm giải Nam/ Nữ diễn viên truyện video và phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất) trong một buổi lễ ngắn ngủi, khiến cho người ta chỉ còn cách duy nhất là cắt xén tối đa những tiết mục ca nhạc phụ trợ trong đêm diễn và như một luật bất thành văn, những người lên nhận giải phát biểu càng ngắn càng tốt, và chuyện phát biểu này chỉ ưu tiên cho những hạng mục chính như: Đạo diễn xuất sắc nhất; Phim hay nhất; Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Còn các hạng mục phụ thì người đoạt giải cứ nhận giải xong là có một “đặc phái viên” của BTC đưa xuống sân khấu. Đây có lẽ là màn “ấn tượng nhất đêm trao giải”(!) Nhiều nhân vật chính của đêm trao giải, chủ nhân của những Cánh diều vàng, gần như không có điều kiện phát biểu. Người được nói nhiều hơn lại là những ngôi sao được mời đến để trao giải.

Không có nhiều giây phút xúc động trong lễ trao giải Cánh diều vừa qua, trừ màn rơi nước mắt của Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Minh Hương, phim Đừng đốt. Ở hạng mục diễn viên xuất sắc nhất, giải thuộc về Trịnh Hội, người nhận thay là đạo diễn Trọng Khoa. Nhưng Trọng Khoa thoái thác không phát biểu, anh chỉ nói, anh không phải là Trịnh Hội, nên không biết nói gì. Nhìn cảnh tượng “xếp hàng thứ tự” lên nhận giải sau đó lại lũ lượt về chỗ, quả thực khiến người xem không mấy hứng thú. Cái tiếc là cả một hội nghề nghiệp vốn thừa đạo diễn lại không có ai đủ tâm, đủ nhiệt huyết và đủ tài “vẽ đường cho diều bay”.

Bất ngờ ở '14 ngày phép'

Cánh diều năm nay được diễn ra trong bối cảnh LHP vừa tổ chức trước đó vài tháng khiến cho sự quan tâm của dư luận cũng có phần nguội lạnh hơn. Kết quả của Cánh diều với những hạng mục quan trọng của điện ảnh thì có lẽ... ai cũng có thể đoán trước. Chuyện kịch cũ tái diễn là không thể tránh khỏi bởi suy cho cùng dù Cánh diều được bổ sung thêm một số phim Tết như: Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Những nụ hôn rực rỡ, Không cân sức, thì cuộc chiến tranh giải cũng không có gì thay đổi bởi trong lịch sử 8 năm trước chưa bao giờ những phim Tết, vốn được làm theo kiểu “ăn dỗ tiền” này lại có thể tiến sâu vào cuộc tranh hùng.

Bộ phim '14 ngày phép' đã gây bất ngờ tại Cánh diều vàng 2009


Không có gì bất công ở đây vì thành thực mà nói những phim dạng “ăn dỗ tiền khán giả” trên chưa bao giờ được xếp vào loại “điện ảnh đích thực”. Cuộc chiến Cánh diều năm nay chỉ còn lại của Đừng đốt và Chơi vơi, kịch cũ tại LHP VN lần thứ 16 được tái diễn. Kết quả Đừng đốt đại thắng với rất nhiều hạng mục, trong đó có những hạng mục quan trọng nhất như: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất,... Kết quả là không có gì phải bàn cãi.

Bất ngờ nhất là chiến thắng của 14 ngày phép - một bộ phim bị chê lên chê xuống khi ra mắt, nhưng số lượng giải thưởng (3 giải) đã vượt cả Chơi vơi và chỉ đứng sau Đừng đốt. Đặc biệt giải Biên kịch xuất sắc dành cho Nguyễn Trọng Khoa ở bộ phim này đã “lật ngược lại thế cờ” trước những dư luận chê bai trước đây rằng phim đầy tình tiết phi lý.

Những giải thưởng chính của Cánh diều vàng 2009

Đạo diễn phim truyện video và truyền hình dài tập


NSƯT Phạm Nhuệ Giang: Khoan nói lời yêu thương
Nguyễn Thanh Vân: Lều chõng

Giải phim truyền hình dài tập

Khoan nói lời yêu thương (Saga)
Vịt kêu đồng (TH TP HCM)

Diễn viên xuất sắc phim truyện video

Nam diễn viên xuất sắc nhất: Phạm Cường (Khoan nói lời yêu thương)
Nữ diễn viên xuất sắc: Trương Thị May

Diễn viên xuất sắc phim truyền hình dài tập

Nam diễn viên xuất sắc: Hoàng Sơn (Vịt kêu đồng)
Nữ diễn viên xuất sắc: Kim Tuyến (Chuyện tình đảo ngọc)

Phim tài liệu khoa học

Thưở bình minh tân nhạc (Đạo diễn Việt Hương)
Một ngày với voọc quần đùi (Đạo diễn Nguyễn Hồng Quảng)
Đạo diễn xuất sắc phim TLKH: Nguyễn Hồng Quảng (Phim Một ngày với voọc quần đùi)

Phim tài liệu nhựa

Người thắp lửa (Đạo diễn Nguyễn Như Vũ)
Đạo diễn xuất sắc nhất: Nguyễn Như Vũ

Phim hoạt hình

Thung lũng cỏ vàng (Đạo diễn Lê Bình – Hãng phim Hoạt hình VN)
Đạo diễn xuất sắc: Lê Bình (Phim Thung lũng cỏ vàng)

Phim truyện nhựa:

Biên kịch xuất sắc: Nguyễn Trọng Khoa (Phim 14 ngày phép)
Họa sỹ xuất sắc: Phạm Quốc Trung (Phim Đừng đốt)
Quay phim xuất sắc: NSƯT Lý Thái Dũng (Phim Chơi vơi)
Nhạc sỹ xuất sắc: Trọng Đài (Phim Được sống)
Âm thanh xuất sắc: NSƯT Bành Bắc Hải (Phim Đừng đốt)
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Thái Hòa (Phim 14 ngày phép)
Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Linh Dung (Phim Chơi vơi)
Diễn viên trẻ triển vọng: Bảo Thy (Phim Công chúa teen và ngũ hổ tướng)
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Trịnh Hội (14 ngày phép)
Nữ diễn viên xuất sắc nhất: Minh Hương (Đừng đốt)
Đạo diễn xuất sắc nhất: Đặng Nhật Minh (Đừng đốt)
Phim truyện nhựa được khán giả bình chọn: Đừng đốt
Phim truyện nhựa xuất sắc nhất: Đừng đốt


                                                                                                         Theo TT&VH






Các bài mới
Các bài đã đăng