Tạp chí Sông Hương -
Elif Batuman và cuốn sách nổi tiếng về văn học Nga
09:23 | 25/03/2010
Elif Batuman là cây bút gốc Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả của cuốn sách nghiên cứu về văn học Nga gây tiếng vang tại Mỹ. Dưới đây là những chia sẻ của cô về một trong những nền văn học lớn nhất thế giới.
Elif Batuman và cuốn sách nổi tiếng về văn học Nga
Tác giả Elif Batuman

The Possessed: Adventures with Russian Books and the People Who Read Them - cuốn sách của Batuman ngay sau khi xuất bản đã nhận được sự ca ngợi của những tờ báo hàng đầu tại Mỹ như The New York TimesLos Angeles Times.

Elif Batuman là con gái của một cặp vợ chồng người Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Harvard, Batuman hiện giảng dạy tại khoa Văn học so sánh Đại học Stanford.

- Tại sao chị lại chọn nghiên cứu về văn học Nga?

- Tôi nghĩ đây là nền văn học có sức hấp dẫn cả thế giới. Tôi đọc Anna Karenina lần đầu tiên ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến về thăm bà nội. Ngôi nhà của bà có rất nhiều sách văn học Nga. Đồng thời, là người lớn lên trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nên nước Nga, với tôi, là một mảnh đất đầy bí ẩn. Tôi cũng nhận thấy đất nước này ít nhiều giống với Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai quốc gia đều không hẳn là châu Âu, cũng không hoàn toàn là châu Á. Mọi thứ về nước Nga với tôi đều là cả một bí mật. Và có một điều rất hay nữa. Tuy là một quốc gia lớn và mạnh như nước Mỹ, nhưng Nga lại dường như đối lập và khác hẳn với Mỹ về mọi thứ. Nga là một đất nước bí ẩn và lãng mạn, nên vì thế, luôn luôn quyến rũ.

- Chị đã bao giờ phân tích văn học Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong thế so sánh?

- Tôi đã đọc những tài liệu rất thú vị về Nazım Hikmet, Vladimir Mayakovsky và mối quan hệ giữa họ. Cách đây vài năm, Orhan Pamuk cũng từng có cuộc nói chuyện tại Đại học Stanford. Ông ấy đã đưa ra những ý kiến rất hay về văn học Nga, văn học Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây. Tôi cũng nhớ mình từng đọc Çalıkuşu của nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ - Reşat Nuri Güntekin. Cuốn sách khiến tôi liên tưởng đến Maxim Gorky.

Cuốn sách của Elif Batuman đang rất được quan tâm tại Mỹ.

- Trong “The Possessed”, chị viết, chị đã chán phải đọc mãi tiểu thuyết của Orhan Pamuk rồi. Chị đánh giá thế nào về nền văn học Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại?

- Khi ở Istanbul, tôi nhận ra rằng, các hiệu sách tràn ngập sách văn học trong nước, của các nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nghĩ, nhờ Orhan Pamuk mà viết văn đã trở thành một nghề được chấp nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã mang vinh quang và những điều nhiều hơn thế nữa về cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với giải thưởng Nobel Văn học. Văn học Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay rất đa dạng, hấp dẫn.

- Chị thường đọc nhà văn nào của Thổ Nhĩ Kỳ?

- Tôi đọc Nazım Hikmet. Thực sự, tôi không thích tiểu thuyết của Pamuk lắm nhưng tôi rất kính trọng ông trong vai trò của một nhà văn. Tôi đánh giá ông cao hơn nhiều so với trước đây, sau khi được nghe ông nói về công việc viết. Tôi thấy những điều ông nói thực sự hữu ích, cuốn hút và thành thực.

- Là một người sử dụng được nhiều thứ tiếng, chị nghĩ sao về kế hoạch viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ?

- Tôi vẫn rất ghen tỵ với những người đa ngôn ngữ. Tôi chưa đủ khả năng viết bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi chưa bao giờ đi học ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng tôi rất thích được viết bằng một ngôn ngữ thứ hai. Chúng ta có ví dụ về trường hợp của nhà văn Nabokov. Ban đầu, ông sáng tác bằng tiếng Nga. Rồi ông từng than thở rất nhiều khi phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng khi viết bằng tiếng Anh, ông thậm chí còn xuất sắc, hài hước và sáng tạo hơn cả khi viết bằng tiếng Nga. Đó là điều rất đáng kinh ngạc. Những nhà văn như Samuel Beckett và Milan Kundera cũng sáng tác bằng tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của họ. Với một nhà văn - người làm việc với ngôn ngữ, thì việc viết bằng ngôn ngữ thứ hai là một thách thức đầy thú vị.

Theo Thanh Huyền - evan

Các bài mới
Các bài đã đăng