Tạp chí Sông Hương -
'Con chim nhại' sau 50 năm vẫn hót
14:14 | 07/04/2010
Năm nay kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản "To Kill a Mockingbird" (Giết con chim nhại) của Harper Lee. Cuốn tiểu thuyết là một hiện tượng văn học toàn cầu, với 30 triệu bản được tiêu thụ. Tác phẩm đoạt giải Pulitzer và là một trong những cuốn sách được yêu thích nhất trong lịch sử văn học.
'Con chim nhại' sau 50 năm vẫn hót
Trang bìa cuốn sách.

Năm 1964, nhà văn Harper Lee từng nói: "Tôi không bao giờ mong thành công như thế đến với Giết con chim nhại. Tôi cũng không ngờ cuốn sách lại bán chạy như vậy. Tôi chỉ mong một cái chết nhanh và nhân từ trong tay các nhà phê bình".

Và với quan niệm đó, Lee nhanh chóng biến mất khỏi sự soi mói của giới truyền thông, trở thành một tác giả ẩn dật, lánh đời kiểu J.D. Salinger.

Nếu Lee là người giữ ngọn lửa sống của Con chim nhại một cách thầm lặng thì Mary Badham - người thủ vai Jean Louise Finch (tức Scout) - là ngọn đuốc sống thắp sáng rực rỡ - dẫu chỉ qua bộ phim.

Badham sinh ra ở Birmingham, Alabama, Mỹ. 50 năm trước, tên gọi thành phố này đồng nghĩa với phân biệt chủng tộc. Ở vào tuổi trẻ con, ngây thơ, Badham đã góp một phần nhỏ chống lại tệ nạn này với vai diễn Jean Louise Finch (năm 1962). Đến nay, những ký ức về 3 tháng sống chung với đoàn phim Giết con chim nhại vẫn rất sống động trong ký ức của Badham.

To Kill a Mockingbird được đề cử 8 giải Oscar và đã đoạt 3 giải thưởng dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc (Gregory Peck trong vai Atticus), Kịch bản xuất sắc (Horton Foote) và Quay phim xuất sắc. Badham được đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhưng không giành giải. Tuy vậy, điều đó không khiến cô bé buồn phiền. Badham đã sống một cuộc sống như Scout. "Chúng tôi đọc sách trong những ngày mưa gió và ra ngoài đi chơi khi nắng ráo".

Nhưng có một cuốn sách, Badham đã không đọc ngay từ lúc còn nhỏ. Đó chính là Giết con chim nhại. Việc đó chỉ xảy ra nhiều năm sau, khi Badham được một giáo sư mời tham dự một bài giảng văn học Anh về cuốn tiểu thuyết. "Tôi không muốn tới đó chút nào. Tôi có mọi điều tôi muốn trong ký ức nhỏ của mình. Thế là đủ", nữ diễn viên nói.

Gregory Peck và Mary Badham trong phim.


Nhưng khi mở trang sách ra, thế giới nhỏ bé của thị trấn Maycomb từng được xây dựng trong phim bỗng hiện lên một cách sâu sắc và rộng lớn. "Thật tuyệt diệu. Cuốn sách mở rộng kiến thức của người đọc rất nhiều. Ở đó có những nhân vật tôi từng không biết gì về họ", Badham kể.

Nữ diễn viên tiết lộ thêm, một điều tuyệt vời trong quá trình quay Giết con chim nhại là tình cảm thân thiết giữa các thành viên trong đoàn phim. Cô bé Badham được làm bạn với ngôi sao lớn nhất Hollywood lúc bấy giờ - Gregory Peck (1916 - 2003). "Ông là người đàn ông tuyệt vời", cô nói. Và theo cô, những gì người ta chứng kiến về quan hệ giữa các nhân vật trong phim cũng không mấy khác so với ngoài đời thực.

Badham thường thân mật gọi Gregory Peck là chú Peck vì cô còn quá nhỏ để chỉ gọi tên ông. "Atticus là nhân vật được viết ra để dành cho ông ấy cũng như Scout là vai diễn dành riêng cho tôi. Vì vậy mà chúng tôi rất gần gũi".

Theo The Sydney Morning Herald, hàng chục năm trôi qua, các thành viên đoàn phim vẫn "gắn bó như người trong một nhà".

"Tôi không biết có bộ phim nào mà sau khi phim kết thúc đã nhiều năm, các diễn viên vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, vẫn thường gặp gỡ nhau khi có việc đến chung một thành phố. Lúc Gregory Peck còn sống, tôi chẳng ngại ngần gì khi cầm điện thoại lên và đầu dây bên kia, Atticus sẽ nói: 'Làm gì đó, nhóc con?". Điều này thực sự có ý nghĩa với tôi".

Trong khi thời gian dường như không xóa mờ được tình yêu của Badham dành cho những gì liên quan đến Giết con chim nhại thì việc đọc lại cuốn tiểu thuyết, xem lại bộ phim lại là điều thực sự khó khăn với cô. "Tôi không thể đọc nó, không thể xem lại nó. Thật đau buồn khi mọi người đã ra đi gần hết".

                                                                                                            Theo eVan










Các bài mới
Các bài đã đăng
Đến lượt (06/04/2010)