Tạp chí Sông Hương -
“Picasso của xứ Ấn” phải từ bỏ quốc tịch
14:23 | 07/04/2010
Họa sĩ nổi tiếng nhất Ấn Độ Maqbool Fida Husain đã phải sống lưu vong từ bốn năm nay sau khi một nhóm Ấn giáo cực đoan treo giải thưởng 11,5 triệu USD để lấy tính mạng ông. Mới đây ông tuyên bố từ bỏ luôn quốc tịch Ấn.
“Picasso của xứ Ấn” phải từ bỏ quốc tịch
M.F. Husain bên một tác phẩm của ông

Ngày 26-3 vừa qua, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã không đồng ý bãi bỏ vụ tố tụng hình sự đối với M.F. Husain - họa sĩ nổi tiếng nhất của đất nước này, người được tạp chí Forbes mệnh danh là “Picasso của xứ Ấn”, khi ông bị những người Ấn giáo cực đoan kiện về tội báng bổ tôn giáo xuất phát từ những tác phẩm hội họa gây tranh cãi của ông.

Quyết định này đến vài tuần sau khi Husain tuyên bố không giữ quốc tịch Ấn để được nhận quốc tịch Qatar, một vương quốc Hồi giáo ở Trung Đông, nơi ông từng sống lưu vong từ bốn năm trước do sợ sẽ bị những người Ấn giáo cực đoan sát hại.

Sinh năm 1915, Husain sớm mồ côi mẹ khi còn thơ ấu và lớn lên ở Mumbai. Ông khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật trên 70 năm bằng công việc vẽ pa-nô quảng cáo phim ảnh của Bollywood. Bắt đầu nổi tiếng từ cuối thập niên 1940, sau đó ông gia nhập nhóm họa sĩ trẻ cấp tiến, gây được sự chú ý quốc tế. Năm 1952, tranh của Husain được triển lãm tại Thụy Sĩ, rồi các nước châu Âu khác và đến tận Mỹ. Năm 1971, ông là khách mời cùng với Pablo Picasso tại Hội chợ mỹ thuật lưỡng niên Sao Paolo.

Vài năm gần đây Husain trở thành họa sĩ có tranh được bán với giá cao nhất trong lịch sử mỹ thuật Ấn Độ. Đầu năm 2008, tác phẩm bộ ba hoành tráng Trận chiến giữa Ganga và Jamuna: Mahabharata 12 lấy cảm hứng từ sử thi Ấn Độ Mahabharata đã được bán với giá 1,6 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York.

Tinh thần Ấn Độ (tranh sơn dầu)

Mới đây, năm 2009, một bức tranh của ông đạt mức giá kỷ lục 2 triệu USD cũng tại nhà Christie’s. Không chỉ vẽ tranh, Husain còn là nhà làm phim tài năng. Bộ phim đầu tiên của ông có tựa đề Qua mắt nhìn một họa sĩ đã đoạt ngay giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 1967.

Nổi tiếng nhất, nhưng Husain cũng là tác giả gây tranh cãi nhiều nhất tại Ấn Độ bởi ông đã vẽ một số bức tranh mô tả các vị thần Ấn giáo trong tư thế khỏa thân. Họa sĩ cho rằng trạng thái khỏa thân tượng trưng cho sự tinh khiết và nhiều lần nhấn mạnh nghệ thuật của ông không nhằm mục đích xúc phạm hay báng bổ tôn giáo.

Thế nhưng Husain vẫn bị nhiều tổ chức Ấn giáo kiện ra tòa với gần 1.000 đơn kiện từ 1996 đến nay. May thay, vào năm 2004, Tòa án Tối cao Delhi đã bác bỏ những cáo buộc ấy. Trước đó, năm 1998, nhà riêng của Husain bị tấn công và nhiều tác phẩm của ông bị hủy hoại, các chủ gallery có ý định trưng bày tác phẩm của ông bị đe dọa. Những phản ứng dữ dội đến mức một triển lãm của ông tại London buộc phải đình lại vì sợ bị tấn công.

Tháng 2-2006, tác phẩm Mẹ Ấn Độ của ông thể hiện nữ thần Bharatmata trong tư thế khỏa thân và cũng là bản đồ xứ Ấn đã gây những sóng gió trong dư luận, dẫn tới những đe dọa tính mạng của vị họa sĩ đã quá tuổi chín mươi.

Mặc dù có không ít những người công khai bênh vực ông, nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ, nhưng Husain buộc phải rời quê hương sống lưu vong ở Dubai, Qatar và London từ năm 2006 đến nay sau khi một tổ chức Ấn giáo xuyên quốc gia tuyên bố treo giải thưởng 11,5 triệu USD cho ai giết được ông.

Mẹ Ấn Độ (tranh sơn dầu)


Năm 2007, thủ đô New Delhi của Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức triển lãm trọng thể những tác phẩm Husain vẽ trong gần 20 năm, nhưng tiếc rằng triển lãm đó không thành do gặp sự chống đối dữ dội của đảng Shiv Sena theo Ấn giáo.

Đầu tháng 3-2010, Husain quyết định từ bỏ quyền công dân Ấn Độ của mình để nhận quốc tịch Qatar vì luật pháp Ấn không cho phép người dân có hai quốc tịch. Husain cho biết không hối tiếc về quyết định này bởi đó là cách duy nhất khiến ông có thể tiếp tục làm việc.

“Ở tuổi 40, tôi đã có thể chiến đấu đến cùng, nhưng giờ tôi chỉ muốn chỉ tập trung vào công việc. Tôi không muốn bất kỳ rối loạn nào. Chín mươi chín phần trăm người dân Ấn Độ đã yêu tôi và họ vẫn còn yêu tôi. Tôi là một họa sĩ gốc Ấn và tôi sẽ vẫn như thế cho đến hơi thở cuối cùng” - ông tỏ ra tin tưởng.

Chính phủ Ấn Độ đã đề nghị bảo vệ an toàn cho Husain bất cứ khi nào ông muốn quay trở lại đất nước. Điều đó phần nào giúp ông dù ở xa nhưng vẫn nhớ về Tổ quốc của mình.

                                                                      Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần












Các bài mới
Các bài đã đăng