Tạp chí Sông Hương -
Văn Miếu đón nhận Bằng Di sản tư liệu thế giới
09:59 | 08/04/2010
Sáng 7/4, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám diễn ra lễ đón nhận Bằng Di sản Tư liệu thế giới dành cho 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê- Mạc và tuyên bố của Hà Nội về Cảnh quan đô thị lịch sử.
Văn Miếu đón nhận Bằng Di sản tư liệu thế giới

Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng; Bà Ngô Thị Doãn Thanh- Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội và bà Katherin Muller-Marin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

82 bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng, khắc tên 1304 tiến sĩ. Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.

Bia đá đặt tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh lịch sử khoa cử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc mà còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo của Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.

Ngày 9/3/2010, trong phiên họp toàn thể thường niên của Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (tại Ma Cau, Trung Quốc) đã công nhận 82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê- Mạc là Di sản Tư liệu thế giới.

Tại buổi lễ Văn Miếu đón nhận Bằng Di sản Tư liệu thế giới, bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã khẳng định: “Hồ sơ bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê- Mạc (1442-1779) được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới là món quà vô cùng ý nghĩa đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến rất gần. Những tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám dược vinh danh không chỉ là việc công nhận một di sản quý của cha ông để lại cho Hà Nội mà còn thể hiện bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô”.

Chúc mừng Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Hà Nội và Trung tâm coi trọng hơn nữa việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, góp phần phát huy văn hoá dân tộc.

Cũng tại buổi lễ, Hà Nội đã đưa lễ Tuyên bố về “Cảnh quan đô thị lịch sử”. Tuyên bố này đã được thông qua tại “Diễn đàn UNESCO- Trường Đại học và Di sản lần thứ 12” do Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cùng TP Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Valencia, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức từ ngày 5-10/4/2009.

Tuyên bố Hà Nội về Cảnh quan đô thị lịch sử tập trung vào vai trò và trách nhiệm chủ yếu của các thành viên, của các quốc gia tham gia diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà nghiên cứu cùng công chúng về: Tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản đô thị trong thời kỳ thay đổi và phát triển đô thị nhanh chóng như ở TP Hà Nội; Nhu cầu phát triển bền vững các thành phố hiện đại kết hợp với việc quân tâm đến các giá trị di sản và văn hoá; Tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường song hành với chính sách bảo tồn di sản; Nhu cầu kết nối những người hành nghề trong lĩnh vực di sản văn hoá và giới hàn lâm với chính quyền thành phố; Vai trò của cộng động và những người dân địa phương trong việc xác định, bảo tồn và phát triển giá trị di sản của Thủ đô Hà Nội. Tuyên bố cũng đồng thời đưa ra 18 khuyến nghị trong đó có khuyến nghị phố biến rộng rãi tuyên bố này để nâng cao nhận thức về cảnh quan đô thị lịch sử.

                                                                                                             Theo Toquoc






Các bài mới
Các bài đã đăng