Tạp chí Sông Hương -
Thấm thía cách người Nhật xây dựng văn hoá
15:15 | 09/04/2010
Ngày 8.4, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN đã họp báo về chương trình giao lưu tại Nhật Bản của các gương mặt nổi bật trong lĩnh vực VHNT ở VN và kỷ niệm hai năm thành lập trung tâm tại VN.
Thấm thía cách người Nhật xây dựng văn hoá
Một góc Kyoto (Nhật Bản).

9 cá nhân nổi bật trong lĩnh vực VHNT và 1 nhà báo được Japan Foundation mời dự chương trình tham quan, giao lưu tại Nhật Bản 10 ngày (28.3 - 6.4). Các thành viên đã chia sẻ những cảm xúc, ấn tượng về chuyến đi:

NSƯT Thành Lộc: Đoàn đã tới 6 địa điểm, di chuyển liên tục, chỉ ngủ khoảng 5h/ngày. Hầu hết những nơi chúng tôi đến, nghệ sĩ hoạt động độc lập và họ đã cho nhiều bài học quý báu. Vai trò cá nhân vô cùng đặc biệt trong sự hình thành văn hóa dân tộc.

Dịch giả Cao Việt Dũng: Qua những cuộc gặp các nhà văn, biên tập viên nhà xuất bản, thấy rõ ở đâu cũng có những khó khăn đặc thù giống nhau, vì vậy nỗ lực của từng cá nhân là quan trọng nhất.

TS Trần Thị Huyền Sâm: Ấn tượng nhất là điệu cúi chào của người Nhật: Rất khiêm nhường, nhưng rất mạnh mẽ. Thăm Kyoto, thấy nhà cửa có nét tương đồng với nét kiến trúc, văn hóa Huế. Đến Hiroshima, tôi đã khóc vì xúc động, nhất là nghe câu chuyện kể của một nhân chứng chiến tranh.

Nhạc sĩ Đức Trí: Tôi thấm thía cách người Nhật xây dựng nền tảng văn hóa tốt để có một xã hội tốt. Giáo dục văn hóa là rất quan trọng. Nhật mở cửa đón văn hóa phương Tây rộng rãi thì sức đối kháng văn hóa dân tộc Nhật lại càng mạnh.

Nhà thơ - KTS Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi ấn tượng về câu chuyện hoa anh đào: Nở rộ và rụng khi nó đẹp nhất. May mắn là tôi nhìn thấy và chạm má vào những công trình kiến trúc nổi tiếng của Nhật Bản...

Ca sĩ Phạm Khánh Linh: Thấy áp lực công việc của người Nhật rất lớn, nhưng thái độ lại rất lạc quan. Sự kiên trì và nỗ lực rất lớn của người Nhật đã tạo ra sự phát triển.

Curator Như Huy: Nghệ thuật đương đại Nhật, nhất là nghệ thuật trình diễn nổi tiếng trên thế giới, tôi đã xem nhiều, nghe nhiều, nhưng được chứng kiến tận mắt thì cảm giác khác hẳn. Nhất là khi tôi xem triển lãm tại “3331 Art Chiyoda” với không gian phá cách, giải toả những khuôn khổ mang tính định chế. 

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Tôi đến văn phòng LHP Tokyo, BTC đang chờ đợi phim VN, vì lâu lắm họ không thấy phim VN gửi tham dự. Đến một phim trường cổ ở Kyoto, họ cũng sẵn sàng trao đổi, hợp tác, rào cản còn lại là ngôn ngữ.

Đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn: Hoạt hình ở Nhật phát triển nhất, còn hoạt hình ở VN lại kém phát triển nhất. Nhưng một đạo diễn Nhật đã nói: Hoạt hình ở Nhật cũng đã trải qua những khó khăn lớn như VN, nhưng rồi đã lại vượt lên.

Theo V.V - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng