Tạp chí Sông Hương -
Vang bóng một thời: Kim Hương - nàng Tiểu Loan "Bên cầu dệt lụa"
08:35 | 14/04/2010
Vở cải lương Bên cầu dệt lụa của đoàn Thanh Minh -Thanh Nga một thời làm rung động lòng người. Và bên cạnh tiểu thư Quỳnh Nga - Thanh Nga nổi tiếng còn có một nàng hầu Tiểu Loan - Kim Hương cũng được khen ngợi không kém...
Vang bóng một thời: Kim Hương - nàng Tiểu Loan
Nghệ sĩ Kim Hương và con gái - Ảnh: NS cung cấp

Tiểu Loan - nàng Tía và Dương Vân Nga

Thật tình tôi vẫn nhớ như in gương mặt của nghệ sĩ Kim Hương dù lúc xem hát tôi chỉ mười mấy tuổi. Vở Bên cầu dệt lụa cứ phát đi phát lại trên truyền hình mỗi tối thứ bảy, và khán giả cứ rưng rưng với mối tình của Trần Minh khố chuối - Thanh Sang. Nhưng đến những lớp mà nàng Tiểu Loan xuất hiện thì khán giả cười thú vị. Bởi Tiểu Loan thông minh quá, lém lỉnh quá. Tiểu Loan có cái miệng hơi móm, nhưng là móm duyên, chừng 20 tuổi nên trẻ trung đầy sức sống. Tiểu Loan theo hầu Quỳnh Nga mở lều dựng quán, nuôi tằm dệt tơ để nuôi Trần Minh ăn học, thoát khỏi vòng kềm tỏa của người cha ham danh vọng phú quý bỏ rơi chữ nghĩa nhân. Không có Tiểu Loan làm sao Quỳnh Nga dám đơn thân độc mã bước ra cuộc đời. Cho nên, nói là người hầu nhưng thực ra là bạn tri âm, nhất nhất tâm ý của Quỳnh Nga đều được Tiểu Loan thấu hiểu, cảm thông. Tiểu Loan còn là “vệ sĩ” của Quỳnh Nga, mỗi khi tiểu thư bị bắt nạt thì Tiểu Loan chống đỡ bằng trí thông minh, bằng miệng lưỡi sắc sảo. Chủ nào tớ nấy, Quỳnh Nga kiên cường, trâm anh lịch lãm thì cũng phải có nàng hầu tương xứng. Tiểu Loan hiện ra với cốt cách không hề hèn mọn như tôi tớ, mà có vẻ ăn học, thanh nhã, nói năng đi đứng khi văn vẻ, trang nghiêm, khi thẳng thắn, trí tuệ. Xem những lớp Tiểu Loan đối đáp với người cha ham danh vọng hoặc với nàng công chúa Bích Vân cao ngạo, khán giả rất thú vị. Nghệ sĩ Kim Hương đã tạo một dấu ấn khó phai, và thực sự sau này chưa có ai đóng vai Tiểu Loan dễ thương như thế.

 
Nghệ sĩ Kim Hương sinh năm 1954 tại Sài Gòn, 8 tuổi đã theo học ca cổ với thầy Út Trong nổi tiếng. Sau học thêm với thầy Hai Khuê, giảng viên trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. 14 tuổi vào đoàn Trăng Mùa Thu. Sau đó đi đoàn Kim Chưởng, Thanh Minh, Phước Chung, Trung Hiếu, Hương Mùa Thu. 1996 về Nhà hát múa rối TP.HCM làm quản lý.
 

Đến vai nàng Tía trong vở Tiếng trống Mê Linh, Kim Hương lại tiếp tục khắc họa một nhân vật lém lỉnh, thông minh. Nàng Tía giả dạng người bán rượu để trà trộn vào hàng ngũ quân Hán lấy tin tức cho thủ lĩnh Trưng Trắc. Nàng Tía vừa xinh xắn, vừa phản ứng nhanh nhẹn, rõ ràng là một “gián điệp” tin cậy. Nàng Tía lật tẩy Chương Hầu - Bảo Quốc, khiến ai nấy cười vui vẻ. Hài mà vẫn tử tế, hài mà không lạm dụng mảng miếng phá vỡ nhân vật. Hài như thế đâu phải dễ.

Chỉ cần hai vai diễn đã đưa cô đào trẻ vào lòng người ái mộ.

Năm ấy, Kim Hương mới 21 tuổi. Bên cầu dệt lụa công diễn cuối năm 1975, Tiếng trống Mê Linh (1977), Dương Vân Nga (1978), và NSƯT Thanh Nga qua đời ngay sau đó, kết thúc giai đoạn rực rỡ của đoàn Thanh Minh. Kim Hương được đôn lên đóng vai Dương Vân Nga, đi diễn khắp các tỉnh và tận miền Bắc. Khi các ngôi sao từ giã đoàn Thanh Minh ra đi thì Kim Hương cũng theo gót. Chị tham gia vài đoàn hát khác, và cuối cùng trụ lại Nhà hát múa rối TP.HCM với vai trò người quản lý. Cải lương trở thành một kỷ niệm...

Giấc mơ đẹp


NSƯT Thanh Nga (vai Hoa Mộc Lan), Kim Hương (phải) (vai Thu Sương) trong vở Hoa Mộc Lan - Ảnh: NS cung cấp

Thật bất ngờ khi biết Kim Hương dù đã nghỉ việc, hoạt động tự do, vẫn là người chuyên chạy tài trợ và tổ chức biểu diễn cho múa rối và nhiều chương trình khác. Chị học được “nghề” tiếp thị trong những tháng ngày xa sân khấu. Từ chỗ bất đắc dĩ, chị trở thành chuyên nghiệp hồi nào không hay, và mối quen biết mở rộng khiến chị sống thoải mái hơn. Chị nói: “Tôi sẽ trở lại cộng tác với đoàn Thanh Nga (trưởng đoàn hiện nay là ông Hoàng Ngọc Ẩn), vì đó là mái nhà đã giúp tôi phát triển nghề nghiệp, tôi vẫn tri ân. Hôm nọ, đi xem đoàn diễn một tuồng Phật, khán giả đông quá, tôi thật xúc động. Cho nên, tôi không chỉ trở lại làm diễn viên, mà còn muốn tổ chức sự kiện gì đó cho đoàn. Mình lớn tuổi rồi, không chỉ đi hát kiếm tiền ào ào như hồi xưa, mà muốn làm việc hướng thiện nữa”. Chị biết cải lương đang hồi khó khăn, nên ước mơ tạo ra những cơ hội để cải lương được sống còn. Bàn tay nhỏ bé nhưng nếu vỗ thì ắt có tiếng kêu, còn hơn ngồi im lặng chờ đợi ngày cải lương tàn rụi.

Thật sự chị rất nhớ nghề. Bao nhiêu năm làm quản lý, tưởng nỗi nhớ đã ngủ yên, không ngờ nó lại sống dậy trong những ngày đi xem danh hài Hoài Linh diễn kịch. Công ty Nụ Cười Mới thuê rạp Măng Non của Nhà hát múa rối TP.HCM, chị lui tới, rồi đam mê. Chị kể một giấc mơ rất lạ, trong mơ chị thấy Hoài Linh mặc áo vua mà đi chân đất, tới kéo tay chị: “Kim Hương, đi hát đi!”. Chị choàng tỉnh, bàng hoàng linh cảm đó là tổ nghiệp lay gọi chị chứ không phải Hoài Linh ngoài đời. Sau đó tự nhiên Đài truyền hình TP.HCM mời chị đóng hai tuồng cải lương, rồi một bộ phim dài tập cũng đang mời chị. Chị mừng quá, lăng xăng luyện giọng mỗi ngày.

Kim Hương cười rất tươi, ăn ngon lành không cần giữ eo (eo đâu nữa mà giữ!). Chồng chị qua đời đã mười năm nay, chị ở vậy nuôi đứa con gái, giờ đang học ngành du lịch. Hai mẹ con sống vui vẻ trong căn hộ nhỏ cùng khu chung cư với NSND Diệp Lang. Đời nghệ sĩ xem ra cũng không đến nỗi... bèo dạt mây trôi!

Theo Hoàng Kim - TN

Các bài mới
Các bài đã đăng