Tạp chí Sông Hương -
“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ làm hạt nhân của Festival Biển-đảo VN”
09:15 | 19/04/2010
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có tờ trình gửi Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xin đăng cai Festival Biển - đảo Việt Nam sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012.
“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ làm hạt nhân của Festival Biển-đảo VN”
Thả thuyền và hình nhân trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi, người sẽ được giao nhiệm vụ làm “chủ xị” của lễ hội này - cho biết: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ làm hạt nhân của Festival Biển-đảo VN”.

Vì vậy, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức vào tháng 4 năm nay sẽ là bước tập dượt cho một festival biển đảo quy mô sắp tới. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ chung quanh chủ đề này ngay tại đảo Lý Sơn-nơi chuẩn bị diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trong tháng 4 này.

Nguyễn Đăng Vũ từng làm giảng viên môn Văn học phương Tây của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (1981-1989). Sau ngày tách tỉnh Nghĩa Bình (1989), ông trở về quê nhà Quảng Ngãi, giữ một chân trong Ban biên tập Tạp chí Cẩm Thành - một tạp chí chuyên ngành của Sở Văn hoá - Thông tin, chuyên “đào bới” chuyện xưa tích cũ của miền núi Ấn - sông Trà này.
 
Có lẽ trong quá trình tìm hiểu những thư tịch cổ và các chuyến điền dã phục vụ cho công việc, ông Vũ đã bén duyên với món “đồ cổ” của quê hương. Luận án tiến sĩ: “Văn hoá dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi” năm 2002 của ông là đề tài được xếp loại xuất sắc. Ông dành phần lớn dung lượng của luận án để nói về Lý Sơn và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Thực ra lễ hội này được dân Lý Sơn “giữ lửa” từ mấy trăm năm nay nhưng không mấy người hay biết. Chỉ đến khi ông “để mắt” đến lễ hội này từ 1996 và cho in bài “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á năm 2002, và tổ chức có quy mô vào các năm 2005, 2008, thì mọi người mới tỏ tường về một lễ hội độc đáo vào bậc nhất đối với cư dân ven biển trong cả nước.

Nó độc đáo ở chỗ, qua lễ hội, người ta có thể gặp lại một Hoàng Sa oanh liệt và kiêu hùng từ hơn 300 năm trước. Chỉ bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh, người Quảng Ngãi, người Việt Nam đã có thể cưỡi sóng dữ để tiếp cận với biển Đông. Và hơn thế, những cuộc ra khơi thuở ấy còn là để khẳng định chủ quyền của quốc gia nữa.

Có thể nói, ông Nguyễn Đăng Vũ là người “quyết ăn thua đủ” về chuyện Hoàng Sa, đến mức, tháng nào ông cũng có mặt tại đảo Lý Sơn, bất luận trời yên hay ngày biển động. Chính vì vậy mà “Tờ lệnh” từ thời Minh Mạng điều động binh phu đi Hoàng Sa đã được ông Vũ đánh thức sau một giấc ngủ dài trong rương tủ của dòng họ Đặng ở Lý Sơn suốt 175 năm! Lần này ông Vũ ra đảo Lý Sơn cũng là để chuyện Festival sắp tới.

Vì sao có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa? Ông có thể nói qua về một nghi lễ được coi là “độc đáo” này?

- Còn nhớ, cách đây khoảng hơn mười lăm năm, tôi ra Lý Sơn công tác và bất ngờ gặp buổi tế lễ hơi khác lạ của một tộc họ ở đó. Hỏi các bô lão trong tộc họ thì mới biết đó là “cúng lề”, nhưng “lề” này được gìn giữ đã mấy trăm năm nay. Thường thì những cư dân ở các đảo dọc miền Trung, vào dịp đầu năm họ cúng tống ôn, nghĩa là tống khứ những thứ xui xẻo ra khỏi nhà.

Lễ vật trong cúng tống ôn cũng có hình nhân, có thuyền được làm cách điệu và được gia chủ thả trôi trên biển. Có điều, các tộc họ ở Lý Sơn, trong buổi “cúng lề” vào dịp tháng hai âm lịch, lễ thức thì giống cúng tống ôn nhưng họ lại khấn các đấng anh linh trong dòng họ đã từng ra Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước. Hỏi kỹ hơn chút nữa, tôi mới vỡ ra rằng, đó chính là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.


Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ

Ngay từ thời Chúa Nguyễn mở cõi về phía Nam, đến thời Tây Sơn, sau này là các vua triều Nguyễn, những binh phu ven biển Quảng Ngãi mà chủ yếu là con em đảo Lý Sơn, đã vâng mệnh triều đình, ra tận Hoàng Sa bằng những chiếc thuyền mỏng manh, để trước là nhặt các sản vật trên đảo, thậm chí là nhặt nhiều cổ vật từ các tàu buôn của phương Tây bị đắm và trôi dạt vô Hoàng Sa về dâng lên vua; sau là đo đạc hải trình, dựng miếu, đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
 
Thời chỉ có Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, Lý Sơn đã có những tên tuổi như Võ Văn Phú, Võ Văn Khiết, mà tiêu biểu là Phạm Quang Ảnh đi đo đạc thuỷ trình năm 1815. Khi đã phát triển thành thuỷ quân Hoàng Sa, vào thời Minh Mạng, còn có Trương Phúc Sĩ năm 1834, Phạm Văn Nguyên năm 1835, Phạm Văn Biện năm 1838, và đặc biệt là Chánh Đội trưởng thuỷ quân suất đội Phạm Hữu Nhật, quê đảo Lý Sơn được lịch sử ghi rất rõ về sự kiện đi cắm mốc chủ quyền cho Việt Nam tại Hoàng Sa năm Bính Thân - 1836.

Thời ấy đi biển rất khó khăn, phương tiện lại quá thô sơ, chỉ là những chiếc thuyền câu, chỉ dựa vào kinh nghiệm và lòng dũng cảm là chính nên phần lớn những người đi Hoàng Sa đều hy sinh trên biển. Ở Lý Sơn có câu ca dao nghe thật xót lòng cho thân phận những binh phu thời ấy: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”. Câu ca ấy đã nói lên một cách đầy đủ về sự hy sinh của lính Hoàng Sa thời đó. Chính vì thế nên người được chọn đi Hoàng Sa, ngoài sức khoẻ phi thường, lòng dũng cảm, còn thường phải là con thứ và chưa vợ.

Hành trang mà những binh phu đi Hoàng Sa thời ấy, ngoài lương thảo, họ còn mang theo 7 sợi dây mây, 7 nẹp tre, một đôi chiếu và một tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản quán của người lính. Những thứ này nhằm phục vụ cho việc chẳng may người lính nào hy sinh trên biển, họ sẽ được đồng đội bó xác lại và thả trôi trên biển với hy vọng khi dạt vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích họ để đưa về bản quán.
 
Tuy nhiên, thường thì ít người “tìm về” được bản quán nên dân Lý Sơn mới lập các ngôi mộ chiêu hồn để tưởng vọng họ. Trong những ngôi mộ này, chỉ có hình nhân bằng đất sét chứ không có xương cốt. Bởi vậy, ở Lý Sơn hiện vẫn tồn tại hàng trăm ngôi mộ chiêu hồn, là ngôi mộ có khác chút ít với những ngôi mộ được coi là “gió” và luôn được người dân gìn giữ với tất cả sự thiêng liêng.

Tưởng vọng những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ ra Hoàng Sa, hàng năm, vào độ tháng hai, tháng ba âm lịch, các tộc họ ở Lý Sơn  lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, dựng lại toàn bộ không khí vừa trang nghiêm nhưng cũng rất đỗi bi hùng của một thời ra trận ấy.

Lễ Khao lề có một ý nghĩa tâm linh riêng, liệu có cần thiết phải lồng vào với Festival Biển-đảo? Nội dung chủ yếu của Festival Biển-đảo sắp tới là gì, thưa ông?


- Với tất cả sự phong phú và đa dạng của các lễ hội mà những địa phương có biển, đảo trong cả nước mang về tham dự sẽ làm cho Lễ Khao lề được nổi bật hơn. Nước ta có hàng ngàn kilômét bờ biển với hàng trăm đảo lớn nhỏ dọc theo chiều dài đất nước, là nơi trầm tích nhiều tầng văn hoá cả vật thể và phi vật thể mà chưa được đánh thức, Festival Biển-đảo sẽ là dịp để những chủ nhân của các lễ hội ấy có điều kiện phô diễn những nét riêng của địa phương mình.
 
Chẳng hạn như hát bả trạo, hát sắc bùa hay lễ cầu ngư, múa gươm, lễ giồi bòng hay lắc thúng, đua thuyền… mỗi vùng sẽ  mỗi khác. Sẽ có sự giao thoa giữa các lễ hội này ở mỗi địa phương, song Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thì chỉ có một, không trộn lẫn được. Đúng ra là chúng tôi cũng đã tính đến phương án “nâng cấp” Lễ Khao lề thành lễ hội cấp quốc gia, song vì những lý do “tế nhị”, trong thời điểm này sẽ khó được chấp nhận.

Vả lại, chúng tôi cũng có tham vọng, nếu tổ chức thành công Festival Biển-đảo VN lần đầu tiên, những lần tiếp theo, festival sẽ không bó hẹp trong phạm vi Việt Nam mà sẽ mở rộng ra các nước trong khu vực có biển, đảo cùng tham gia, giống như Lễ hội Cồng chiêng quốc tế ở Tây Nguyên vừa rồi.

Ông nói, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay sẽ là bước tập dượt?

- Mấy năm nay, Lễ Khao lề đã thu hút sự chú ý của cả nước, song lễ chỉ dừng lại ở các tộc họ trên đảo. Năm nay, quy mô lễ sẽ lớn hơn, bên cạnh các tộc họ ở Lý Sơn tổ chức lễ, chúng tôi sẽ góp phần tổ chức một Lễ Khao lề chung cho cả tỉnh. Tất cả những nghi thức từng tồn tại trên đảo từ hàng trăm năm trước, có thể bị “bỏ sót” thì nay sẽ được phục hồi.

Sao không chọn ngay trong năm 2011 mà là năm 2012, thưa ông?

- Ngoài lý do là để có một khoảng thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất như chỗ ăn ở, đi lại cho hàng vạn người mà đến năm 2012, Quảng Ngãi mới có thể “gánh” nổi, vì đến năm đó, nguồn thu ngân sách của Quảng Ngãi sẽ đạt xấp xỉ 20 ngàn tỉ đồng, còn một lý do nữa là đến 2012 là năm mà tất cả các tỉnh dọc ven biển miền Nam Trung Bộ kỷ niệm 180 năm ngày thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh của mình, tính từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832).

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc cho những ý tưởng và kỳ vọng của Quảng Ngãi về một Festival Biển-đảo VN lần đầu tiên thành công mỹ mãn. 

Theo Trần Đăng - LĐCT




Các bài mới
Các bài đã đăng