Tạp chí Sông Hương -
Tôn Thất Lập... dịu dàng
15:09 | 20/04/2010
Ai đã nghe và yêu thích những bài hát của nhạc sĩ Tôn Thất Lập từ những tháng năm chống Mỹ trong đô thành Sài Gòn, trong phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe”, và sau này nghe những ca khúc như “Trị An âm vang mùa xuân” thì có thể hình dung Tôn Thất Lập là người rất sôi nổi, cứng rắn, phong thái rất “xuống đường”...
Tôn Thất Lập... dịu dàng
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Tôi cũng đã nhầm như vậy, khi chưa gặp Tôn Thất Lập. Tới khi gặp, chuyện trò, tâm tình, cả…uống rượu với nhau, tôi mới nhận ra người nhạc sĩ gốc “Huế đô” thậm chí gốc “Hoàng tộc” này thật…Không thể dùng chữ “hiền” vì ở “cấp độ” chữ nghĩa này vẫn chưa nói hết tính tình Tôn Thất Lập. Anh đúng là “trên cả hiền”!

Tôn Thất Lập dịu dàng, ăn nói luôn nhỏ nhẹ, quan tâm tới bạn bè, chu đáo với mọi người. Người như thế nếu phải họp để “đấu tranh nội bộ” thì sẽ ra sao nhỉ? Vậy mà Tôn Thất Lập đã từng là một nhạc sĩ kiên cường trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn những năm 70, đã từng nếm mùi lựu đạn cay và lao tù của chế độ Thiệu. Anh cũng là một nhạc sĩ xung kích trong suốt thời kỳ đất nước gặp vô vàn khó khăn sau khi giải phóng. Vậy mà anh vẫn “trên mức hiền” thì lạ thật!

Mấy năm nay, tự nhiên do duyên may đưa đẩy, tôi lại hay chơi với các bác nhạc sĩ. Có lẽ vì chơi với mấy bác này vừa vui vừa nhẹ mình. Những nhạc sĩ mà tôi được chơi đều là những người hiền lành. Cũng có người sắc sảo hay ưa lý luận như Trần Long Ẩn, hay “thực tế lơi phơi” như Trần Tiến, hay nói những lời thật thà mà không kém sức nặng như Đỗ Hồng Quân, hay nói bông phèng và tiếu lâm như Thế Bảo, hay nói bỗ bã và…nhậu và hát như Nguyễn Thụy Kha, hay nhậu…khan và…cười như Lê Quang Vũ…Tất cả họ đều vui. Nhưng tất cả họ đều khác với Tôn Thất Lập, dù Tôn Thất Lập cũng rất vui, cũng sẵn sàng…nhậu với bạn bè tới bến, cũng “ăn nói” có lẽ chả thua ai. Nhưng Tôn Thất Lập vẫn có nét gì đó khác lạ. Anh trầm, và hiền, và trên cả hiền, anh dịu dàng. Đó là một nhạc sĩ dịu dàng. Nếu nghe lại những sáng tác đã nổi danh của Tôn Thất Lập, nghe kỹ, ta sẽ nhận ra sự dịu dàng kỳ lạ ấy, dù ca khúc ấy có mang màu sắc những bài hát cổ vũ phong trào hay sáng tác cho tuổi thanh niên sôi nổi.

Đúng là mỗi nghệ sĩ tài danh không chỉ đóng góp những tác phẩm, những phong cách sáng tác, mà họ còn đóng góp chính cách sống của họ nữa. Và, tại sao không, đóng góp cái phần hiện hữu nơi tâm hồn họ là tính tình của họ. Với âm nhạc, tôi không tin một nhạc sĩ sống không thật lòng mà lại có những tác phẩm âm nhạc làm ấm lòng người khác. Nhưng nhiều khi, âm nhạc vượt ra cả bên ngoài tính cách hay tính tình một nhạc sĩ. Nó hướng ngoại. Vậy mà vẫn có những nhạc sĩ vẫn âm thầm hướng nội như Tôn Thất Lập. Dù ở cương vị Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, rồi Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ TP.HCM, rồi Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN, với biết bao công việc khác nhau trong một ngày, thì thời gian bắt buộc phải “hướng ngoại” sẽ nhiều hơn thời gian hướng nội. Vậy mà tôi có cảm giác, ngay khi phải “hướng ngoại” thì Tôn Thất Lập vẫn “hướng nội”. Có lẽ nó thuộc về bản tính của anh, không thể khác được!  

Theo Nhật Chung - TN




 

Các bài mới
Các bài đã đăng