Tạp chí Sông Hương -
Độc đáo làng văn hóa ở Quảng Phương
15:26 | 20/04/2010
Qua hàng trăm năm dựng làng, giữ đất, người dân xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tạo nên nét đẹp rất riêng của mình. Sống văn hóa là một trong những nét văn minh của làng tại Quảng Phương. Vậy nên, ở đây có 4 làng thì cả 4 làng đều được công nhận làng văn hóa cấp huyện.
Độc đáo làng văn hóa ở Quảng Phương
Đàn đáy trăm năm
Từ một điển hình

Quảng Phương có 4 mảnh làng quần tụ nhau hàng trăm năm có lẻ. Khi có chủ trương, lãnh đạo xã chọn làng Pháp Kệ xây dựng làng văn hóa đầu tiên. Đó là mảnh làng sống trên nền đất của người Chăm cổ. Gần một ngàn năm trở thành làng thuần Việt, những dòng họ ở Pháp Kệ đã hun đúc được gia tài văn hóa nổi trội cả vùng. Cư dân Pháp Kệ sống lề lối. Gia phong lễ tiết, truyền thống dòng tộc, họ hàng làng xóm từ xưa vẫn chảy trong huyết quản từng người nên việc dạy dỗ con cái luôn đem lại đạo đức cho con trẻ.

Di tích quốc gia đình làng Đông Dương hàng trăm năm là điểm tựa để người dân Quảng Phương dựng làng văn hóa.


Ông Nguyễn Quốc Thuận (77 tuổi), người làng Pháp Kệ, hào sảng kể: “Làng tui được chọn đầu tiên. Lúc đầu các xóm dựng làng văn hóa bằng cách làm sạch vườn tược, phát quang lối đi. Cuối mỗi tuần, trưởng xóm cùng trưởng thôn đi từng ngõ làng kiểm tra vệ sinh để chấm điểm. Làng có 4 xóm, xóm nào ít điểm nhất bị “tuyên” lên loa truyền thanh. Lâu dần cả 4 xóm đều sạch đẹp”. Tiêu chí dựng làng văn hóa không có trộm cắp, đánh nhau, người làng Pháp Kệ giữ vững từ những năm bao cấp. Ngày huyện cấp bằng văn hóa, Pháp Kệ mở hội đầu làng, mời các làng bên cùng dự. Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Lâm hỏi: “Pháp Kệ làm được, các bậc trưởng thượng của 3 làng còn lại có đốc thúc con cháu dựng làng văn hóa?”. Những bậc bô lão đến dự, hoan hỉ đồng thanh nói to: “Nhất trí”.

Sôi nổi thi đua
Trong hai cuộc kháng chiến, Quảng Phương cống hiến 148 liệt sĩ, 109 thương binh, có 5 bà mẹ VNAH. Xã có đình làng Đông Dương hàng trăm năm được công nhận di tích quốc gia, các điệu hát ca trù cổ của làng Đông Dương là một phần của ca trù Việt Nam được công nhận di sản thế giới.

Mảnh đất này mê đàn hát nên còn lưu giữ được chiếc đàn đáy trăm năm. Đầy ắp nền văn hóa nên mỗi năm, con em Quảng Phương đỗ đạt đại học từ 40-50 em. Nơi đây cũng còn bảo lưu được 5 giếng nước Chăm Pa cổ hàng ngàn năm tuổi cùng rặng trâm bầu ngàn năm độc đáo nhất Việt Nam.
Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Lâm nói, về cách dựng làng văn hóa để cả xã trở thành xã văn hóa là một cuộc thi đua sôi nổi. Ông nói: “Làng văn hóa là thương hiệu của thôn quê. Năm 2001 Pháp Kệ được công nhận làng văn hóa. Những làng khác nhìn vào, noi vào đó xem làng mình khiếm khuyết gì mà không được như Pháp Kệ”. Và một cuộc thi đua bền bỉ từ năm này qua năm khác được khởi động. Những trưởng thôn, trưởng xóm họp lại, quây quần cùng nông dân trên bờ xôi ruộng mật phân tích lý lẽ của cuộc sống văn hóa và phải phấn đấu để đạt được làng văn hóa.

Dần dà cuộc thi đua trên cũng đưa đến kết quả tốt nhất. Xã có 4 làng thì cả 4 được công nhận làng văn hóa cấp huyện (Pháp Kệ, Đông Dương, Hướng Phương, Tô Xá). Vui nhất là làng Hướng Phương, một làng có nhiều giáo dân sinh sống.

Hiện tại, xã Quảng Phương có đến 10 đơn vị văn hóa, ngoài 4 làng trù mật được công nhận, còn có 6 đơn vị khác là trường học và UBND xã cũng được công nhận đơn vị văn hóa cấp huyện. Đáng chú ý nhất là đơn vị văn hóa Dòng tu Mến thánh giá nữ Hướng Phương đang nuôi dưỡng hơn 100 cháu bé mồ côi không nơi nương tựa, một đơn vị văn hóa giàu lòng nhân ái.

Một người theo đạo Công giáo Hướng Phương nói: “Làng tui phấn đấu để cho bằng những làng khác. Ai cũng nghĩ làng tui khó lên, nhưng cả làng đồng tâm, đồng lòng. Chừ văn hóa rồi, làng sống không cãi cọ, chẳng trộm cắp, sống lành mạnh, trong sáng, sức làng như lớn thêm, dân làng như vui hơn”.

Ở Quảng Phương, theo lời Chủ tịch UBND xã Hồ Viết Lâm: “Chưa có hộ giàu” nhưng đã làm được kỳ tích ngoạn mục của 8.000 con dân các làng.

Theo Minh Phong - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng