Tạp chí Sông Hương -
Tương lai mù mịt của “James Bond”
15:05 | 27/04/2010
Dự án sản xuất bộ phim “James Bond” thứ 23 đã bị hoãn vô thời hạn bởi nguy cơ sụp đổ của Công ty sản xuất MGM.
Tương lai mù mịt của “James Bond”
Nam diễn viên Daniel Craig - người đóng vai James Bond phần 21 và 22

Nếu cứ tiếp diễn, người hâm mộ điện ảnh sẽ có thể không gặp lại Điệp viên 007 trong... nhiều năm nữa.

Thông tin trên được chính hai nhà sản xuất là Michael Wilson và Barbara Broccoli xác nhận vào hồi đầu tuần.

Theo họ, không ai biết được thời điểm tiếp tục sản xuất cũng như ngày ra mắt của bộ phim.

Phần mới nhất trong loạt phim về siêu điệp viên người Anh đã từng được đồn đại sẽ phát hành vào năm 2012 (kỷ niệm tròn 50 năm James Bond trên màn ảnh lớn) cùng với sự tham gia của Daniel Craig - lần thứ 3 trong vai diễn Bond - và kiều nữ Rachel Weiz, đảm nhận nhân vật nữ chính. 

Sự trì hoãn trên được coi là “giọt nước cuối cùng” và là minh chứng rõ ràng cho tình trạng “khốn đốn” hiện tại của Công ty mẹ MGM.

Với logo quen thuộc mang hình một con sư tử đang “há mồm” gầm gào, Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) được thành lập vào năm 1924 và từng được coi là một trong những hãng phim thành công nhất tại trên thế giới.

Những năm 50 của thế kỷ trước thường được nhắc đến như thời kỳ vàng son nhất của MGM, khi một loạt những bộ phim kinh điển được sản xuất cùng với xuất hiện những ngôi sao hàng đầu Hollywood dưới “trướng” MGM.  

Những tên tuổi được vinh danh trong làng điện ảnh Mỹ và thế giới như Greta Garbo, Buster Keaton, Clark Gable, Jean Harlow hay Judy Garland... đều từng được “đào tạo” và nâng đỡ qua những bộ phim của MGM.

Mặc dù tôn chỉ hoạt động chính thức là một công ty “As Gratia Artis” (tạm dịch “Nghệ thuật vị nghệ thuật”) nhưng những người trong giới thường nhắc đến một phương châm hoạt động khác, không chính thức của MGM, chính là “More Stars Than There Are In Heaven” (tạm dịch “Sử dụng càng nhiều ngôi sao càng tốt”).

Tác phẩm xuất sắc nhất trong lịch sử của MGM có lẽ là bộ phim sử thi “Ben Hur” (1959) với chiến thắng tại 11 hạng mục của giải Oscar - một vị trí có lẽ chỉ bị đe doạ bởi siêu phẩm “Titanic”, gần 40 năm sau.

Thành công của “Ben Hur” là một trong như lý do khiến MGM quyết tâm theo đuổi mục tiêu “mỗi năm sẽ sản xuất một bộ phim có kinh phí cao”.

Tuy nhiên, nhiều tiền đầu tư không đảm bảo được cho chất lượng cũng như doanh thu của phim. Không ít bộ phim gặp thất bại thảm hại - góp phần vào sự thâm hụt tài chính của MGM qua nhiều năm.

Từng đổi chủ nhiều lần, hiện nay, sở hữu MGM là một liên kết gồm Sony, Comcast và một số công ty tư nhân khác. Là con nợ khoảng 3.7 tỉ USD, MGM đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử.

Những giải pháp được đưa ra cho công ty không nhiều, hạn chế ở việc sáp nhập với một công ty khác, bán đấu giá tài sản hoặc bán toàn bộ MGM. Carl DiOrio - phóng viên của tờ “Hollywood Reporter” phân tích: “Với khoản nợ trầm trọng như vậy, nếu chỉ dừng ở việc tái thiết công ty là không thể”.

Hồi tháng 3, một hãng phim khác là Lions Gate đã ra giá mua lại MGM với 1,4 tỉ USD nhưng không được chấp nhận. Sự rút lui của Lions Gate đồng nghĩa với việc MGM không còn sự lựa chọn nào tốt hơn lời đề nghị mua lại từ Time Warner với mức giá 1.5 tỉ đôla. Time Warner hiện đã nắm quyền sở hữu tất cả các bộ phim MGM sản xuất trước năm 1986 cũng như một nửa giá trị trong hai bộ phim “Hobbit” sắp tới của MGM. Điều khúc mắc lớn nhất chính là việc MGM tự đánh giá mình lên tới 2 tỉ USD.

Bộ phim duy nhất MGM phát hành trong năm nay là “Hot Tub Machine”, do John Cusack đóng vai chính cũng chỉ đạt được doanh thu ít ỏi, khoảng 42 triệu USD.

Theo Tiểu Phương - LĐCT


 

Các bài mới
Các bài đã đăng