Tạp chí Sông Hương -
Tính đa dạng văn hóa trong tác phẩm của Le Clézio
08:54 | 07/05/2010
Tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel năm 2008 sinh ra tại Pháp và mang hai quốc tịch Pháp - Mauritius. Nhưng trải nghiệm tuổi thơ của ông không chỉ dừng lại ở hai quốc gia này. Sự tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đã để lại ảnh hưởng rõ nét trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn.
Tính đa dạng văn hóa trong tác phẩm của Le Clézio
Nhà văn JMG Le Clézio. Ảnh: Guardian.

JMG Le Clézio từng bắt đầu sự nghiệp bằng những truyện ngắn trinh thám viết bằng tiếng Anh. Những năm 1950, sau khi tốt nghiệp Đại học Bristol, Clézio dạy học tại trường trung học Bath và xoay xở kiếm thêm tại một tiệm đồ cổ ở London. Ông sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Anh trong giai đoạn này. Nhưng tác phẩm của ông bị các nhà xuất bản Anh từ chối. "Vì thế mà tôi quyết định chuyển sang viết tiếng Pháp", nhà văn nói.

Năm 1963, The Interrogation - cuốn tiểu thuyết đầu tay của Clézio - được Gallimard xuất bản và ngay lập tức đoạt giải Prix Renaudot. Cuốn sách được so sánh với tác phẩm kinh điển Người xa lạ của. Le Clézio, với vóc dáng cao lớn, mái tóc vàng và gương mặt xương xương - dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson - trở thành một biểu tượng mới của vùng Left Bank.
 
Tuy nhiên, Le Clézio, sinh ra ở miền Nam nước Pháp, có ông bà là người Mauritius, mẹ là người Pháp, bố là người Anh từng làm bác sĩ ở Nigeria, lại không cảm thấy có nhiều mối ràng buộc với Paris. Nhà văn mang hai quốc tịch Pháp và Mauritius chia sẻ: "Tôi là người có nguồn gốc đa văn hóa - chủ yếu là Anh và Pháp, nhưng cũng có một ít Nigeria, Thái và Mỹ. Mọi thứ đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tôi".

Đến nay, JMG Le Clézio là tác giả của hơn 40 cuốn sách, từ tiểu thuyết, hồi ký, văn học thiếu nhi cho đến tiểu luận. Trước khi đoạt giải Nobel, sách của ông đã được dịch ra 36 thứ tiếng. Nhưng số đầu sách dịch ra tiếng Anh vẫn còn rất ít.

Hiện tại, hai vợ chồng nhà văn sống tại Latin Quarter ở Paris. Năm nay, Le Clézio đã bước sang tuổi 70 và rất ít khi trả lời phỏng vấn. Nhà văn từng sống ở Mexico, nhưng "khi mọi thứ trở nên nguy hiểm, đặc biệt là với các con tôi", họ chuyển về Pháp. Ông có 3 con gái, hai đứa với người vợ thứ hai Jémia - ông cưới từ năm 1975 và một đứa với Marina, người vợ đầu, kết hôn năm 1960.

Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh năm 1940, hai tháng trước khi Pháp rơi vào tay của Đức Quốc xã. Lo sợ Provence sẽ bị chiếm đóng, Simone, mẹ của nhà văn đã vội vã đưa hai con trai của mình đến Brittany. "Nhưng ngay khi chúng tôi chuẩn bị đi thì quân Đức ập đến. Chúng tôi bị chặn lại". Miền Nam nước Pháp bị Italy chiếm đóng vào năm 1942, sau đó đến quân Đức. "Hồi cuối chiến tranh, chúng tôi rất đói. Tôi thường xin thức ăn của người Mỹ. Họ cho tôi bánh mỳ trắng và chocolate. Điều này đã được tôi viết trong hồi ký". Những ảnh ảnh về chiến tranh cũng được Le Clézio thể hiện trong cuốn tiểu thuyết Wandering Star (1992) với nhân vật kể chuyện là hai cô gái - một cô người Pháp gốc Do Thái tị nạn đến Israel, cô kia là một nạn nhân người Palestine ở các trại tập trung.

"Bạn không thể kể chuyện từ một phía. Bạn phải kể đa chiều. Sự giết chóc của người Đức ở miền Nam nước Pháp và những người Palestine bị chết vì đói và bệnh tật trong các trại tập trung", nhà văn nói.

Theo Guardian, vì chiến tranh, Le Clézio không được gặp bố - Raoul - cho đến năm 8 tuổi. Năm 1948, trên con tàu đến Nigeria để gặp bố lần đầu tiên, Le Clézio đã bắt đầu viết tiểu thuyết - những bản thảo mà tới gần đây, ông vẫn nghĩ là chúng đã bị mất. Nhưng "mẹ tôi giữ chúng trong một chiếc vali. Bà qua đời cách đây không lâu. Tôi đã tìm lại được mọi thứ", nhà văn kể.

Bố Clézio làm việc tại Onitsha - một cảng sông ở Igboland, Nigeria. Trong ký ức của nhà văn, "đó là thiên đường tươi đẹp và tràn đầy tự do". Hai anh em ông có hẳn 2 năm không phải đến trường, "được chơi đùa với lũ trẻ ở Igbo, nói tiếng Igbo và cả tiếng Anh kiểu Igbo". Quãng thời gian này đã để lại dấu ấn trong tiểu thuyết Onitsha (1991) của nhà văn. Bên cạnh những kỷ niệm đẹp đẽ, nhà văn còn nhớ lại: "Tôi bị sốc bởi những tội ác mà người Anh đã làm ở Nigeria. Nhưng ở tuổi đó, bạn không có ý thức gì về chính trị cả. Bạn chỉ cảm thấy khó chịu và xấu hổ".

Tuổi thơ trải qua nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đã để lại dấu ấn đa dạng trong các tác phẩm của Clézio. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng khẳng định, Nobel Văn học 2008 là "hiện thân của nước Pháp trong một thế giới toàn cầu hóa".

                                                                                                                  Theo eVan











Các bài mới
Các bài đã đăng