Tạp chí Sông Hương -
Bị 'làm xấu' trên phim, diễn viên Việt than vãn...
09:46 | 07/05/2010
Trừ những vai diễn yêu cầu diễn viên phải làm xấu bản thân, một số nhân vật được coi là xinh đẹp trong phim thì nhan sắc vẫn không bằng chính diễn viên ấy ở đời thường. Vì thế, không ít khán giả ngạc nhiên khi vô tình đối diện trực tiếp với một diễn viên nào đó ngoài đời và thấy họ xinh đẹp hơn trên màn ảnh.
Bị 'làm xấu' trên phim, diễn viên Việt than vãn...

’Chân dài’ quá nhạt trên phim: Lỗi tại ai?

Theo quan niệm chung, diễn viên lên phim phải đẹp vì thế mới có câu “đẹp như diễn viên điện ảnh”. Thanh sắc là yếu tố quan trọng (nếu như không muốn nói là không thể thiếu) đối với ai muốn trở thành diễn viên. Thế nhưng có một nghịch lý dễ thấy ở ta là, diễn viên lên phim thường xấu hơn ngoài đời, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc diễn viên của họ đẹp hơn rất nhiều. Vì sao? Phải chăng nhan sắc diễn viên chúng ta kém cỏi?

Theo nghệ sĩ Vân Dung thì hầu hết các diễn viên nữ ở miền Bắc khi vào phim đều bị xấu hơn so với đời thường, trong khi đáng ra họ phải trẻ, đẹp hơn. Nữ diễn viên từng lọt top 15 cuộc thi hoa hậu báo Tiền Phong cho biết, đó có thể do trình độ hóa trang của mình còn kém nên không làm nổi bật vẻ đẹp của diễn viên trước ống kính. Bản thân chị cũng bị khán giả nghĩ là "không đẹp", chỉ khi gặp ngoài đời mới thấy "xinh thế".

“Nếu như ở nước ngoài, diễn viên trang điểm trông rất tự nhiên, đến nỗi cảm giác như không có sự can thiệp của phấn son mà vẫn đẹp, thì ở mình, khán giả có thể thấy rõ sự “make up” của diễn viên, tiếc là đa phần không được như mong muốn”, chị cho biết. Bởi vậy, không ít diễn viên khi bị nhận ra trước đám đông thì câu đầu tiên họ nghe được là “Ơ, ngoài đời trông xinh đẹp vậy mà sao trong phim lại xấu thế nhỉ”. Bị xấu hơn trên phim trong khi nhân vật không yêu cầu phải hy sinh đến thế đang là nỗi buồn của không ít diễn viên.

Diễn viên Minh Tiệp kể: “Có một cảnh trong một phim, do tôi thức khuya mắt bị sưng nên phải trang điểm để đỡ lộ. Nhưng khi xem phim, tôi thấy mình trông chẳng khác gì… gã đồng tính, nhìn rõ cả lớp phấn trên da mặt, buồn cười lắm”.

“Tôi thấy hiệu ứng của việc hóa trang trên phim của ta không nhiều. Tôi muốn đã làm thì phải có hiệu quả, không thì thôi. Cũng có thể tôi dị ứng với mỹ phẩm” anh cho biết. Chính vì thế mà nam diễn viên này hầu như không “make up” khi đóng phim. Tuy nhiên, theo anh, diễn viên trên phim đẹp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quay phim, ánh sáng…chứ không chỉ hóa trang

Nghệ sĩ Trung Hiếu cũng thừa nhận, trình độ hóa trang trong phim Việt còn thấp và hầu như chỉ dừng lại ở việc “trang điểm cho có vậy thôi chứ ít khi đáp ứng theo đúng yêu cầu về tính cách, số phận nhân vật”. Đó cũng là thiệt thòi cho diễn viên, vì hóa trang không hiệu quả thì cảm nhận của khán giả về diễn xuất của diễn viên ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thực tế, việc diễn viên xấu hay đẹp trên phim còn phụ thuộc vào việc người đó có “ăn hình” hay không, mà yếu tố này là trời cho. Có người ngoài đời rất bình thường nhưng lên phim lại đẹp, và ngược lại, có người khá hoàn hảo nhưng khi vào phim các nét trên khuôn mặt lại trở nên thô hơn, xấu hơn. Song cũng không thể phủ nhận, kỹ thuật góp một phần không nhỏ tạo nên nhan sắc của diễn viên trong phim. Đôi khi, chính tài nghệ hóa trang và tay nghề của người quay phim, phụ trách ánh sáng mới tạo ra những hình ảnh đẹp bất ngờ trên phim khiến cho nhân vật và diễn viên ấy ngoài đời có vẻ như “không liên quan gì đến nhau".

Giới điện ảnh vẫn còn truyền nhau câu chuyện về “diễn viên đẹp” của đạo diễn Mai Lộc khi làm phim Vợ chồng A Phủ. Ngày đó, phim đã quay xong nhưng khi xem lại thấy hình ảnh nữ diễn viên chính không đẹp, đạo diễn quyết định bỏ đi và quay lại toàn bộ để hình ảnh của nghệ sĩ Đức Hoàn trên màn ảnh thật cuốn hút. Vẻ đẹp hoang dã, đầy sức sống của nhân vật Mỵ cũng là một trong những ấn tượng khó quên, góp phần vào thành công khiến phim sống mãi trong lòng công chúng.

                                                                                                     Theo VietNamNet










Các bài mới
Các bài đã đăng