Tạp chí Sông Hương -
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân: Gửi ước mơ lên những cánh diều
08:34 | 12/05/2010
Gắn bó với niềm đam mê diều, ông Nguyễn Thanh Vân đã trở thành người đầu tiên trong cả nước được phong tặng Nghệ nhân dân gian ở bộ môn Diều nghệ thuật. Ông cũng đã ghi tên mình vào danh sách những kỷ lục gia Việt Nam.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân: Gửi ước mơ lên những cánh diều
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân và con diều rô “Việt Nam bay cao”.
Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Thanh Vân gắn liền với những buổi chiều cùng lũ bạn lúp xúp chạy theo những cánh diều từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Năm 6 tuổi, Vân tự tay làm con diều đầu tiên, và năm 10 tuổi có thể làm được con diều hoàn chỉnh. Khác với những đứa trẻ khác, thích làm diều để thả một thời gian rồi thôi, Nguyễn Thanh Vân làm diều, thả diều xong thì đem về cất ở đầu giường, như lưu giữ lại một phần ước mơ, ký ức tuổi thơ mình.

Làm xong con diều này, Vân đã nghĩ đến con diều khác. Không còn là những cánh diều bình thường nữa, cậu bé đã biết mày mò chế tạo những con diều với nhiều kiểu dáng phong phú, kích thước khác nhau. “Làm xong diều, nhìn nó chao lượn trên bầu trời, tôi cảm thấy lòng mình vui sướng như vừa hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật”, ông Vân tâm sự.

Nói là vậy nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn, lúc nào ông cũng tự hỏi, con diều thế này đã ổn chưa… Đến nay, ông Nguyễn Thanh Vân đã chế tác trên 200 mẫu diều khác nhau, từ diều sáo, diều hình chim, cá, rồng, phụng, đại bàng đến diều hình cờ Tổ quốc, hoa lá, rùa…

Đặc biệt, mẫu diều mang hình lá cờ Tổ quốc của ông đã tạo ấn tượng đặc biệt với hàng vạn du khách và khán giả truyền hình cả nước tại Liên hoan “Những cánh bay Việt Nam”, trong khuôn khổ Festival Huế và Festival biển Vũng Tàu năm 2006. Hoành tráng hơn cả là mẫu diều rồng dài 100m đã đưa tên tuổi Nguyễn Thanh Vân gia nhập danh sách những kỷ lục gia Việt Nam.

Nằm trong con hẻm nhỏ, căn phòng nhỏ xíu của ông đầy ắp những vải, tre, dây nhợ và những diều là diều. Ông Vân ngồi bệt dưới sàn, tỉ mẩn đo vẽ và cắt dán một con diều túi chuẩn bị tham gia Festival Huế vào tháng 6 tới. Nghề làm diều cũng lắm công phu. “Nhưng khó nhất là làm diều sáo. Để có được con diều với tiếng sáo vi vu trên trời phải làm sao cho “lưỡi” sáo phù hợp với diều, với hướng gió”, ông Vân cho biết.

Không chỉ tham gia hầu hết các buổi giao lưu, biểu diễn diều cùng các câu lạc bộ, đội nhóm trong cả nước, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân còn mang diều gia nhập các sân chơi quốc tế. Tại Festival Diều nghệ thuật quốc tế năm 2009 tổ chức tại Trung Quốc, con diều sáo sải cánh 4m, dài 3m của ông đã mang về giải bạc.

Gần đây nhất là Festival Diều nghệ thuật quốc tế năm 2010, tổ chức tại Ấn Độ với sự góp mặt của 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, con diều hình chim phượng hoàng (sải cánh 6m, dài 12m) của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã vinh dự đoạt giải nhất.

Ông khoe con diều rô dài 1.000m để chào mừng và biểu diễn nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã hoàn thành. Đây là con diều liên hoàn, được kết nối từ 320 con diều rô với đủ 7 sắc cầu vồng, có tên gọi “Việt Nam bay cao”. Tên của con diều đã nói lên ước nguyện của ông và các thành viên của CLB thả diều Phượng Hoàng. 

Theo Minh An- SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng