Tạp chí Sông Hương -
TFS công chiếu phim tài liệu “Hồ Chí Minh - một hành trình”
10:46 | 18/05/2010
Đây là một trong những dự án lớn trong dòng phim tài liệu của TFS trong năm 2010. Phim sẽ được phát sóng vào lúc 7h15 ngày 19.5 và phát lại lúc 23h30 cùng ngày trên HTV9.
TFS công chiếu phim tài liệu “Hồ Chí Minh - một hành trình”
Đoàn làm phim tại làng Sen - quê Bác. Ảnh: Lý Quang Trung
NSƯT Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc TFS - cho biết: “TFS chuẩn bị làm phim từ 3 năm trước. Nhóm làm phim (biên kịch: Trần Đăng Tuấn, đạo diễn: Lý Quang Trung, quay phim: Minh Quý, Huỳnh Lâm) đã đi lại cung đường Bác ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba trong vòng 35 năm, từ tháng 6.1911 tới năm 1946 - ngày Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến".

"Thoạt đầu, TFS làm phim với mục đích dành chiếu đúng ngày 5.6.2011 - kỷ niệm 100 năm ngày Bác từ bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, nhưng Đài Truyền hình TPHCM quyết định công chiếu phim vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác. Vì vậy, nhóm làm phim đã chạy nước rút hoàn thành 12 tập phim. Phim sẽ được chiếu lại vào ngày 5.6.2011”, ông Hùng nói.

Biên kịch Trần Đăng Tuấn thì cho biết: “Nhìn suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta có thể thấy, số phận buộc chúng ta đau khổ, nhưng cũng ban cho chúng ta những vị cứu tinh. Một trong những vị cứu tinh của dân tộc VN là Bác Hồ Chí Minh”.

Mạch phim xuôi theo trình tự thời gian - bắt đầu tuổi thơ của Bác ở huyện Nam Đàn. “Lịch sử nhân loại một phần được hình thành bởi sự di chuyển của những dân tộc, những cộng đồng, những binh đoàn, những vĩ nhân. Chuyến đi kéo dài hơn 30 năm của Nguyễn Tất Thành trở thành một trong những cuộc hành trình kỳ lạ, vĩ đại trong lịch sử dân tộc - một chuyến đi khát khao tìm hiểu thế giới, nung nấu ý chí đổi đời cho đất nước, một chuyến đi đầy chất phiêu lưu của một nhà cách mạng trẻ tuổi” - biên kịch Trần Đăng Tuấn nói.

Lần theo dấu xưa của Bác, trên con đường Nam tiến và Tây tiến, qua gần 20 quốc gia ở các châu lục, tới các địa điểm ghi dấu chân Bác, nhóm làm phim không khỏi bồi hồi, cảm xúc. Như tại Paris, nhớ lại giai đoạn 1917 - 1923, những hình ảnh xa xưa được tìm thấy từ trong kho tư liệu cho thấy, đây là quãng thời gian quan trọng đối với quá trình trưởng thành về mặt tư tưởng, đặc biệt là nhãn quan chính trị của Nguyễn Tất Thành...

Hay tại Hồng Kông, năm 1931 với 9 phiên toà kéo dài từ 31.7 - 12.9 - một sự kiện chính trị và tư pháp được biết đến dưới cái tên “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”... Hay giai đoạn 1934 - 1938 - khoảng thời gian, mà trong đó - theo biên kịch Trần Đăng Tuấn - là “hành động của Nguyễn Ái Quốc chưa được chúng ta biết một cách đầy đủ và chính xác, đó là những năm tháng mà đồng bào, đồng chí của Người cho tới tận hôm nay vẫn rất khát khao muốn biết rõ hơn...”.

Các mốc sự kiện chính, quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch từ 1911 - 1946 đều đã được nêu trong phim. Tuy nhiên, phim vẫn có một hạn chế nhỏ, đó là một số địa điểm ở nước ngoài - nơi ghi dấu thời gian hoạt động của Hồ Chủ tịch - nhóm làm phim chỉ có thể ghi lại những hình ảnh phía bên ngoài toà nhà. “Làm phim, chúng tôi khiêm tốn mong góp phần bổ túc kiến thức bằng hình về một quãng đời hoạt động của Bác Hồ” - ông Nguyễn Việt Hùng nói.

Theo Thuỳ Ân - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng