Tạp chí Sông Hương -
Amos Oz không dùng văn chương để làm chính trị
11:05 | 18/05/2010
Nhà văn nổi tiếng người khẳng định, nếu phải làm chính trị ông chỉ viết báo và viết tiểu luận. Còn với địa hạt văn chương, ông dành cho sự thấu cảm bản chất tự nhiên của con người.
Amos Oz không dùng văn chương để làm chính trị
Nhà văn người Israel tách bạch rạch ròi giữa công việc văn chương và chính trị. Ảnh: Dan Porges

Dưới đây là bài phỏng vấn Amos Oz, đăng trên trang hlo.hu, nhân dịp ông là khách mời danh dự của hội chợ sách Budapest, diễn ra tại Hungary năm nay:

- Vì sao tại một buổi thảo luận, ông từng đề cập đến việc: vai trò của nền văn học ở các quốc gia Anglo Saxon được quyết định bởi nhu cầu giải trí. Trong khi đó, ở các quốc gia Đông Âu và ở Israel, chức năng văn học tập trung vào việc mang đến định hướng cho độc giả?

- Tôi rất tin tưởng rằng có sự khác biệt lớn giữa nền văn học Anglo Saxon và nền văn học các nước Đông Âu cũng như văn học . Những mong đợi của độc giả vào các nền văn học này cũng khác nhau. Chức năng chủ yếu của văn học không phải là giáo huấn nhưng đôi khi nó cũng có ích về mặt này. Nghề của tôi là kể lại các câu chuyện chứ không phải là giáo dục người khác, nhưng một trong những khía cạnh mà văn học rất hấp dẫn tôi là khía cạnh đạo lý. Đặc biệt, cuộc đối đầu giữa lẽ phải với lẽ phải thì càng hấp dẫn tôi và khiến tôi thích thú nhiều hơn là cuộc đối đầu giữa lẽ phải với sự sai trái.

- Làm thế nào ông có thể tách bạch được những hoạt động chính trị của mình với hoạt động văn chương?

- Tôi chưa bao giờ biến văn chương của mình trở thành công cụ để đấu tranh chính trị. Thật ra, tôi tự vẽ ra được một lằn ranh rất nghiêm khắc. Khi nói về các vấn đề chính trị, tôi viết bằng thể loại tiểu luận và báo chí. Khi tôi muốn bảo chính phủ của tôi là hãy xuống địa ngục mà ở thì tôi không viết một tác phẩm văn chương, tôi sẽ viết một bài báo và nói rõ ra là "Ngài chính phủ thân mến, làm ơn đi xuống địa ngục đi". Họ đọc những bài báo của tôi nhưng vì lẽ gì đó họ cũng không hề đi xuống địa ngục. Thế nên, tôi phải tiếp tục viết đi viết lại những bài báo giống nhau.

Còn khi sáng tác, tôi sáng tạo dựa trên trí tò mò, lòng thấu cảm, niềm đam mê, tính hài hước và sự hấp dẫn ở bản chất tự nhiên của con người. 

- Cách đây hàng chục năm, ông đã chuyển đến sống ở một kibbutz [1] để phản đối cha mình vốn là một viện sĩ. Ông muốn vượt qua những mong đợi từ bố mình và trở thành một nông dân, một tài xế lái xe tải nhưng cuối cùng ông lại trở thành một nhà văn?

- Tôi nhận ra từ rất sớm rằng cũng giống như những cuộc nổi loạn khác, cuộc nổi loạn của tôi chống lại cha chỉ là nửa vời. Về phương diện chính trị, tư tưởng của tôi rất khác với cha tôi. Ông thuộc phe cánh hữu còn tôi là cánh tả. Ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc còn tôi là nhà hoạt động vì hòa bình. Vậy nên, sau khi ông qua đời 40 năm, tôi vẫn tiếp tục tranh cãi với ông hàng ngày về chính trị. Nhưng giờ tôi ngồi trong một căn phòng đầy sách và viết lách, đây chính xác là điều mà cha tôi hy vọng tôi sẽ làm được. Vì thế, tôi nhận ra được mặt châm biếm của sự nổi loạn đó.

- Nhân vật chính trong cuốn "Rhyming Life and Death" của ông là một nhà văn khá dè dặt, kín đáo và còn tỏ ra bất lịch sự khi bị những câu hỏi chán ngắt của phóng viên quấy nhiễu. Nhà văn này cũng không thích các cuộc phỏng vấn hay phải gặp gỡ độc giả. Nhưng ngược lại, ngoài đời, ông là một tác giả xuề xòa. Ở hội chợ sách này ai cũng có thể đến gặp ông và hỏi han ông này nọ. Vì sao ông lại miêu tả một nhà văn như thế trong cuốn sách của mình?

- Đầu tiên phải cám ơn rất nhiều vì đã không đánh đồng tôi với nhân vật trong cuốn sách của tôi, một nhân vật rõ ràng được sinh ra từ trí tưởng tượng và không hề là chân dung tự họa của tôi. So với tôi, nhân vật nhà văn này khá khép kín và e dè hơn nhiều.

Tôi muốn miêu tả làm thế nào mà trí tò mò và sức mạnh của óc tưởng tượng của nhân vật nhà văn đó, đẩy ông đến việc sáng tác nên những câu chuyện về mọi người. Ông ta ngồi trong một nhà hàng, kêu món trứng ốp la và cà phê rồi nhìn thấy cô bồi bàn và ngay lập tức nghĩ ra một câu chuyện về toàn bộ cuộc đời nàng. Rồi sau đó, ông đi đến dự một cuộc họp và trong khi giáo sư đang thao thao diễn thuyết thì ông chăm chú nhìn xuống cử tọa và sáng tác ra đủ loại câu chuyện. Ông là một con người đầy ắp trí tò mò, mà theo quan điểm của tôi, trí tò mò là một phẩm chất tốt xét trên phương diện đạo lý. Một con người biết tò mò thì là khá hơn hẳn là những ai không biết tò mò chi cả.

Tôi miêu tả cách nhân vật nhà văn của tôi sáng tác như thế thì không hẳn chính xác là tôi cũng như vậy. Đó chỉ là cách tôi suy nghĩ vì mỗi lần tôi đứng giữa đám đông những người xa lạ, tại nhà ga xe lửa, sân bay, hoặc trong phòng chờ một phòng khám, tôi thích nhìn người khác và quan sát họ, tôi nhìn ngôn ngữ cơ thể của họ, quần áo của họ và tôi ngóng những câu chuyện đối đáp giữa họ, rồi tôi hình dung về cuộc đời của họ. Đó là một thú tiêu khiển tuyệt vời, tôi đề cử thú này cho mọi người vì với sự giúp đỡ của trí tưởng tượng, chúng ta giải phóng được mình ra khỏi ngục tù của bản thân để vươn đến cảnh giới rộng mở ở bản chất tự nhiên của con người.

- Với nhiều nhà văn, viết lách là công việc đầy đau đớn, mệt mỏi và chả vui sướng gì. Ông nói rằng ông viết hàng ngày. Có bao giờ ông cảm thấy công việc này phiền hà với mình?

- Với tôi, nhu cầu viết lách cũng giống như nhu cầu mơ mộng. Với việc nằm mơ, tôi không có quyền chọn liệu lúc nào tôi mới mơ. Tôi nằm mơ vào mỗi tối và tôi viết lách hàng ngày. Khởi nguồn của việc viết lách cũng giống như khởi nguồn của việc nằm mơ thôi.

- Đây không phải là lần đầu tiên ông đến . Nhà văn người Hung nào mà ông thích đọc?

- Tôi có đọc một vài tác giả người Hung trong các bản dịch tiếng Hebrew và tiếng Anh. Tôi đọc Konrád, Esterházy, Spiró, Szabó và một vài người nữa. Tôi nhận ra được nhiều điểm tương đồng giữa văn học Hung và văn chương tiếng Hebrew trong sự chuyển động không ngừng của tri thức và chính trị. Cả hai nền văn học này đều có nhu cầu phải nghiên cứu và tìm hiểu quá khứ, để từ đó tái diễn dịch và thấu hiểu được hiện tại và tương lai.

                                                         Dóra Szekeres



Theo Chi Mai (trích dịch)- evan

[1] Một dạng cộng đồng không tưởng của người , có sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phục quốc của người Do Thái. Cộng đồng này có nền kinh tế chủ yếu dựa trên nông nghiệp.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng