Tạp chí Sông Hương -
Tự truyện Mark Twain hé lộ sau 100 năm
14:28 | 25/05/2010
Trước khi qua đời, tiểu thuyết gia người Mỹ để lại "tối hậu thư" yêu cầu, chỉ xuất bản tự truyện của ông 100 năm sau khi ông mất. Năm 2010 là thời điểm "tối hậu thư" của nhà văn hết hiệu lực.
Tự truyện Mark Twain hé lộ sau 100 năm
Nhà văn Mark Twain

Cha đẻ của những tác phẩm kinh điển về Tom Sawyer, Huckleberry Finn để lại nguồn di cảo khoảng 5.000 trang hồi ký chưa biên tập, sau khi ông qua đời vào năm 1910. Kèm theo chúng là một trang viết tay đề nghị không xuất bản sách của ông sau ít nhất một thế kỷ.

Tháng 11 tới, Đại học California , Berkeley (Mỹ) - nơi đang bảo quản di cảo của nhà văn - sẽ ấn hành tập đầu tiên bộ tự truyện của Mark Twain. Tác phẩm này dự kiến có 3 tập, hé lộ nhiều điều chưa từng được biết tới về nhà văn tài danh.

Giới học giả đã chia sẻ những ý kiến trái chiều về cuốn tự truyện và ý nguyện của Mark Twain. Nhiều người cho rằng, bằng cách lùi thời gian xuất bản 100 năm, nhà văn có thể tự do bày tỏ nhiều nhận định về tôn giáo và chính trị. Trong khi đó, những người khác phỏng đoán, Mark Twain làm như vậy chỉ để tránh xúc phạm đến những người đang sống có thể xuất hiện trong tự truyện.

Nhưng có một điều chắc chắn, bằng cách hoãn thời điểm xuất bản, nhà văn từng nổi tiếng trong thế kỷ 20 sẽ còn được độc giả nhắc nhở đến trong thế kỷ 21. Một phần nhỏ của cuốn hồi ký có đề cập đến mối quan hệ tai tiếng của nhà văn với Isabel Van Kleek Lyon - người trở thành thư ký của Mark Twain sau cái chết của vợ ông - Olivia - năm 1904. Quan hệ giữa hai người thân thiết đến độ Isabel từng tặng Twain một món đồ chơi sex. Nhưng năm 1909, cô bị nhà văn sa thải. Mark Twain cho rằng, Isabel đã "thôi miên" ông nhằm vơ vét gia tài của ông.

"Phần lớn, người ta cho rằng Mark Twain là một quý ông thanh lịch kiểu thời Victoria . Nhưng trong cuốn hồi ký này, nhà văn gọi người thư ký cũ của mình là "con điếm" và khẳng định, cô ta tìm mọi cách để quyến rũ mình. Đó là điều hoàn toàn khác lạ với những gì người ta thường hình dung về Mark Twain", nhà sử học Laura Trombley - người từng xuất bản cuốn sách Mark Twain's Other Woman hồi đầu năm nay - cho biết.

Theo Independent, một nguyên nhân khác giải thích cho việc nhà văn lùi thời điểm xuất bản cuốn sách là do ông ý thức được sức ảnh hưởng của ông đối với công chúng. Nhà viết tiểu sử Michael Sheldenb cho biết, với tư cách là một nhà văn Mỹ vĩ đại, nhiều quan điểm riêng của Twain có thể chi phối đến nhận thức của dư luận.

"Mark Twain nghi ngờ Chúa. Trong cuốn tự truyện, nhà văn bày tỏ băn khoăn về vai trò và sự can thiệp của Mỹ với các quốc gia như , Puerto Rico và . Ông chỉ trích tổng thống Theodore Roosevelt và cho rằng, chủ nghĩa yêu nước là thành trì cuối cùng mà bọn du thủ du thực sử dụng để nương náu. Ông cũng phản đối việc tuyên truyền Cơ đốc giáo đến châu Phi", Sheldenb nói.

Robert Hirst, trưởng nhóm biên tập bộ hồi ký của Mark Twain, cho biết, hơn nửa nội dung cuốn sách sẽ không được phát hành rộng rãi. Chúng chỉ được dành riêng làm tư liệu tra cứu cho các học giả, các nhà nghiên cứu và các cây bút tiểu sử.

"Nếu ai đó hỏi tôi 'có đúng là Mark Twain muốn bộ sách này chỉ ra đời sau 100 năm không?', tôi sẽ trả lời 'ông ấy là người biết rõ, làm thế nào để dụ dỗ độc giả mua sách của mình'", Hirst nói.

Theo Hà Linh - evan



 

Các bài mới
Các bài đã đăng