Tạp chí Sông Hương -
Tọa đàm và giới thiệu sách dịch Đức tại TP Hồ Chí Minh
14:55 | 26/05/2010
Triển lãm gồm nhiều hoạt động kéo dài từ 25 đến 30/5, với sự tham gia của các dịch giả, diễn giả như Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Trần Hữu Quang...
Tọa đàm và giới thiệu sách dịch Đức tại TP Hồ Chí Minh
Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn - Ảnh: BTC
Sáng 25/5, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM diễn ra buổi khai mạc triển lãm phản ánh gần như đầy đủ bức tranh về các tác giả và tác phẩm Đức ngữ đã được dịch tại Việt Nam. 17h chiều cùng ngày tại địa điểm này, công ty văn hóa Vàng Anh và Viện Goethe tổ chức buổi ra mắt sách Bộ tứ TKKG của tác giả Stefan Wolf, với bản dịch mới của Phạm Kim Chung. Đây là bộ sách được nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả tuổi thiếu niên Việt Nam rất ưa thích.  

Từ 9h30 sáng 26/5 tại Viện Goethe TP HCM (số 18, đường số 1, Cư xá Đô Thành, quận 3) có buổi giới thiệu sách và thảo luận về tác phẩm Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản (tác giả Max Weber, NXB Tri Thức 2007, tái bản 2010), Các nhà tư tưởng lớn của Ki-tô giáo (tác giả Hans Küng, NXB Tri Thức, 2010). Chiều cùng ngày, từ 15h đến 16h30, tại đây diễn ra tọa đàm Dịch sách triết học Đức - Việt với sự chủ trì của diễn giả Bùi Văn Nam Sơn.

Trong vài năm gần đây, một số tác phẩm then chốt của hai nhà triết học kinh điển Đức là I. Kant và W.F. Hegel đã được dịch. Hai triết gia này có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi họ cung cấp những bộ mã chìa để mở ra cánh cửa tri thức của nhân loại. Để có các bản dịch chính xác trên, Bùi Văn Nam Sơn phải đối chiếu nhiều bản dịch tiếng Anh, Pháp, Trung và đã chú giải một cách cẩn trọng. Công sức của Bùi Văn Nam Sơn, nói như giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm, là đã "tạo ra triết học Hegel, Kant bằng tiếng Việt", vì "Việt ngữ chưa có một cộng đồng ý nghĩa và ngôn từ cho người học triết".

Cũng trong buổi tọa đàm này, ông Đinh Tuấn Anh, phòng thông tin Viện Goethe, có bài thuyết trình ngắn về lịch sử và hiện trạng dịch thuật các tác giả Đức ở Việt Nam.

Đây là chương trình trong khuôn khổ các sự kiện "Năm Đức ở Việt Nam", kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức - Việt.

Theo Thất Sơn - evan


Các bài mới
Các bài đã đăng