Tạp chí Sông Hương -
Thành phố bị lịch sử và thời gian bỏ rơi…
08:53 | 10/06/2010
Nhà dân tộc học Eva Lindskog (sinh năm 1947 tại Thụy Điển) lần đầu tiên tới Hà Nội vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Với chiếc máy ảnh trên tay, bà đã ghi lại cảnh vật con người Hà Nội thời điểm đó trong những cuộn phim màu.
Thành phố bị lịch sử và thời gian bỏ rơi…
Nhà dân tộc học Eva Lindskog . Ảnh Lê Thiết Cương
Và như lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Bà và các nhân vật của bà chẳng biết rằng những khoảnh khắc ấy trong cái thời điểm lịch sử ấy mãi mãi vĩnh viễn chẳng bao giờ lặp lại ở đâu khác nữa. Là người Việt Nam, ngay chính tôi cũng ngạc nhiên và xúc động…”.

Khoảnh khắc ấy là những gian bán hàng Tết xuân Tân Dậu, một quán phở di động, góc phố cổ với những nóc nhà còn đơn sơ, người dân xếp hàng dài trước cửa hàng mậu dịch, một đám cưới chú rể đèo cô dâu bằng xe đạp Thống Nhất, một cuộc họp Quốc hội năm 1981... Cũng có những bức ảnh chúng ta cần quan sát kỹ bởi có nhiều câu chuyện bên trong. Đây là một người làm điếu cày để bán mặc bộ quần áo màu xanh nước biển cũ nhàu, ông ta có một cái chân gỗ, có thể là một thương binh, bên cạnh là một thanh niên trẻ bán hàng nước, một người thần kinh không bình thường, phía trên bán những chiếc áo phông trẻ em in tờ tiền dollar. Một bức khác chụp quang cảnh cửa hàng tổng hợp, bày bán nhiều những cái khung “Tổ quốc ghi công”, “gia đình vẻ vang”, “huân chương”... có ghi rõ số tiền (15, 18, 32 hoặc 35 đồng) tùy theo kích cỡ. Hành khách đứng ngồi nằm trên nóc hay dưới gầm toa tàu... Tất cả đều được ghi lại rõ nét.

* Nếu không nhìn những bức ảnh này, bà có thể miêu tả bằng lời về Hà Nội của năm 1980, khi Việt Nam còn trong thời bao cấp, cũng là năm bà đặt chân đến miền đất còn quá xa lạ này?


- Hồi ấy Hà Nội là một thành phố rất im lìm. Trên phố mọi người đi bộ hoặc đi xe đạp. Yên tĩnh đến mức bạn có thể nghe thấy tiếng xích xe đạp chuyển động. Nghe rất ồn vì người ta không có tiền mua dầu luyn tra vào xích cho êm. Tuy nhiên, tiếng ồn của xích xe đạp lại rất hữu dụng vào buổi tối vì buổi tối thì mọi thứ đều tối đen (không có đèn đường). Bạn có thể nghe thấy tiếng mọi người trên xe đạp, vì không ai (kể cả tôi, một người nước ngoài) lắp đèn vào xe đạp hết… Trong bóng tối chúng tôi chỉ được hướng lối bởi những ngọn đèn dầu nhỏ nhoi trên phố. Đèn dầu báo hiệu mấy mẹt bán trà và thuốc lá.

Một nét đặc biệt nữa ở Hà Nội thời đó: tàu điện, phương tiện giao thông công cộng duy nhất. Và rồi, dĩ nhiên, xe lửa nữa, đường tàu chạy dọc theo công viên Thống Nhất để về tới ga Hà Nội. (Cũng giống như ngày nay, nhưng khi ấy tàu hỏa vẫn còn đích thực là “xe lửa” sử dụng than làm nhiên liệu…).


* Sinh hoạt của người dân sống ở Hà Nội những năm 1980 bà còn nhớ không?


- Ai ai cũng nghèo cả, nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như là mọi người đều nghèo như nhau. Nhưng chúng tôi biết có một số người giàu và phải giấu giếm điều đó. Mọi người trông rất gầy vì khẩu phần hàng ngày kém lắm. Các thứ nhu yếu phẩm (gạo, thịt, nước mắm, vài mét vải, săm lốp xe đạp) thuộc vào hệ thống tem phiếu. Mọi người được phát “phiếu” để mua những thứ hàng hóa đó và bạn phải xếp hàng để được nhận hàng hóa. Chỉ đến dịp Tết người ta mới tìm cách thu xếp để có được nhiều đồ ăn đồ uống hơn; họ thường tiết kiệm tiền cả năm để có thể mua được đủ đồ dùng dịp Tết. Cuộc sống về phương diện vật chất thực sự là hạn chế lắm. Tuy nhiên, có vẻ như là cuộc sống tinh thần thú vị hơn rất nhiều. Mọi người giúp đỡ lẫn nhau, thành thử tiền không còn quá quan trọng nữa.


* Vào những năm 1980 ấy, những lúc rảnh rỗi, bà thường thích đi chơi, đi dạo ở đâu trong thành phố?

- Tôi rất thích đi xe đạp và/hoặc đi bộ trên phố phường Hà Nội. Hồi ấy tôi thực sự là một người ngoài, nhìn mọi người, nhìn những gì họ đang làm. Trước khi đến đây, lúc còn ở Thụy Điển, tôi đã có sẵn trong đầu một số hình ảnh về Việt Nam, khi đến rồi thì tôi tìm cách hiểu đất nước Việt Nam là như thế nào. Tại sao Việt Nam lại chiến thắng được siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, Hoa Kỳ. Và làm thế nào Việt Nam tổ chức cuộc sống của mình sau chiến tranh.

Đặc biệt, tôi hay đi bộ trên phố trong dịp Tết và lễ Trung Thu nhằm tìm cách hiểu người Hà Nội làm gì vào những thời điểm đó. Tôi cũng đi chùa bởi vì tôi quan tâm đến việc con người ta liên hệ với các vấn đề tâm linh như thế nào. Các ngôi chùa cũng hấp dẫn ở phương diện lịch sử - văn hóa. Vì ở Việt Nam bạn không chỉ cúng nhiều vị thần phật khác nhau mà còn cúng cả các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, rồi các thành hoàng…

* Góc phố con đường nào thân quen với bà trong những năm đó?


- Cũng giống như ngày nay thôi, tôi rất thích 36 phố cổ của Hà Nội. Chúng rất duyên dáng bởi vì những ngôi nhà thật cũ kỹ và mọi hoạt động đều có thể nhìn thấy từ bên ngoài đường. Thời ấy người ta ở ngoài đường nhiều hơn vì trong nhà làm gì có điện. Người ta đọc sách, trẻ con làm bài tập. Rất thường xuyên, người ta ăn tối ngay ở căn phòng liền kề ngoài phố. Tôi rất hay đùa về chuyện này: rất khó biết liệu đó là một quán ăn hay chỉ là một bữa ăn gia đình bình thường. Vì không có nhiều không gian bên trong những ngôi nhà, lũ trẻ con thường xuyên chơi đùa ngoài phố (không có ô tô, không có xe máy).

Thực sự là thời ấy trên phố có một bầu không khí đặc biệt lắm! Với một người Thụy Điển như tôi, mọi chuyện cứ như thể là đang đi qua một bộ phim vô cùng hào hứng ấy! Hoặc là một vở kịch! Vào một thời kỳ lịch sử đã rất xa xưa…


* Ngày ấy, mỗi lần dạo phố, với 2 chiếc máy ảnh, một chứa phim màu, một chứa phim đen trắng, những hình ảnh Hà Nội nào làm bà thích chụp nhất?


- Khi đó tôi muốn nắm bắt cuộc sống hàng ngày của người dân, càng nhiều càng tốt. Điều duy nhất tôi không thể làm được là nói chuyện với mọi người nhằm biết được cách nhìn của họ và hiểu được cuộc sống của họ. Là một nhà xã hội học, tôi hết sức phụ thuộc vào việc phải có được cái nhìn của chính những con người vào các hoàn cảnh của họ. Thời gian ấy, tôi đã phải tự giới hạn mình trong việc chỉ tìm cách nắm bắt một số hoạt động có thể quan sát được từ ngoài phố. Nhưng tôi vẫn luôn luôn hy vọng các bức ảnh của tôi phản ánh được một điều gì đó đặc biệt và/hoặc thú vị về cuộc sống người dân hồi ấy.

* Bà từng nói còn bộ ảnh đen trắng chụp Hà Nội còn “cất” ở quê nhà Thụy Điển, đó là những bức ảnh chụp gì vậy thưa bà?

- Miêu tả thì khó lắm, nhưng tôi có thể nói là những bức ảnh đó cũng phản ánh cuộc sống của người Việt Nam giai đoạn đó, cũng như cuộc sống của một người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ sử dụng chúng, có thể là trong một quyển sách.

Các bức ảnh chụp Hà Nội cách đây 30 năm của bà Eva Lindskog

* Cả quãng tuổi trẻ thanh xuân của bà đã trải qua ở Hà Nội, có bao giờ bà thấy hối tiếc khi rời quê hương giàu có trù phú để gắn bó với mảnh đất còn nhiều gian khổ nhọc nhằn này không?


- Không, không bao giờ tôi thấy hối tiếc cả. Ở Thụy Điển tôi luôn luôn có ý nghĩ một đất nước giàu phải giúp một đất nước nghèo vừa trải qua một cuộc đấu tranh giành độc lập dài dặc (tính đúng ra là khoảng 100 năm). Thoạt đầu tôi không chắc chắn được là mình có thể giúp đỡ như thế nào. Nhưng càng ngày tôi càng quan tâm tới môn xã hội học và kết hợp nó với việc học tiếng Việt cũng như chụp ảnh. Theo cách thức đó, tôi từng hy vọng mình giúp được trong việc mang lại khía cạnh xã hội và văn hóa vào trong những vấn đề của phát triển kinh tế.

Nói vậy thôi, nếu trung thực thì tôi cũng phải nói rằng hai năm sống ở Hà Nội, từ 1980 đến 1982, không phải là dễ dàng. Hồi ấy tôi là một bà mẹ đơn thân... Mùa Xuân năm 1982, tôi may mắn được tham gia một nghiên cứu về giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ tôi là một trong những người phương Tây đầu tiên làm công việc điền dã tại Việt Nam, nhờ vào vốn hiểu biết tiếng Việt của tôi.

Hiện nay, khi nhiều thời gian đã trôi qua, tôi rất tự hào vì đã dành nhiều thời gian để sống ở Việt Nam đến vậy, đặc biệt là trong quãng thời gian khó khăn đối với người Việt Nam. Tôi không chắc chắn về việc mình có “giúp” được Việt Nam điều gì hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng Việt Nam đã giúp tôi rất nhiều trong việc hiểu hơn về cuộc sống, xã hội, và những cách thức con người ta nghĩ ra để giải quyết các vấn đề quan trọng trong đời mình.

* Xin cảm ơn bà!

Còn 18 tuần nữa Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.

                                                                                              Theo Việt Quỳnh – TT&VH



Các bài mới
Các bài đã đăng