Tạp chí Sông Hương -
“Thế giới là một cuốn sách mở”
09:28 | 13/06/2010
Ngạc nhiên là Cty Nhã Nam - vốn chỉ chuyên sách văn học - lại vẫn dám in những cuốn sách đối thoại văn chương, phê bình, nghiên cứu văn học như thế này.
“Thế giới là một cuốn sách mở”
Cuốn “Thế giới là một cuốn sách mở”.
Thế giới là một cuốn sách mở” do Giáp Văn Chung dịch từ tiếng Hung (NXB VH 2009, 418 trang, khổ 14x20,5cm) là loại sách khó đọc, số lượng bạn đọc hạn chế và tất nhiên chẳng hy vọng chút nào về kinh doanh thuần tuý. Nhưng với tôi, điều đáng ngạc nhiên hơn là tác giả Lévai Balázs, một giáo viên trước khi chuyển sang làm truyền hình, thực hiện bộ chân dung các nhân vật nổi tiếng trên thế giới bắt đầu từ năm 2003, khi ấy ông còn khá trẻ, 35 tuổi.

Và dù cho Hungary đã có những nhà văn, nhà thơ tên tuổi nổi tiếng thế giới như các nhà thơ Sandor Petofi, Endre Ady, Attila József… và có nhà văn đoạt giải Nobel 2002 (Imre Kertész) thì đó vẫn là đất nước nhỏ bé chỉ có hơn chục triệu dân. Vì thế, thật không dễ dàng cho anh chàng phóng viên vô danh này gặp được những nhân vật nổi tiếng hàng đầu của thế giới.

Tôi không rõ anh đã gặp được những ai, nhưng cuốn sách này chỉ là những câu chuyện trao đổi về cuộc đời văn chương của các nhà văn. L.Balázs trong cuốn sách này đã đưa người xem - người đọc (tất nhiên ở đây chỉ là trang sách) đến với những J. Updike, P. Auster, Orhan Pamuk, A. Baricco, Sir V.S. Naipaul, Umberto Eco, J. Le Carré, P.M. Roth, S.Rushdie, M.E. Atwood và K. Ishiguro. Thường ở đầu mỗi phần là tiểu sử sơ lược, sau đó là cuộc phỏng vấn và cuối cùng là phần lời viết riêng của L.Balázs.

Ngoài sự cố gắng lớn, và có lẽ cũng do may mắn nữa, nhưng L. Balázs đã không thể làm được các chương trình - và sau đó là cuốn sách - đáng xem, đáng đọc như thế nếu như anh không có tài, trong đó có cả khả năng nói năng uyển chuyển và không thiếu tính hài hước, gây cười tinh tế.

Cuối cùng, qua cuốn sách này, điều làm chúng ta có thể thấy buồn là không ít nhà báo viết, nhà báo hình Việt Nam còn yếu kém trong việc phỏng vấn, trao đổi. Thậm chí có nhà báo đến gặp tác giả mà chưa hề xem, đọc, hay nghe các tác phẩm của họ. Nếu điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên thì quả thật, ở một cách nào đó, họ cũng là bậc “kỳ tài”.

Theo Y Trang - LĐCT




Các bài mới
Các bài đã đăng