Tạp chí Sông Hương -
Xe thông tin hay thuyền văn hóa?
10:37 | 15/06/2010
Nếu thuyền y tế được coi là “đặc sản” của tỉnh đầu nguồn lũ Đồng Tháp, thì thuyền văn hóa từng là loại hình sinh hoạt văn hóa đậm chất đặc thù sông nước được khai sinh ở tỉnh Cần Thơ (cũ).
Xe thông tin hay thuyền văn hóa?
Hội thi TTLĐ TP.Cần Thơ lần thứ 31

Tuy nhiên, những năm gần đây, thuyền văn hóa đã được thay thế bằng xe thông tin lưu động... Đã không còn “đường bơi” cho thuyền văn hóa?

“Đường bơi” của thuyền văn hóa


Cách đây khoảng 25 năm, chiếc thuyền văn hóa (TVH) đầu tiên ra đời tại huyện Phụng Hiệp (nay là thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang). Không lâu sau đó, hầu hết các huyện ở tỉnh Cần Thơ (cũ) như Thốt Nốt, Ô Môn, Long Mỹ, Châu Thành... đều có TVH.

Ông Võ Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, từng là thành viên của một TVH – nhớ lại: Thập niên 80 của thế kỷ trước, giao thông đường bộ ở vùng nông thôn Cần Thơ còn khó khăn cách trở. TVH chính là loại hình đắc dụng để đưa các sinh hoạt văn hóa, thông tin tuyên truyền đến với bà con vùng sâu. Khi đó, quân số của mỗi chiếc TVH thường từ 10 – 15 thành viên; đủ để tổ chức trọn gói một chương trình thông tin lưu động với các tiết mục văn nghệ, kịch ngắn, giới thiệu sách, triển lãm ảnh...

Do đời sống văn hóa thời đó rất thiếu thốn, nên đến địa phương nào TVH cũng được bà con chào đón. Khi hầu như chưa xã nào có nhà văn hóa, thì tiện ích của TVH là sân khấu biểu diễn được thiết kế ngay trên thuyền thường đậu cặp bờ lộ. Khán giả có thể ngồi trên bờ hoặc chèo xuồng tới rồi neo chung quanh TVH để thưởng thức. Mỗi chuyến lưu diễn của TVH thường kéo dài từ 20 – 30 ngày, lênh đênh trên sông nước qua hết xóm ấp này tới làng quê nọ. Có những chuyến xuất quân không đủ người, anh chị em phải kiêm nhiệm nhiều việc.

Diễn viên làm cả những công việc hậu đài là chuyện thường xuyên trên các TVH. Thuyền không rộng, nhưng vừa là nơi chứa tất cả “đồ nghề” hoạt động nghiệp vụ, vừa là nơi nấu nướng, nghỉ ngủ của tất cả thành viên cả nam lẫn nữ. Vất vả, nhưng thu nhập khi đó của anh chị em chỉ khoảng 300.000 – 350.000 đồng/tháng (mỗi suất diễn được bồi dưỡng thêm 20.000 đồng).

Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, nhiều thành viên các TVH bám trụ trên dưới 10 năm. Ấy nhưng, khó khăn về kinh phí hoạt động thì lại không dễ xoay sở. Một số người từng là thành viên TVH các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành kể rằng: Để có thêm kinh phí hoạt động, lúc đó các TVH đã tranh thủ hợp đồng quảng cáo từ doanh nghiệp, kết hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng kịch bản tuyên truyền theo chủ đề.

Một tiết mục biểu diễn tại hội thi hoạt động TVH năm 2002

Về quê bằng xe thông tin

Hiện nay, tại Hậu Giang chỉ duy nhất huyện Châu Thành A còn TVH, nhưng cũng đã xuống cấp. Còn TP.Cần Thơ thì đã... vắng bóng TVH. Lý giải điều này, ông Võ Minh Chánh cho biết: Không thể phủ nhận “vai trò lịch sử” của TVH trong những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, hầu hết các xã vùng nông thôn đã có đường ôtô. Vì vậy, việc sử dụng xe thông tin thuận lợi hơn đối với các đội tuyên truyền lưu động. Trước đây, giữa sông nước mênh mông, việc sân khấu được thiết kế ngay trên TVH rất thuận lợi khi hầu hết các xã chưa có nhà văn hóa, chưa có chợ xã xây dựng khang trang.

Còn hiện nay, với xe thông tin, khi tới địa bàn các xã, các đội tuyên truyền lưu động có thể tổ chức biểu diễn ở nhà văn hóa, ở khuôn viên chợ (tùy từng nơi). So với thuyền, xe thông tin cũng cơ động hơn, thời gian di chuyển nhanh hơn.

Ở địa bàn huyện Vị Thủy, khi còn sử dụng TVH, mỗi lần đi về địa bàn Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Tây phải mất trên một buổi, thậm chí gần một ngày lênh đênh trên sông nước. Ngoài yếu tố thời gian (chậm), TVH cũng hao tốn chi phí nhiên liệu hơn so với xe thông tin.

Với xu hướng thay TVH bằng xe thông tin nên khi TVH hóa xuống cấp, cả Hậu Giang và TP.Cần Thơ đều thanh lý chứ không đầu tư sửa chữa lại TVH. Sắp tới, khi Châu Thành A được trang bị xe thì tất cả huyện, thị ở Hậu Giang đều có xe thông tin. Còn TP.Cần Thơ, trong 9 quận, huyện tới nay mới chỉ có 4 nơi có xe thông tin. Hết thuyền, nhưng chưa có đủ xe thay thế nên ở TP.Cần Thơ hiện đội tuyên truyền lưu động một số quận, huyện phải thuê mướn phương tiện chuyên chở trang thiết bị khi đi lưu diễn...

Có thể thấy, TVH – một mô hình sáng tạo khá độc đáo của ngành VHTT tỉnh Cần Thơ (cũ) - đã phát huy tốt hiệu quả trong một giai đoạn lịch sử. Cùng với sự thay đổi về hạ tầng cơ sở ở vùng nông thôn, việc thay TVH bằng xe thông tin là phù hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn không phải là sử dụng xe hay thuyền, mà chính là làm thế nào nâng cao chất lượng nội dung của hoạt động tuyên truyền lưu động để đủ hấp lực thu hút khán giả - một điều không dễ trong bối cảnh người dân đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn các loại hình vui chơi, giải trí!

Theo Lê Như Giang - LĐ





 

Các bài mới
Các bài đã đăng