Tạp chí Sông Hương -
“Huyền sử thiên đô”: Phim thuần Việt 100%
09:10 | 17/06/2010
Buổi ra mắt đoàn làm phim "Huyền sử thiên đô" diễn ra rầm rộ tại HN chiều tối 15.6. Phim do Hãng phim Truyện 1 phối hợp với Cty Sao Thế Giới sản xuất.
“Huyền sử thiên đô”: Phim thuần Việt 100%
Công Dung vai Lý Công Uẩn
Phim được thực hiện với cặp đạo diễn: NSƯT Tất Bình và NSƯT Phạm Thanh Phong. Đây là phim truyền hình đề tài lịch sử có độ dài kỷ lục (70 tập) sẽ phát trên VTV3 từ tháng 10.2010, là tác phẩm mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - HN.

PV báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện ngắn với hoạ sĩ thiết kế của bộ phim: Hoàng Chí Long, có thâm niên trên 40 năm trong nghề, nổi tiếng về làm kỹ xảo. 

- Một trong những vấn đề khó khăn nhất với phim lịch sử là bối cảnh, đạo cụ, phục trang, mà phim VN thường phải thuê bốí cảnh Trung Quốc. Còn phim này?

- Đoàn làm phim đã đi khảo sát ở nhiều điểm tại Trung Quốc, trong đó có trường quay Hoành Điếm - nơi nhiều phim lịch sử VN hay thuê. Cuối cùng kết luận rút ra là bối cảnh ở TQ không thể làm giống VN hoàn toàn, từ cây tre đã khác, mà chúng tôi muốn làm một phim thuần Việt 100%. Và sau khi khảo sát kỹ lưỡng, các bối cảnh của “Huyền sử thiên đô” là Cổ Loa, Mộc Châu, đặc biệt là Ninh Bình...

Có ý kiến đề nghị quay ở Huế, nhưng Huế đã “làm mới” nhiều. Như vậy đây là phim lịch sử truyền hình VN đầu tiên về phục trang, đạo cụ, dựng cảnh thuần Việt.

- Còn những cảnh kỹ xảo khó trong phim, sẽ thực hiện như thế nào?

- Có cảnh kỹ xảo chặt đầu, đốt người, phải kết hợp làm thủ công và tận dụng khoa học kỹ thuật, để tạo “ép phê”. Như đốt hình nộm làm bằng composit, nhiều cảnh quay thực hiện trên phông xanh, rồi lồng ghép và tất nhiên phải dùng 3D. Nhưng phải tính toán mỗi khi quay, cảnh nào quay thực, cảnh nào dùng phần mềm vi tính và cảnh nào dùng 3D, vì cứ 1 giây làm 3D là 5 triệu đồng.

Chưa kể nhiều phần mềm vi tính rất đắt cả hàng chục ngàn đôla, nên không phải cái gì cũng mua, như phần mềm thay thế hiệu ứng về da, ánh sáng, màu sắc cho vật thể...

Việc phát triển khoa học công nghệ làm công việc hoạ sĩ dễ dàng hơn, như công nghệ xốp rất thuận tiện làm bối cảnh, đao, kiếm trước làm bằng gỗ thì nay làm bằng caosu. Rồi khi muốn copy một hoạ tiết ở Bảo tàng Mỹ thuật thì đổ silicon làm khuôn không gây ảnh hưởng đến hiện vật. 

- Theo ông, trở ngại lớn nhất khi làm kỹ xảo cho phim VN cuối cùng là gì?

- Vẫn là máy móc, con người. Trong Nam có nhiều hoạ sĩ trẻ đi vào học làm kỹ xảo, đầu tư nhiều. Triển vọng khả quan, nhưng cũng xin nói thêm là để trở thành một họa sĩ thiết kế phim có đẳng cấp, giỏi về kỹ xảo, thì việc tự học, tự mày mò, nghiên cứu là hết sức quan trọng, vì không ai dạy sáng tạo cho bạn.

Theo Việt Văn - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng