Tạp chí Sông Hương -
Nhà báo Phan Quang: Sự tích hợp của báo chí và văn học
14:00 | 21/06/2010
Dịp tết vừa rồi, món quà tôi nhận được qua bưu điện là cuốn Trà thư của học giả Nhật Bản Kakuzo Okakura do nhà báo lão thành Phan Quang dịch và giới thiệu, gửi tặng. Cuốn sách khổ 12x20, in kèm dăm bức tranh màu về trà đạo của các danh họa Nhật. Thật không có món quà tinh thần nào tặng bạn đầu xuân thanh khiết hơn, sang trọng hơn bằng món quà này, nhất là người tặng lại là một trong hai tác giả cuốn sách!
Nhà báo Phan Quang: Sự tích hợp của báo chí và văn học
Tôi nhớ đến những lần được đàm đạo với ông về nghề viết. Có lần ông bảo: “Bản thân báo chí là bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc… do vậy, người làm báo là người làm văn hóa, về bản chất, nhà báo là nhà văn hóa!”.

Món quà tặng đậm ý nghĩa văn hóa trên thể hiện đúng với ông, ở bậc cao của người làm văn hóa! Ông từng bàn rộng thêm: “Nói nhà báo-nhà văn hóa là nhấn mạnh hàm lượng về tố chất văn hóa của người cầm bút. Tố chất ấy không phải muốn là có, cũng không phải tư chất bẩm sinh. Văn hóa phải hiểu với nghĩa nhân văn cao cả, chứ không đơn thuần biểu hiện bằng học vị, kiến thức, tài hoa, sự nghiệp, dù đấy là những phẩm cách không thể thiếu ở nhà văn hóa…”.  

Có lẽ nhờ đồng cảm với những quan niệm ấy mà tôi đọc kỹ cuốn Phan Quang - Tuyển tập mười năm, 1998 – 2008 (NXB Văn Học). Cuốn sách gồm 832 trang, nặng như một cục gạch (so sánh vui của giới nhà văn). Đó quả là một khối gạch vàng góp xây lâu đài văn - sử và sự nghiệp báo chí của một thời đại.

Vốn là người mê du lịch, tôi đã đắm mình vào phần I Đất nước phương trời, không dứt ra được. Với chùm bài còn nóng hổi, ông đi và viết năm 2007: Quán nghệ sĩ ở Paris; Waterloo, nơi tan tành đế chế Napoléon… Bút ký Cà phê Paris, cứ ngỡ như đề tài ấy chỉ gợi một nét sinh hoạt của người dân Paris. Nhưng quán cà phê ở một vị trí trung tâm văn minh nhân loại như thủ đô nước Pháp là… cả một vấn đề.

Chỉ đọc tên những bài du ký cũng đủ gợi cho ta chia sẻ những phút lãng du với nhà báo, nhà văn Phan Quang: Marrakech: chợ đêm và nhạc Trịnh, Nơi xích đạo trở thành tên nước… Giọng văn của Phan Quang hết sức chân xác mà tinh tế, đọc mà như được nghe chuyện một người kiến văn sâu rộng, điềm đạm mà tràn đầy cảm xúc dẫn ta đi khắp nơi, cho ta biết trên địa cầu này, cõi người này có những gì khác lạ.

Phần thứ hai là phần Thương nhớ vẫn còn, vốn là tên cuốn bút ký về các nhà lãnh đạo, các văn nghệ sĩ mà ông được tiếp xúc, NXB Văn Học in cho ông năm 2006. Lịch sử dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám, nếu ví như một khối băng khổng lồ thì tên tuổi những danh nhân, những trí tuệ siêu việt ấy đã tạo ra bề nổi khối băng đó. Nói về giai đoạn ấy, ta có thể nói gọn: thời đại Hồ Chí Minh! May thay, có những nhà báo, nhà văn tâm huyết như Phan Quang đã công phu ghi lại hành trạng, cá tính của họ cho ta thấy được cả bề nổi lẫn phần chìm của mỗi danh nhân, có nghĩa là phần chìm của cả khối băng lịch sử một cách sinh động.
 
 
Nhà báo Phan Quang là một tên tuổi lớn của làng báo chí cách mạng Việt Nam, tên thật là Phan Quang Diêu, nguyên quán xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Ông sinh năm Mậu Thìn (1928), viết báo từ năm 20 tuổi, kinh qua các báo Cứu Quốc Liên khu IV, báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội …
 
 

Với vị trí đặc biệt của một nhà báo ở cương vị cao trong nghề, một chứng nhân có ưu thế, ông luôn có mặt ở những sự kiện quan trọng, gặp gỡ tiếp xúc với những con người góp phần làm nên lịch sử: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… và cả những nhà văn hóa lớn: Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện… Phần này gồm 23 nhân vật, 159 trang, là phần đóng góp lớn của tác giả với lịch sử.

Ở phạm vi một bài báo tôi chỉ lược kể hai phần của cuốn sách. Còn nếu bạn đọc trực tiếp, bạn sẽ có cảm giác như tôi: dường như đã được quen biết ông lâu lắm. Bởi ta là người đã được cùng ông thẩm định các nhân vật, thăm thú các vùng đất quen lạ bằng cái Tâm và cái Tầm của con người giàu kiến văn trước những chuyển biến lịch sử và xã hội.

Như ta đã biết: Văn học và báo chí từ một nguồn cội đã tách làm hai. Phân rồi lại hợp tùy từng giai đoạn. Tôi có chung nhận định với ông: Dường như văn học và báo chí đang trong quá trình tích hợp. Còn nhận định riêng của tôi: Hai phần của Tuyển tập mười năm trên chính là sự tích hợp cao nhất con người làm báo với tố chất nhà văn của Phan Quang! Ông đã viết báo bằng cái Tâm của người thiết tha với đất nước, nhân quần, bằng trí tuệ một đời không ngừng nghiên cứu tự học, bằng văn tài để nâng tầm nhân văn của sự nghiệp báo chí cách mạng.

Theo Vân Long - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng