Tạp chí Sông Hương -
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Phổ thơ của các nhà báo
14:21 | 21/06/2010
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, Quỳnh Hợp phát hành album Nụ hồng vàng. Album với 30 bài hát được chị phổ thơ của các nhà báo, mà theo chị: “Nụ hồng vàng được xem là những khoảng lặng để có thể nhìn thấy chính mình trước bao biến động đang diễn ra, để có thể dũng cảm đối diện với nó”. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà báo - nhạc sĩ Quỳnh Hợp.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Phổ thơ của các nhà báo
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp
* Nụ hồng vàng là album “đôi” gồm 30 bài hát phổ thơ của các nhà báo. Chắc là nó được sáng tác trong nhiều năm qua?

- Vâng, 30 ca khúc trong album này được viết rải rác trong nhiều năm với những cảm xúc và bối cảnh rất riêng. Một số ca khúc đã được biểu diễn và ghi hình phát sóng trên VTV, HTV như: Giấc mơ mùa Hạ (thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên), Những ngày đi học (thơ Lê Minh Quốc), Phố Sài Gòn (lời Dương Toàn Thiên).... Các ca khúc này thể hiện sự kết hợp những giai điệu vừa dân gian vừa hiện đại; vừa mới mẻ tưng bừng vừa suy tư trầm lắng... để chuyển tải được những cung bậc của các nhà báo.

* Là người phổ nhạc rất nhiều thơ, chị có thể cho biết thơ của các nhà báo mà mình đã phổ nhạc có nét đặc biệt nào so với các nhà thơ không phải nhà báo?

- Theo cảm nhận của riêng tôi thì những bài thơ của các nhà báo có cách bày tỏ sự phóng túng, ngang tàng và đầy tự tin cùng cái nhìn sắc sảo. Đó là những bài thơ đầy ắp tính lãng mạn nhưng lại rất sáng trong, hóm hỉnh, trẻ trung và duyên dáng, giàu chất dân gian và cũng giàu chất kinh viện... Các nhà báo dường như không chỉ đa tài, đa cảm mà còn đa tình... Những nỗi buồn, niềm vui nhẹ nhàng, giản dị được các nhà báo trải lòng sau những trang viết thường nhật. Mỗi bài một vẻ với màu sắc rất riêng.


* Đây là album thứ 30 của Quỳnh Hợp, hẳn là chủ nhân phải có tài chính dồi dào hoặc phải có một “bí kíp” nào đó mới có thể “đẻ sòn sòn” như vậy...

- Chỉ với việc sáng tác, thu âm và phát hành 30 album như thế nghe muốn... xỉu thật. Nhưng không có “bí kíp” nào ngoài sự làm việc chăm chỉ và tấm lòng sẻ chia với đời, với bạn. Người sáng tác không ai khoe số lượng tác phẩm. Với 30 album đã phát hành đúng là rất nhiều, nhưng vấn đề không phải là tiền bạc mà là tác phẩm. Ông trời có “cho” mới được. Có được những tác phẩm ấy, tôi phải cảm ơn công việc làm báo, cảm ơn bạn bè, các nhà thơ... đã đồng hành và cảm ơn đồng nghiệp đã dõi theo, yêu mến, ưu ái giới thiệu, quảng bá những tác phẩm ấy đến đông đảo công chúng.

* Là một trong những biên tập âm nhạc lâu năm của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, chị nghĩ gì về tình hình nghe nhạc của giới trẻ hiện nay. Sự lựa chọn của cá nhân chị trong việc giới thiệu ca khúc đến khán giả trẻ như thế nào?

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp tốt nghiệp đại học sáng tác Nhạc viện TP.HCM (1995), hiện là BTV âm nhạc của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, giảng viên Nhạc viện TP.HCM. Đã phát hành 30 album trong đó có nhiều album chào mừng các sự kiện lớn như 30/4, Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt...

- Giới trẻ hiện nay nghe nhạc đã khác xưa nhiều. Với phương tiện truyền thông như hiện nay thì chúng ta không thể áp đặt mà phải hòa nhịp cùng họ. Để giới thiệu những ca khúc của mình đến với khán giả trẻ thì không gì hơn là tôi phải lắng nghe họ và viết những gì phù hợp với cách nghe của họ. Ví dụ tôi viết ca khúc Ngã ba huyền thoại (thơ Mai Hữu Phước), đây là đề tài lịch sử nhưng viết theo phong cách hip-hop có đọc rap và rất được các bạn trẻ quan tâm. Album Xí muội ơi, những ca khúc cho tuổi học trò đã được bình chọn là album được yêu thích nhất chương trình “Sắc màu âm nhạc” năm 2006.


* Xin cảm ơn.

Theo Hữu Trịnh – TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng