Tạp chí Sông Hương -
Vĩnh biệt nhạc sĩ Trọng Loan: Nguyên vẹn một tâm hồn người lính
10:11 | 24/06/2010
Rạng sáng ngày 22.6.2010, nhạc sĩ Trọng Loan đã từ trần tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Những cơn mưa mát mẻ sau những ngày cực nóng như những giọt nước mắt tiếc thương người nhạc sĩ lặng lẽ một đời dâng hiến, một đời nguyên vẹn, một tâm hồn người lính.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Trọng Loan: Nguyên vẹn một tâm hồn người lính
Nhạc sĩ Trọng Loan
Nhạc sĩ Trọng Loan sinh cuối năm 1923. Ông bắt đầu sáng tác âm nhạc bằng một hành khúc viết về đội thanh niên xung phong Phan Đình Phùng. Ấn tượng lớn nhất khi Trọng Loan trở thành người lính là ông đã nhập vào đoàn Vệ quốc quân viễn chinh vượt Thập vạn Đại sơn sang nước bạn Trung Hoa.

Luôn song hành cùng tướng Lê Quảng Ba ở Tổng hành dinh, Trọng Loan vượt dốc, xuyên nắng, xuyên mưa để viết ra những ca khúc thúc giục người lính. Không chỉ mai táng những người đồng đội trên đất bạn, Trọng Loan còn dằn lòng chôn cả cây guitar bị gió mưa làm bung ra từng mảng. Chùm bài hát “Bài ca viễn chinh” của ông đã được hát vang trên đồi núi Trung Hoa. Bài hát chia tay Bát Lộ quân của Trọng Loan đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là “Chia tay quân bạn” và trở thành hồi ức tươi sáng của những ngày đầu sáng tạo âm nhạc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trọng Loan đã viết hành khúc “Phải giết lũ giặc Mỹ” theo một kiểu riêng mình. Mạch hành khúc kiểu Trọng Loan lại tiếp tục chảy vào đời khi các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ - Vĩnh Linh anh dũng chống máy bay Mỹ với tầm vóc đảo tiền tiêu.

Bản hành khúc “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” dựa trên chất liệu dân ca và hò Quảng Trị đã mang tới cho hành khúc Việt Nam một sáng tạo mới khi đưa cả âm hưởng hò khoan vào nhịp điệu này. Bên cạnh hành khúc, Trọng Loan còn viết ra âm hưởng trữ tình lạc quan cách mạng mang chất liệu dân ca Tày - Nùng. Bài hát “Người Châu Yên em bắn máy bay” là giai điệu độc đáo hạng bậc nhất trong lịch sử ca khúc Việt Nam. Những giai điệu “xoè vòng” của người Thái cùng nhịp điệu trống chiêng trong ông và bật ra thành kiệt tác.

Năm tôi vào quân đội 1971, hành quân qua Quảng Trị thì bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng” của Hương Lan (một bút danh của Trọng Loan) đã được lính ta thuộc lòng và còn bịa ra thêm bao nhiêu lời ca vui vui. Cái sức hút của giai điệu giản dị này chính là Trọng Loan đã thấm sâu cái chất hò giã gạo của Quảng Trị mà truyền nó như truyền lửa vào người.

Trọng Loan cũng rất độc đáo khi viết về những bài ca binh vận như “Đi theo ánh sáng soi đường”, “Nhắc người trai Việt”... Việc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ cũng được ông chắt lọc theo lối riêng. Khi thì vui vẻ, dí dỏm như “Má cưng ai nhất”, khi thì tha thiết truyền cảm như “Lời ca dâng Bác”.
 
Những ngày chiến tranh biên giới, ông lại quay về Tây Bắc để chất ngất thêm “Trăng sáng trên rừng quê” thơm nức hương quê ở bản người Dao. Ở giữa những âm hưởng ấy, chợt dìu dặt một điệu valse ngày toàn thắng “Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca”. Trọng Loan cứ đi như người lính, viết như người lính và trẻ như người lính. Hết thời binh lửa, Trọng Loan lại reo ca cùng lính một điệu “nhạc nhẹ hoá” rất tự nhiên ở “Nếu anh tới thăm đảo”.

Sự trẻ trung trong tâm hồn ông đã khiến nhiều người mến mộ không nghĩ ông đã ở tuổi “cây đa cây đề” và đã được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về sáng tạo văn học nghệ thuật. Ông không chỉ cùng em trai là nhạc sĩ Trọng Bằng song hành trên con đường âm nhạc, mà còn cùng con gái Tường Lan nhịp bước theo giai điệu.

Cuộc đời người lính văn nghệ như đại tá Trọng Loan là một cuộc đời thanh bạch, nhân văn. Xin nghiêng mình thắp trước ông nén hương thương tiếc! 

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng