Tạp chí Sông Hương -
Tuần lễ Phim quốc tế tại Hà Nội lần thứ hai: Đa dạng trong sáng tạo
09:26 | 25/06/2010
Tiếp nối thành công của Tuần lễ Phim quốc tế tại Hà Nội lần thứ nhất, sự kiện lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội từ 21 - 25.6, với sự tham gia của Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ), Đại sứ quán Italia, Đại sứ quán Thụy Sĩ, Viện Goethe (Đức), Trung tâm Văn hoá Pháp (Đại sứ quán Pháp) và Hãng phim Tài liệu khoa học TƯ.
Tuần lễ Phim quốc tế tại Hà Nội lần thứ hai: Đa dạng trong sáng tạo
Cảnh phim “Sự biến đổi của một nhà ga”. Ảnh: T.L.
10 bộ phim được trình chiếu với những góc nhìn đa dạng về cuộc sống.

10 phim với 50% phim VN, 50% phim quốc tế chia thành 5 chủ đề chiếu theo từng cặp.  Đó là các chủ đề về kiến trúc, đô thị, quê hương, tôn giáo và văn hoá, đời sống tâm linh, phụ nữ. Trong đó, phim tài liệu kỳ công nhất thuộc về “Sự biến đổi của một nhà ga” (Bỉ). Đạo diễn (kiêm biên kịch của phim) Thierry Michel đã bám sát 9 năm để theo dõi và ghi lại việc xây dựng công trình nhà ga mới Guillemins ở thành phố Liege (Bỉ).
 
Đó là những mối quan hệ đụng độ căng thẳng, tranh cãi về lợi ích kinh tế, tính mỹ thuật của công trình và sự phản kháng của cư dân trong vùng khi đất đai bị trưng dụng. Sự muôn màu của cuộc sống với tất cả bi - hài kịch của nó đã hiển hiện sống động trong phim.

Chủ đề tâm linh với “Tĩnh ngục” (Italia) từng đoạt giải khán giả bình chọn tại LHP Popoli lại là những suy ngẫm ám ảnh về sự tồn tại và quên lãng của con người, về đức tin, mê tín và cả những phong tục tập quán thông qua câu chuyện về những linh hồn người chết vô danh. “Bến cuối nhớ nhung” của đạo diễn Hàn Quốc Sung Hyung Cho nói về chủ đề quê hương với hình ảnh những phụ nữ Hàn lấy chồng bên Đức và khi về hưu trở lại quê hương với nỗi nhớ day dứt...

Trong số các bộ phim VN, “Thành phố bên sông Hồng” của  đạo diễn Nguyễn Như Vũ nói về sự hình thành và phát triển của thủ đô gắn liền với sông Hồng, đề cập đến tầm quan trọng của việc quy hoạch HN. “Bàn thờ của mẹ” - đạo diễn Mạc Văn Chung là nỗi đau của những bà mẹ Quảng Trị mất con và người thân trong chiến tranh, một vấn đề hậu chiến còn có thể khai thác mãi mà vẫn còn nhiều “tài nguyên”. Cũng về mảnh đất này, đạo diễn Vương Khánh Luông trong “Đất tổ quê cha” lại khắc họa hành trình của ba người con đi tìm bố nguyên là bộ đội chiến đấu...

Chủ đề phụ nữ, gia đình với phim “Và Tạp chí Elle đã tạo ra phụ nữ” - đạo diễn David Teboul - Pháp và “Con cần bố cần mẹ”- đạo diễn Lê Tuấn Anh phản ánh nhiều vấn đề từ cấu trúc gia đình - xã hội, quyền phụ nữ...

Sự đa dạng trong phong cách sáng tạo từ cách tiếp cận đề tài, thể hiện ý tưởng, công phu theo đuổi của các bộ phim tài liệu cho thấy một thực tế: Khả năng của nghệ thuật luôn là vô hạn chỉ có tài năng của nghệ sĩ là giới hạn.

Theo V.V - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng