Tạp chí Sông Hương -
Nhân Ngày Gia đình VN 28-6: Văn hóa trầu cau...
14:21 | 28/06/2010
Nhân buổi tọa đàm chủ đề “Văn hóa trầu cau” do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức ngày 25-6 tại TPHCM, GS-TS Trần Ngọc Thêm đã có buổi giao lưu, trò chuyện thân mật cùng đông đảo sinh viên và bạn trẻ TPHCM về vấn đề này. Đây cũng là hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Nhân Ngày Gia đình VN 28-6: Văn hóa trầu cau...
GV Phan Thị Thu Nguyệt (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn têm trầu cánh phượng- Ảnh: Nguyễn Huỳnh
Miếng trầu mở đầu câu chuyện

Trầu là loại cây gia vị hay cây thuốc, thuộc loại dây leo có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á. Ăn trầu là một phong tục ẩm thực dùng hỗn hợp lá trầu với quả cau (và một số thứ khác như thuốc lào, vỏ chay, vỏ quế, rễ sen) phổ biến ở vùng nhiệt đới, từ giáp châu Phi qua Ấn Độ đến nam Trung Hoa, toàn bộ vùng Đông Nam Á và một phần châu Đại Dương. Ở Việt Nam, tục ăn trầu đã có từ rất xưa và “trầu têm cánh phượng” là biểu tượng của cái đẹp. Bộ ba trầu - cau - vôi chính là nguồn cảm hứng để người xưa tạo nên câu chuyện Sự tích trầu cau ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, anh em, giải thích nguồn gốc tục ăn trầu và tục sử dụng trầu cau trong đám cưới của người Việt từ xưa đến nay.

Theo GS-TS Trần Ngọc Thêm, trầu cau quan trọng đến mức nó có mặt trong tất cả các buổi lễ cúng, cưới hỏi, trang hoàng trong hoàng tộc cũng như trong dân gian. Trong giao tiếp, người xưa cho rằng: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” thay vì điếu thuốc hay chén trà. Từ xa xưa, miếng trầu thực sự giúp rất nhiều cho việc giao tiếp và trở thành biểu tượng của giao tiếp.

Quả thực, mỗi khi trong nhà có việc đều không thể thiếu cơi trầu, bình vôi, người bạn đường chung thủy của trầu cau – và nó tượng trưng cho quyền lực của người phụ nữ với vai trò “nội tướng” trong gia đình. Và một trong những vai trò quan trọng không thể không kể đến: trầu cau là biểu tượng tinh tế tượng trưng của tình yêu, hôn nhân. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa có câu “Miếng trầu ăn nặng bằng chì/ Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn”. Nhận một miếng trầu là gần như một lời cam kết, ngầm hiểu là một sự đồng ý. Trầu cau từ đó trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt, trầu cau đi vào muôn mặt đời sống, vào thơ ca, trở thành thước đo thời gian mà thi sĩ Nguyễn Bính từng ngân nga: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu/ Chờ em chừng giập bã trầu em sang”…

Văn hóa trầu cau - nét đẹp không mai một

GS-TS Trần Ngọc Thêm đã thuyết trình về: Văn hóa nhận thức về trầu cau, văn hóa tận dụng trầu cau, văn hóa đối phó trong tục trầu cau, văn hóa lưu luyến trầu cau, văn hóa sùng bái trầu cau. Bạn Nguyễn Thúy Phương, sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM bày tỏ: “Qua buổi nói chuyện này em mới hiểu từ biểu tượng trong giao tiếp của con người, trầu cau còn trở thành biểu tượng giao tiếp giữa con người với thần linh và riêng người Việt ta còn có tục bói trầu”.

Bạn trẻ Ngô Thanh Tùng thì băn khoăn, nét văn hóa trầu cau độc đáo của người Việt liệu có mai một hay bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại ngày nay? GS-TS Trần Ngọc Thêm cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường, nhịp sống hiện đại tuy hối hả nhưng vẫn rất nhiều người giữ tục ăn trầu và ở thành thị số người ăn trầu không nhiều bằng các tỉnh nông thôn. Rõ ràng, tục ăn trầu – nét đẹp văn hóa lâu đời vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống người Việt, nhất là trong những dịp lễ lạt, cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp… trầu cau lại càng thể hiện rõ vai trò không thể thiếu của mình.

Tại buổi tọa đàm còn có phần hướng dẫn thực hành bài trí mâm trầu cau trong dịp cưới hỏi, cách têm trầu cánh phượng, têm trầu cánh kiến do cô Phan Thị Thu Nguyệt, giáo viên Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM hướng dẫn. Các bạn trẻ được thêm những kiến thức bổ ích, hiểu thêm về văn hóa trầu cau - một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Theo Minh An - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng