Tạp chí Sông Hương -
Để nghệ thuật múa được chính danh trên sân khấu
14:15 | 30/06/2010
Nghệ thuật múa đương đại của VN được phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vài thập niên gần đây, không chỉ phần lớn khán giả, mà còn không ít những người làm các chương trình ca múa nhạc coi múa chỉ như những tiết mục phụ hoạ hoặc "đệm" cho chương trình.
Để nghệ thuật múa được chính danh trên sân khấu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mặc dù, nếu xét về bề rộng thì rõ ràng là nghệ thuật múa có vẻ như ngày càng chiếm một vị trí không thể thiếu trong các chương trình ca múa nhạc tầm cỡ. Vậy, đâu là nguyên nhân của sự thay đổi ấy?

Báo cáo của Hội Nghệ sĩ múa VN nhiệm kỳ IV tại Đại hội nhiệm kỳ V (diễn ra từ ngày 27 - 29.6 tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 400 đại biểu), phần nào lý giải được nghịch lý này.

Quá ít tác phẩm hay...

Trước đại hội 1 tháng, Hội Nghệ sĩ múa VN tổ chức cuộc thi “Tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam” lần thứ nhất  với mong muốn tìm những tác phẩm múa mới, thể hiện được những vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật múa các dân tộc VN. Nhưng dường như cuộc thi đã không đi theo hướng mong đợi bởi BTC không thể tìm được giải nhất, nhì, ba trong số  45 tác phẩm của 44 tác giả dự thi. Đơn giản là chất lượng các tác phẩm không thực sự ấn tượng, mang tính đột phá.

Công bằng mà nói thì nhiều tác giả đã dụng công tìm kiếm những ngôn ngữ biểu hiện mới lạ cho các điệu múa dân gian, nhưng chưa xây dựng được thành tác phẩm múa đặc trưng của từng dân tộc.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khập khiễng về âm nhạc, trang phục.

Nhà phê bình Nguyễn Anh Đức cho rằng: “Một tác phẩm múa hoàn chỉnh trên sân khấu phải có mối quan hệ đồng đẳng giữa các yếu tố tạo nên buổi diễn đó như âm thanh, ánh sáng, không gian, thời gian, (mối quan hệ) giữa khán giả và các nghệ sĩ. Nếu như biên đạo bỏ quên hay hời hợt với bất cứ một yếu tố nào kể trên thì buổi diễn đó sẽ là một sự thất bại”.

Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, BCH Hội Nghệ sĩ múa đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng để tạo môi trường cũng như khích lệ sáng tạo ở các hội viên như: Tổ chức trại sáng tác; tài trợ sáng tạo công trình, tác phẩm; tổ chức thâm nhập cuộc sống cho khối giảng viên;... nhưng dường như chưa tạo được sự chuyển biến tích cực như mong muốn.

NSND Chu Thuý Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN - nhận xét: “Không ít tác giả chiều theo thị hiếu pha tạp, tầm thường hoặc ngược lại: Sáng tác múa dân tộc quá sáo mòn, trì trệ, thiếu dấu ấn sáng tạo. Có tác giả quá mải mê đi tìm cái “lạ” dẫn tới cách biểu đạt khó hiểu, theo kiểu sao chép nghệ thuật phương Tây đương đại, không phù hợp với tâm lý, quan niệm thẩm mỹ của người VN”.

Đó cũng là lý do để đại hội nhiệm kỳ V đề ra “Chất lượng tác phẩm” và “Lý luận phê bình” là hai khâu công tác mũi nhọn của hội, cần đạt được hiệu quả cụ thể, thiết thực.

... và ít được quảng bá


Có một thực tế là các chương trình nghệ thuật múa được dày công luyện tập và có chất lượng cao chỉ thỉnh thoảng được tổ chức biểu diễn ở các thành phố lớn 1-2 buổi và hầu như không được truyền hình trực tiếp hoặc thu, phát lại cho người xem. Rất ít chương trình giới thiệu buổi biểu diễn báo cáo của một đợt hội diễn hay một tác phẩm kịch múa mới. Và như vậy, trình độ hiểu biết về múa của đại đa số người dân đã thấp cộng với cơ hội tiếp cận ít thì người ta lại càng không quan tâm đến múa.

Nghệ thuật không có khán giả là nguy cơ lớn nhất dẫn đến sự tàn lụi. Cũng chính vì điều này mà trong phương hướng nhiệm kỳ V, hội đã đề ra nhiệm vụ quảng bá nghệ thuật múa với những việc cụ thể: Chuẩn bị nguồn băng đĩa hình và làm việc với các đài truyền hình để có những buổi phát sóng (định kỳ) các tác phẩm múa chất lượng cao với nhiều hình thức, thể loại và đề tài phong phú, nhằm từng bước tạo cho công chúng thói quen thưởng thức và hiểu biết về nghệ thuật múa.

Và cuối cùng nói như nghệ sĩ, biên đạo trẻ Phạm Minh (là diễn viên chính của đoàn Ballet du Capitole, thành phố Toulouse, Pháp từ năm 1994 đến nay) trả lời phỏng vấn tạp chí của hội, số ra mới nhất: “Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ có những chính sách hợp lý để giữ gìn và phát triển những gì mình đã tạo dựng được. Bởi một đất nước phát triển phải có một nền văn hoá, nghệ thuật phát triển”.

Đại hội đại biểu Hội Nghệ sĩ múa VN lần thứ V đã bầu BCH nhiệm kỳ mới với 15 thành viên. NSND Chu Thuý Quỳnh tái đắc cử làm chủ tịch; 3 phó chủ tịch là NSND Ứng Duy Thịnh, NSND Lê Ngọc Cường và NSND Trần Kim Quy.


Theo Trương Hoàng - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng