Tạp chí Sông Hương -
Tìm chỗ cho Bảo ngọc Linh quy
09:40 | 02/07/2010
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội này, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tặng thành phố Hà Nội Bảo ngọc Linh quy - rùa được tạc bằng đá saphia nguyên khối có tổng trọng lượng xấp xỉ 2 tấn.
Tìm chỗ cho Bảo ngọc Linh quy
Bảo ngọc Linh quy - rùa được tạc bằng đá saphia nguyên khối.
Việc tìm một vị trí xứng đáng  đang được thành phố Hà Nội tiến hành khảo sát  và cân nhắc.

Được tạc bằng đá saphia nguyên khối với trọng lượng ban đầu xấp xỉ 6 tấn, khai thác ở Nghệ An, sau khi tách được khối đá ra, 5 nghệ nhân đã làm việc hơn nửa năm trời để có thể tạo tác nên một linh vật sống động và tinh tế. Toàn bộ rùa đá được bao phủ màu xanh đặc trưng của đá saphia, kết hợp với màu xanh dương, màu nâu ánh đỏ trộn lẫn có trong đá saphia tự nhiên, khiến cho nó có vẻ đẹp cổ kính, gần với tự nhiên.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Doji - cho biết: Việc này tập đoàn đã ấp ủ từ lâu. Đã có ý kiến tạc rồng hoặc tượng Vua Lý Thái Tổ để dâng lên đại lễ, nhưng cuối cùng, chúng tôi chọn rùa - một trong 4 linh vật “long - ly - quy - phượng”, trong 4 linh vật ấy, hiện có quy là vẫn còn hiện hữu và rất gần với đời sống người Việt. Bảo ngọc Linh quy ra mắt công chúng ngày 30.6 tại Trung tâm Ruby Plaza Hà Nội và trưng bày đến hết tháng 7, sau đó sẽ được trao tặng cho thành phố Hà Nội.

GĐ Sở VHTTDL Hà Nội, GS-TS Phạm Quang Long cho biết: “Đây là món quà quý dành cho Thăng Long ngàn năm tuổi. Tặng vật cũng là một minh chứng cho nhiều đời sau về kỹ thuật chế tác của các nghệ nhân đương thời. Thành phố sẽ nghiên cứu để tìm nơi xứng đáng, thích hợp để trưng bày. Hiện, có hai địa điểm thành phố đang dự tính, đó là đền Ngọc Sơn và Bảo tàng Hà Nội. Ngoài ra, thời gian sắp tới, sẽ khảo sát thêm một vài nơi khác rồi mới quyết định”.

Đền Ngọc Sơn là nơi gắn với truyền thuyết rùa vàng và việc đặt Bảo ngọc Linh quy ở đó  phù hợp, nhưng không gian lại hơi hẹp, còn Bảo tàng Hà Nội - một trong những công trình trọng điểm chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi - cũng là nơi xứng đáng.

Tuy nhiên, có điều băn khoăn là ở ta, người dân vẫn chưa có thói quen tìm hiểu văn hóa ở bảo tàng và như vậy, một tặng vật quý như vậy sẽ ít người biết đến... Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ chọn được vị trí thích hợp cho bảo vật.

Theo Trương Hoàng - LĐ






Các bài mới
Các bài đã đăng